Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch xanh trên dãy Trường Sơn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi

26/05/2023 | 15:12

Hiện nay, các địa phương miền núi từ tỉnh Quảng Nam đến Quảng Bình tập trung phát triển kinh tế du lịch xanh, dựa vào thiên nhiên và văn hoá cộng đồng. Từ đó, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao thu nhập cho đồng bào miền núi. Các địa phương cũng đã tạo ra liên kết du lịch dựa vào những nét tương đồng về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Du lịch xanh trên dãy Trường Sơn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi - Ảnh 1.

Tại nhà Gươl thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Làng du lịch cộng đồng Tà Lang, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của dân tộc Cơ Tu. Du khách đến đây có thể trải nghiệm cuộc sống hoang sơ nơi núi rừng, môi trường xanh, sạch, không có đồ nhựa, túi ni lông, thích hợp cho nghỉ dưỡng. Mô hình Làng du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lang tại tỉnh Quảng Nam được sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đưa vào phục vụ du khách từ năm 2019, bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan.

Từ khi làm du lịch, đồng bào Cơ Tu nơi đây ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tạo thiện cảm với du khách. Địa phương đã xây dựng lại nhà Gươl, thành lập các tổ dịch vụ ẩm thực với các món ăn truyền thống của người Cơ Tu, khôi phục nghề đan lát, dệt thổ cẩm và các chương trình văn nghệ như hát lý, hát giao duyên.

Điều đặc biệt tại điểm du lịch cộng đồng Tà Lang là đồ dùng phục vụ du khách từ mâm cơm cho đến bàn ghế, ống hút nước đều bằng vật liệu thiên nhiên như tre, lá rừng..., không hề thấy đồ nhựa. Ông A Lăng Mít, ở thôn Tà Lang, xã Bha Lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bày tỏ, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu những năm trước quá nghèo khó, phụ thuộc vào nông nghiệp. Từ khi Làng du lịch cộng đồng hình thành, gia đình anh Mít và bà con trong thôn, bản bắt đầu làm dịch vụ du lịch. Được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, anh Mít vay mượn thêm sửa lại ngôi nhà làm homestay, phục vụ du khách.

Theo anh A Lăng Mít, làm du lịch xanh vừa bảo vệ di sản, tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào lại có thể giúp bà con miền núi có cuộc sống no đủ hơn: "Thời gian khách đến bà con rất vui mừng, nhà tôi có 160 khách tới lưu trú rồi. Ngày càng phát triển du lịch cộng đồng bà con cũng đỡ. Khách đến có nấu ăn cho khách, bà con trong làng đỡ. Trước đây làm rẫy mà mất mùa thì không có ăn, nay làm du lịch cuộc sống đỡ hơn".

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng du khách đến Tây Giang tăng mạnh. Địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa sang lại nhà Gươl đón khách du lịch: "Trước đây đồng bào sinh hoạt chủ yếu mang tính chất tự cung tự cấp, phạm vi gói gọn trong thôn. Tuy nhiên khi hướng đến phát triển du lịch cộng đồng thì bà con đã thay đổi, nâng cao tạo thu nhập cho bà con đồng bào tại chỗ. Lượng khách đối với các điểm du lịch từng bước nâng lên. Để công tác quản lý khai thác du lịch tốt hơn, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng, liên quan đến công tác bảo tồn giá trị văn hoá tốt đẹp của địa phương, quản lý và chăm sóc bảo vệ phát triển rừng và đồng thời vừa khai thác tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, phát triển du lịch sinh thái cho du khách để tham quan, hướng đến môi trường xanh, sạch, đẹp an toàn không để xâm phạm đến rừng già, rừng tự nhiên trên địa bàn".

3 huyện vùng cao Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện miền núi cao Nam Đông, A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều nét tương đồng về cảnh quan, văn hóa. Khu vực này có nhiều điểm đến thú vị đối với du khách.

