Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Dự thảo Đề án “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025”

20/08/2018 | 21:10

Chiều 20/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Dự thảo Đề án “Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025”.

Phấn đấu 50 % làng được hỗ trợ cồng, chiêng. Ảnh minh họa (nguồn: Báo Quảng Nam)

Theo đó, mục tiêu Đề án huy động mọi nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; khuyến khích sáng tạo các giá trị văn hóa mới góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa; gắn kết việc xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn; chú trọng bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng tái định cư thuỷ điện.

Phấn đấu 100% di tích và các loại hình di sản phi vật thể của các dân tộc được kiểm kê, đánh giá; 100% di tích, danh lam thắng cảnh tiêu biểu được lập hồ sơ đề nghị xếp hạng; lập hồ sơ 02 di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu được lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ trang bị cồng (trống), chiêng cho 50% làng chưa có cồng (trống), chiêng để phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương; thành lập tại mỗi xã, thị trấn từ 1 đến 2 câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống; tại các huyện có số đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mỗi huyện được hỗ trợ phát triển 02 nghề thủ công truyền thống (nghề dệt thổ cẩm và nghề đan lát);…

Đề án tập trung vào các nội dung sau: Tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; Tăng cường năng lực bảo tồn, hỗ trợ phát triển văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện các chương trình về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào các dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Ngoài ra, đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số, gắn kết với chương trình phát triển kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng kết hợp với giảm nghèo bền vững; Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các địa phương vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh và với các vùng, miền và toàn quốc; xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; đưa giáo dục văn hóa truyền thống của các dân tộc vào trường học.

Quảng Nam hiện có khoảng 130.000 người thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,93% tổng dân số, với 4 thành phần dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme ngữ hệ Nam Á, gồm Cơ Tu, Xê Đăng, Co và Giẻ Triêng. Quá trình cộng cư giữa các dân tộc anh em đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa vừa phong phú, vừa đa dạng về các hình thức biểu đạt của văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, qua thời gian, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, bản sắc văn hóa của đồng bào phai nhạt dần. Chính vì vậy, Dự thảo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2025” được lấy ý kiến góp ý để ban hành.

Lan Phạm (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×