Gần 745,6 tỷ đồng tu bổ và tôn tạo di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ
25/10/2021 | 08:23HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực thành nội di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc (nhóm dự án số 3, giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư gần 745,6 tỷ đồng.
Theo đó, các hạng mục công trình tu bổ, phục hồi, tôn tạo gồm: khu trưng bày điện khảo cổ Hoàng Nguyên 9.000m2; khôi phục Hào thành phía nam 1000m; tôn tạo vệ thành; tôn tạo đường Hoàng gia; tu bổ, chống thấm cổng nam; phục hồi cầu Nam thành; phục hồi, tôn tạo đông Thái Miếu, tây Thái Miếu; đường giao thông nội bộ; cây xanh cảnh quan, điện chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật.
Dự án sẽ do sở văn hóa, thể thao và Du lịch Thanh Hóa làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư không quá 745,6 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng, ngân sách Trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian thực hiện dự án 2022 - 2025.
Đây là những hạng mục, công trình quan trọng nhằm bảo tồn vững chắc và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Đồng thời, đưa di sản Thành Nhà Hồ trở thành điểm tham quan du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển du lịch và kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) ở xã Vĩnh Long và Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những công trình kiến trúc bằng đá độc đáo bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Công trình được Hồ Quý Ly xây dựng vào năm 1397, từng được coi là kinh đô, trung tâm văn hóa chính trị xã hội của nước Đại Ngu dưới triều Hồ. Trải qua hơn 600 năm tồn tại với bao biến cố của lịch sử, tòa thành vẫn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành bằng đá cuốn vòm, và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Với những giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, năm 2011, Di sản Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (2011-2021), Thành nhà Hồ đã bảo tồn phát huy giá trị vốn có, thực hiện nhiều cuộc khai quật và đã tìm thấy nhiều cứ liệu quý, góp phần rất lớn cho việc trùng tu, tôn tạo tòa thành đá "độc nhất vô nhị" này.