Tại điểm du lịch sinh thái thác A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới, bà con đã xây dựng nhiều homestay phục vụ cho du khách. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết liên kết du lịch các huyện miền núi ở 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam đã tạo thuận lợi cho phát triển các dịch vụ du lịch, từng bước xây dựng được hình ảnh các điểm đến hấp dẫn, thân thiện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các huyện cũng đã giới thiệu những làng nghề như dệt zèng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản đặc trưng của mỗi địa phương tại các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu hàng năm: "Đối với 4 huyện là học tập trao đổi lẫn nhau trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Thứ hai là đã giới thiệu cho nhau những sản phẩm du lịch, và thứ 3 cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục gắn với các quy chế biên giới đất liền".

Nói đến du lịch xanh là cộng đồng địa phương được bảo vệ, được tôn trọng và đảm bảo những hoạt động tương tác giữa người dân với du khách, chia sẻ về lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân. Hiện, thành phố Đà Nẵng đã phát huy những lợi thế về sinh thái tự nhiên, văn hóa để làm du lịch xanh tại xã miền núi Hoà Bắc, huyện Hoà Vang. Bây giờ, đồng bào Cơ Tu ở 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí, xã Hoà Bắc mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần tạo sinh kế cho bà con.

Du lịch xanh trên dãy Trường Sơn tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi - Ảnh 2.

Nhiều hoạt động văn hoá của đồng bào Cơ Tu vùng núi Quảng Nam phục khách du lịch tham quan, trải nghiệm.

Anh Đinh Văn Như, người Cơ Tu ở thôn Giàn Bí, xã Hoà Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mong muốn: "Mong muốn lãnh đạo cấp trên quan tâm đến cơ chế, cách làm nhà lưu trú, hỗ trợ cho bà con bồi dưỡng, đào tạo cách đón khách, phục vụ khách chuyên nghiệp hơn. Vào ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật khách lên điểm du lịch cộng đồng này rất đông, quá tải, không thể đón 2 đến 3 đoàn được. Nhu cầu của mình hiện nay muốn mở rộng cơ sở, tạo thêm nhiều không gian rộng, trang trí thêm đẹp và có những dịch vụ thêm nữa, như dịch vụ văn hoá của đồng bào mình, như mát xa chân, tắm thuốc bắc để tạo thêm thu nhập cho bà con".

Năm 2021, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng huyện Hoà Vang giai đoạn 2021-2025, định hướng bền vững đến năm 2030. Đến nay, tại địa phương này đã có gần 20 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí Thư Thành uỷ Đà Nẵng khẳng định, thành phố này có chủ trương thí điểm phát triển du lịch trên đất nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc xây dựng cơ sở lưu trú gắn với bảo vệ môi trường: "Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Hoà Vang giai đoạn 2021 và 2025 là đề án rất quan trọng. Nói là văn hoá phải gắn với du lịch, tạo ra các điều kiện cho người dân người ta sống được. Bây giờ muốn làm được du lịch, chúng ta phải đảm bảo 2 chuyện rất quan trọng, đó là vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn".

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, việc phát triển du lịch xanh là hướng đi theo nền kinh tế xanh. Các địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình nếu liên kết chặt chẽ với nhau trong phát triển du lịch xanh đi theo Con đường di sản miền Trung thì sẽ rất mạnh. Hiện nay, các mô hình du lịch xanh vẫn chưa có tính liên kết giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh, thành với nhau.

Ông Nguyễn Trung Khánh cho rằng các chương trình du lịch có sự liên kết, hợp tác mạch lạc sẽ tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch: "Cần phải có sự liên kết hợp tác giữa các địa phương và trong các vùng. Ví dụ ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là một trong những liên minh liên kết rất mạnh ở khu vực miền Trung. Chúng ta cần tăng cường thêm hoạt động liên kết này để triển khai có hiệu quả tất cả các giải pháp, nhằm phục hồi lại hoạt động du lịch. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh và sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp trong bối cảnh mới phải tăng cường công tác liên kết, hợp tác trong việc khởi động lại hoạt động du lịch. Chỉ có thông qua liên kết chúng ta mới tạo sức mạnh và tạo nên những sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, đồng thời giảm được chi phí và nâng cao được hiệu quả kinh doanh".

Những sản phẩm du lịch xanh phát huy được thế mạnh yếu tố văn hóa bản địa, mang lại lợi ích cho người dân. Du lịch xanh không những giúp bà con trên dãy Trường Sơn làm giàu trên quê hương mà còn mang lại thông điệp hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân ở điểm đến với du khách./.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×