Gia Lai đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và công bố bảo vật quốc gia
13/11/2023 | 09:07Ngày 11/11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai), UBND tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê, tỉnh Gia Lai. Cũng trong dịp này đã diễn ra Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023.
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; đại diện Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL), Viện Khảo cổ học... cùng hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đến từ năm tỉnh Tây Nguyên và đông đảo người dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế.
Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 1649/QĐ-TTg xếp hạng Di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là Di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, bộ rìu tay cũng được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) Phạm Định Phong đã công bố các quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và công nhận Bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê, tỉnh Gia Lai.
Các di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê được phát hiện từ năm 2014. Chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) tiếp tục có những phát hiện gây chấn động về quần thể di tích Rộc Tưng - Gò Đá.
Năm 2018, cuộc khai quật mở rộng nhóm di tích Rộc Tưng - Gò Đá được Viện Khảo cổ học phối hợp với Viện Khảo cổ - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học CHLB Nga) và Sở VHTTDL tỉnh Gia Lai thực hiện đã ghi nhận ở thung lũng An Khê tồn tại một cộng đồng cư dân cổ. Niên đại của các di tích ở An Khê đã dần được khẳng định với các chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và kết quả phân tích bằng phương pháp K/Ar các mảnh thiên thạch cho thấy loài người đã sinh sống cách đây trên dưới 800.000 năm.
Phát hiện kỹ nghệ Đá cũ An Khê cũng đã làm thay đổi nhận thức về lịch sử vùng đất và đời sống của tổ tiên chúng ta, lâu nay cho rằng, người sơ kỳ Đá cũ chỉ chế tác công cụ đá khi nào cực kỳ cần thiết, và công cụ họ làm ra đều mang tính vạn năng. Với phát hiện di tích Đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước. Và như vậy, vùng thượng lưu sông Ba (Gia Lai) được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa của tổ tiên loài người - Người đứng thẳng (Homo erectus).
Với những phát hiện về khảo cổ học An Khê, giá trị của di tích được xác định không chỉ bổ sung tư liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam, mà còn cung cấp tư liệu nghiên cứu mới về nguồn gốc loài người ở châu Á. Lễ công bố và đón nhận bằng xếp hạng một lần nữa khẳng định Gia Lai là vùng đất giàu trầm tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ với những di sản vô giá.
Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023 sôi động với sự tham gia của các đoàn cồng chiêng, đại diện cho 11 dân tộc Tây Nguyên, cùng hòa tấu giai điệu cồng chiêng giữa đại ngàn xanh hùng vĩ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long, Trưởng ban Tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai nhấn mạnh: Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023 là sự kiện nhằm hiện thực hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện cam kết với UNESCO về hoạt động tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh.
Đây cũng là dịp giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực; quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai. Đồng thời, là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.
“Với sự cổ vũ, động viên của lãnh đạo các cấp, nhân sĩ trí thức, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là niềm đam mê của các nghệ nhân cồng chiêng, tôi tin tưởng rằng, trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2023, tiếng cồng, tiếng chiêng của các dân tộc trong tỉnh hoà cùng tiếng cồng chiêng của bạn bè các tỉnh Tây Nguyên sẽ ngân vang, bay xa không những trên lãnh thổ Việt Nam mà còn vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập với khu vực và thế giới”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với sự tham gia của diễn viên không chuyên và các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng của Tây Nguyên và cả nước như Thu Minh, Trọng Tấn, Bích Mận, Y Garia, Hoàng Yến Chibi… Với chủ đề “Gia Lai-Những sắc màu văn hóa”, chương trình nghệ thuật gồm hai chương với nhiều tiết mục đặc sắc. Chương I - “Linh thiêng đại ngàn” tái hiện không gian đậm chất sử thi về công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ buôn làng, giữ lửa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên giữa đại ngàn hùng vĩ. Chương II - “Sức sống đại ngàn” khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng không chỉ vang vọng tại các buôn làng, mà vượt qua khỏi biên giới quốc gia, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam và được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, chương trình nghệ thuật tái hiện bức tranh về đại ngàn hùng vĩ, nơi những thanh âm của núi rừng hòa quyện cùng tiếng cồng chiêng vang lên như một bản hòa ca bất tận, tạo nên không gian kết nối, giao hòa giữa thiên nhiên - con người - thần linh, giữa quá khứ - hiện tại - tương lai, nơi thế giới nội tâm sâu sắc của người dân Tây Nguyên được thể hiện qua những giây phút thăng hoa cùng nghệ thuật; nơi văn hóa cồng chiêng được tôn vinh và khẳng định giá trị trường tồn trong nhịp sống đương đại.
Đặc biệt, tại chương trình khai mạc đã diễn ra tiết mục đặc sắc “Âm vang đại ngàn” với sự tham gia trình diễn cồng chiêng của hơn 1.000 nghệ nhân năm tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là kỷ lục về số lượng nghệ nhân trong một chương trình nghệ thuật từ trước tới nay.
Trong khuôn khổ Tuần văn hóa Du lịch Gia Lai năm 2023, Festival Văn hóa cồng chiêng diễn ra từ ngày 11 – 12/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, là hoạt động tôn vinh giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng và tinh thần kế thừa, sáng tạo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên - những chủ nhân của di sản thông qua các buổi trình diễn đầy âm thanh và màu sắc của trên 1.000 nghệ nhân năm tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Gia Lai có 17 đoàn đến từ các huyện, thị xã, thành phố với trên 870 nghệ nhân và 140 nghệ nhân của bốn đoàn thuộc các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng.