Gia Lai đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình
24/05/2020 | 08:12Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình "Âm vang đại ngàn" trở lại phục vụ công chúng và du khách; Đề nghị thẩm định Báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, huyện Kon Plông là những điểm tin văn hóa nổi bật tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Gia Lai đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 1097/UBND-KGVX về triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đối với các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị.
Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phê phán lên án các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời tham gia tổ chức, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình các cấp; tổ chức các hoạt động và triển khai hiệu quả về phòng, chống bạo lực gia đình. Cùng với đó, tiến hành tổng kết, đánh giá "Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020" khi có hướng dẫn của Bộ VHTTDL.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo chính quyền cơ sở triển khai kịp thời và có giải pháp xử lý nhanh, hiệu quả các điểm nóng về bạo lực gia đình ở địa phương; Bố trí cán bộ làm công tác gia đình và xây dựng đội ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở để xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. Đồng thời, đảm bảo công tác cập nhật thông tin và dữ liệu về gia đình; tiếp tục nghiên cứu nhân rộng và duy trì các mô hình như mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, mô hình đội phản ứng nhanh và các mô hình khác về phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với điều kiện thực tế của đja phương…
Chương trình "Âm vang đại ngàn" trở lại phục vụ công chúng và du khách
Thông tin trên báo Đắk Lắk điện tử cho biết, được sự cho phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, chương trình "Âm vang đại ngàn" sẽ trở lại phục vụ công chúng và du khách sau thời gian tạm dừng do đại dịch Covid - 19.
Cụ thể, chương trình văn hóa, nghệ thuật "Âm vang đại ngàn" do các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng và dân ca, dân vũ Đoàn ca múa Đăk Lắk thực hiện sẽ diễn ra vào tối thứ Bảy (23/5) tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.
Chương trình cũng sẽ tái hiện nghi lễ đón khách, mời rượu cần theo phong tục người Êđê nhằm mục đích tương tác, lan tỏa Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với công chúng và du khách tham dự.
Như thường lệ, Chương trình "Âm vang đại ngàn" tiếp tục được tổ chức vào hai tối thứ Bảy trong tháng và được xem là sản phẩm du lịch đặc sắc của nhằm thu hút khách du lịch đến với Đăk Lắk ngày càng nhiều hơn.
Kon Tum đề nghị thẩm định Báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, huyện Kon Plông
UBND tỉnh Kon Tum đã có Tờ trình số 57/TTr-UBND ngày 21/5 đề nghị Bộ VHTTDL thẩm định Báo cáo KTKT đầu tư xây dựng công trình Chống xuống cấp tu bổ Di tích lịch sử và thắng cảnh Măng Đen, huyện Kon Plông (Hạng mục: Sửa chữa nhà bia di tích và hạng mục phụ trợ).
Về hiện trạng di tích, Tờ trình nêu rõ, nhà Bia di tích được xây dựng từ năm 2012, đến nay một số hạng mục xuống cấp, hư hỏng làm ảnh hưởng đến mỹ quan công trình (Toàn bộ trụ, lan can, trần BTCT lớp vôi bị hoen ố, bạc màu; Nền nhà lát gạch ceramic (600 x 600)mm nhiều vết bẩn, bong dộp; Bậc cấp, đế lư hương lát gạch ceramic bị bong dộp; Mái lợp ngói vảy bị rêu mốc bạc màu; Chân móng, bồn hoa lớp trát bị bong dộp nhiều chỗ; 08 đuôi Rồng trên mái bị hoen ố, rêu mốc; Chữ khắc trên tấm bia bị bạc màu; Chưa có bàn đá để trái cây, nhan thắp hương; Bóng điện tròn fi 300mm tại các thành lan can bị vỡ). Đồng thời, cổng tường rào song sắt L = 160,2m (Cánh cổng đẩy song sắt bánh xe và 02 thanh sắt dọc theo cánh cổng bị hư hỏng không đẩy được; Tường rào song sắt hoen rỉ; Chân tường rào xây lớp vôi hoen ố bạc màu); Tường rào xây L = 55,4m (Trụ, tường rào xây lớp vôi hoen ố bạc màu). Cùng với đó, sân đường nội bộ, hiện tại phần diện tích sân trong khuôn viên di tích lát gạch Block (300 x 300)mm bị bong dộp nhiều chỗ ảnh hưởng trong quá trình đi lại khách đến tham quan; Diện tích tại ví trí lối vào từ cổng đến khuôn viên nhà bia xếp đá chẻ bị lồi lõm, không được bằng phẳng gây mất mỹ quan trong khuôn viên; 10 trụ điện sân vườn lớp sơn bạc màu, 06 bóng điện 4 bóng và 04 bóng điện 01 bóng bị vỡ, hư hỏng; 04 tấm đan mương thoát nước BTCT có kích thước (500 x 600)mm bị gãy; Bồn hoa hai bên lối vào chưa có; Mương thoát nước xung quanh nhà bia bị ứ đọng không thoát nước được.
Trước hiện trạng trên, Tờ trình đưa ra phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi từng hạng mục của di tích. Cụ thể, nhà bia di tích, về kiến trúc vẫn giữ nguyên theo hiện trạng, chỉ sơn lại toàn bộ nhà, lát gạch nền, vệ sinh mái ngói không ảnh hưởng đến kết cấu bên trong công trình.
Về giải pháp thiết kế cải tạo, sửa chữa và biện pháp thi công xây dựng: Phương án kiến trúc, về cơ bản các hạng mục vẫn giữ nguyên theo hiện trạng không ảnh hưởng nhiều trong quá trình sửa chữa.
Đề xuất các hạng mục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích: Sửa chữa Nhà bia di tích: 61,0m2; Sửa chữa nền sân nhà bia: 130,0m2; Sửa chữa bậc cấp, đường vào nhà bia: 204,0m2; Sửa chữa mương thoát nước: 71,0m; Sửa chữa Cổng tường rào song sắt: L = 140,2m; Sửa chữa tường rào xây: L = 55,4m; Sửa chữa các hạng mục phụ trợ như: Bồn hoa, đan mương thoát nước, trụ điện sân vườn....
Về phương án phát huy giá trị di tích: Khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng mặc dù không đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp nhưng phục vụ khách đến tham quan và gìn giữ những chứng tích, hiện vật, con người thời chiến tranh xảy ra tại Măng Đen - Kon Plông./.