Đưa tỉnh Tuyên Quang trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn
06/10/2020 | 10:37Tuyên Quang hiện đang tập trung quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sin
Tuyên Quang hiện đang tập trung quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang.
Với gần 500 di tích lịch sử gắn với những địa danh nổi tiếng, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch theo hướng bền vững, đặc biệt là chú trọng phát triển các loại hình du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Tuyên Quang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn và phấn đấu đến năm 2025, thu hút 2,6 triệu khách du lịch.
Ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang đã có những bước đột phá trong những năm gần đây và vượt chỉ tiêu đề ra.
Năm 2010, chỉ có khoảng 500.000 lượt khách du lịch đến Tuyên Quang nhưng đến năm 2019, đã thu hút trên 1,94 triệu lượt khách (vượt Nghị quyết đề ra năm 2020 thu hút 1,7 triệu lượt khách du lịch), tổng thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 1.750 tỷ đồng.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng và thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang.
Các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa được chú trọng: Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức hằng năm với quy mô lớn đã trở thành sản phẩm du lịch riêng có của Tuyên Quang.
Tuyên Quang hình thành và phát triển một số loại hình du lịch như: du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh...
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch được triển khai, qua đó, đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào du lịch, dịch vụ như: Tập đoàn VinGroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Mường Thanh…
Hiện nay, hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang phát triển nhanh cả về số lượng, quy mô, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 280 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 3.000 phòng. Trong số đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, 37 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-2 sao với phong cách phục vụ chuyên nghiệp.
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời, phát triển du lịch theo hướng bền vững, thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh (được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá của tỉnh Tuyên Quang từ nay đến năm 2025), ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết trong thời gian tới, tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái và dịch vụ thể thao Sơn Dương…
Tỉnh tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh dịch vụ du lịch tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa), Danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình...
Tỉnh sẽ xây dựng Khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia.
Tỉnh Tuyên Quang sẽ gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc.
Tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án du lịch thông minh; phát huy các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, riêng có; xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đồng thời, Tuyên Quang tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tua, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Ngoài ra, tỉnh tập trung đổi mới cách thức, nội dung, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh.
Tuyên Quang sẽ tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế đặc thù thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh, nhất là các dự án có quy mô lớn, khách sạn, khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp, các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp...
Đồng thời, tỉnh khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng... Qua đó, từng bước đưa Tuyên Quang - thủ đô kháng chiến trở thành điểm đến thân thiện, an toàn của du khách trong và ngoài nước.
Theo Vietnam+