Du lịch với phát triển kinh tế văn hóa vùng biên giới Việt-Lào: Tiếp tục tạo thuận lợi cho công dân của nước thứ ba
22/08/2012 | 10:23Trong khuôn khổ chương trình Giao lưu văn hoá thể thao và du lịch vùng biên giới Việt - Lào năm 2012, ngày 18.8 tại thành phố Hà Tĩnh, Bộ VHTTDL Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào tổ chức Hội thảo “Du lịch với phát triển kinh tế văn hóa vùng biên giới Việt-Lào”.
Hơn 10 tham luận tại hội thảo đều đánh giá Du lịch khu vực biên giới Việt Nam-Lào là cầu nối bằng đường bộ với các nước ASEAN và thế giới. Thời gian qua đã có lượng lớn khách đến các tỉnh biên giới du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và làm thay đổi diện mạo, tạo nên nhiều việc làm, đóng góp tích cực xóa đói giảm nghèo cho đồng bào biên giới và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh. Phát triển du lịch biên giới đồng nghĩa với việc tăng cường cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho xã hội.
Đó là việc xây dựng hệ thống giao thông, cung cấp điện, nước sạch, các công trình du lịch, khu vui chơi giải trí, công viên tổng hợp, khách sạn, nhà hàng... làm cho cơ sở vật chất vùng biên giới ngày càng phong phú, đẩy nhanh tiến độ đưa biên giới phát triển kịp và vượt vùng đồng bằng.
Phát triển du lịch biên giới sẽ góp phần gìn giữ và làm tăng các giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hóa bản địa khu vực biên giới hai quốc gia, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc ít người khu vực biên giới được quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế; Góp phần củng cố và giữ vững quốc phòng, an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội dọc biên giới để tiến tới xây dựng đường biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển. Bên cạnh đó, phát triển du lịch tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao dân trí, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc khu vực biên giới, là những nguyên nhân góp phần làm ổn định khu vực biên giới Việt-Lào.
Khách du lịch Lào sang Việt Nam qua cửa khẩu biên giới tăng từ gần 20 nghìn lượt năm 2006 lên xấp xỉ 25 nghìn lượt năm 2011. Khách du lịch Việt Nam sang Lào qua biên giới năm 2006 đạt hơn 114 nghìn lượt, đến năm 2011 đạt hơn 280 nghìn lượt.
Các chương trình du lịch ngày càng phong phú và đa dạng, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng các tour, tuyến du lịch không chỉ dọc tuyến biên giới mà còn vào sâu trong nội địa hai nước và thậm chí kết nối sang Thái Lan, Campuchia (như tour Viêng Chăn - Noọng Khai - Uđon Thani qua cửa khẩu Cầu Treo; tour Savanakhet - Viêng Chăn qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo; tour Thà Khẹt - Viêng Chăn - Luông Pha Băng - Xiêng Khoảng qua cửa khẩu Lao Bảo, Cầu Treo; tour Viêng Chăn - Noọng Khai - Uđon Thani...
Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu cũng chỉ ra rằng, những kết quả đã đạt được chưa đánh giá hết tiềm năng hợp tác du lịch giữa hai nước. Do đó thời gian tới cả hai bên cần khắc phục, điều chỉnh những bất cập về cơ chế chính sách như thu phí xuất nhập cảnh nhiều lần tại tất cả các cửa khẩu đối với khách du lịch đường bộ đã khiến cho giá tour bị đẩy cao lên, gây khó khăn cho du lịch đường bộ khu vực này (phía Lào). Hệ thống dịch vụ chưa tương xứng với nhu cầu như khách sạn, các dịch vụ về đêm, đội ngũ hướng dẫn viên... làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự hấp dẫn và ổn định cho tuyến du lịch này.
Từ thực tế hợp tác du lịch giữa hai nước, các đại biểu tại Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp phát triển tuyến du lịch đường bộ Việt Nam-Lào như: Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại giữa hai nước và cho công dân của nước thứ ba để tăng cường khả năng thu hút khách du lịch; Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch, nâng cấp bến bãi điểm đỗ xe các trạm dừng nghỉ dọc đường theo tuyến quốc lộ 9, 8; Thành lập nhóm doanh nghiệp du lịch hai bên do các cơ quan du lịch hai bên đứng đầu hoặc hiệp hội du lịch; Đề xuất các cơ quan chức năng của mỗi quốc gia ban hành những chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch giữa hai nước; Thúc đẩy hợp tác cùng khai thác khách từ thị trường các nước thứ ba, phối hợp với Campuchia, Thái Lan… để khai thác trên các tuyến đường bộ kết hợp với đường hàng không giữa các nước; Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua trao đổi thông tin về tiêu chuẩn hóa nghề du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển du lịch giữa hai nước nói chung và tuyến du lịch đường bộ nói riêng.
Cùng kêu gọi đầu tư quốc tế với các dự án phát triển du lịch, đặc biệt là các dự án huy động nguồn hỗ trợ cho phát triển nguồn nhân lực như đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên của các công ty lữ hành.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho biết, hoạt động du lịch các tỉnh vùng biên giới Việt Nam-Lào đang có xu hướng tăng trưởng thuận lợi, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, tạo thu nhập, việc làm, tăng cường giao lưu văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các đồng bào vùng biên giới nói riêng và góp phần phát triển ngành du lịch hai nước Việt Nam-Lào. Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp với trách nhiệm, tầm nhìn và kinh nghiệm nhanh chóng tìm ra giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch vùng biên giới Việt-Lào theo hướng bền vững, chất lượng, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Chạ-lơn Va-lin-thạ-la-sak hi vọng qua trao đổi tại Hội thảo, sẽ tìm ra giải pháp tốt nhất để sự hợp tác giữa hai bên đạt kết quả cao, góp phần xây dựng chương trình hợp tác trong lĩnh vực du lịch giữa hai nước Lào-Việt đi vào chiều sâu, trở thành sự quan tâm, thu hút khách du lịch trong khu vực và quốc tế.
Theo báo Văn hoá