Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển

20/07/2023 | 12:05

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang xác định phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng và khả năng cạnh tranh gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tạo bước đột phá với những mô hình phát triển mới, mang tính khác biệt với một tầm nhìn tổng hòa trong mối liên kết vùng, quốc gia và quốc tế

Đến Huế, du khách đã quen thuộc với các tour du lịch gắn liền với Di sản văn hoá Thế giới Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình, du ngoạn trên sông Hương nghe ca Huế, các dịch vụ về đêm tại khu phố đi bộ… Du khách đến Huế được trải nghiệm các hoạt động gắn với cuộc sống người dân bản địa thông qua các sản phẩm du lịch mới như: Du lịch nhà vườn, du lịch đầm phá, du lịch cộng đồng… Họ được tự tay thu hoạch, chế biến các món ăn đặc sản Huế, sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Huế…

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm công đoạn làm gốm truyền thống ở làng cổ Phước Tích

Chị Hồ Thị Như Nga, du khách Hà Nội rất thích thú khi cùng hoà mình với khung cảnh thanh bình, nhịp sống bình dị và được thưởng thức các món ngon truyền thống xứ Huế tại Chợ đêm Cầu Ngói Thanh Toàn, xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ.

“Tôi rất vui khi được trải nghiệm ở làng nghề này cùng với những người dân, các nghệ nhân ở đây. Tôi được mở mang thêm tầm mắt của mình, học hỏi thêm rất nhiều thứ ở Huế”- chị Nga cảm nhận.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đón hơn 1,6 triệu lượt khách, trong đó hơn 570 ngàn khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến Thừa Thiên Huế gấp đôi so với cả năm 2022. Đây là tín hiệu khả quan để ngành du lịch địa phương thực hiện mục tiêu đón từ 3 triệu đến 3,5 triệu lượt du khách trong năm nay.

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 2.

Di sản cố đô Huế đang được bảo tồn và phát huy giá trị

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 3.

Đại Nội Huế hấp dẫn du khách

Thực tế cho thấy, nhu cầu lưu trú chất lượng cao của du khách khi đến Thừa Thiên-Huế ngày càng cao, tuy nhiên hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú chất lượng cao vẫn còn thiếu. Nhiều dự án khách sạn chưa hoàn thiện, số dự án khác đang trong tình trạng quy hoạch “treo”. Thừa Thiên-Huế hiện chỉ có khoảng 3.000 phòng từ 3 đến 5 sao.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận, so với các địa phương trong vùng như Đà Nẵng, Quảng Nam thì đây là một điểm yếu của du lịch địa phương. Ông nói: “Thật ra lượng khách đến Thừa Thiên-Huế rất đông nhưng khả năng lưu trú, nhất là cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên không đảm bảo, chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Ngành Du lịch rất mong các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đốc thúc các dự án liên quan đến du lịch, nhất là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn nội đô cũng như các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách… Trong thời gian tới, các dự án cần triển khai, sớm hoàn thành để đáp ứng được nhu cầu của du khách và đón được lượng khách nhiều hơn và lưu trú lâu hơn”.

Thời gian qua, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các đơn vị lữ hành, các địa phương khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mới của du khách; xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm tại Thừa Thiên-Huế… Từ đó, phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững, nâng cao đời sống kinh tế của người dân; phát huy được giá trị di sản, văn hóa, lịch sử. Ngành du lịch và các địa phương xây dựng đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể di tích Cố đô Huế; Du lịch MICE...

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 4.

Lượng khách quốc tế đến Huế tăng cao so với năm 2022

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 5.

Khách quốc tế tham quan làng cổ Phước Tích

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, công tác quy hoạch cần chú ý đến các vấn đề liên quan đến di sản, kiến trúc cổ, các thiết chế văn hóa, thể thao… “Hiện nay, phát triển du lịch thể thao cũng là một ngành rất mạnh mà Thừa Thiên Huế rất có ưu thế. Rất nhiều giải thể thao lớn rất muốn về Thừa Thiên Huế để tổ chức thế nhưng địa phương thiếu thiết chế để tổ chức. Cũng giống như, muốn tổ chức cho một ban nhạc nổi tiếng biểu diễn thì chúng ta cần phải có địa điểm. Đây là những yêu cầu đặt ra, do đó tỉnh cần phải có sự đầu tư. Trong công tác quy hoạch cũng cần lưu ý điểm này. Hiện nay, chúng ta đang hoàn thiện quy hoạch chung của cả tỉnh và đây là bước rất quan trọng” - ông Hải mong muốn.

Du lịch Thừa Thiên Huế tự làm mới để phát triển - Ảnh 6.

Nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách đến Huế

Đồ án Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 về xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương đã thể hiện rõ chỉ tiêu phát triển đô thị, định hướng tổ chức không gian cùng nhiều định hướng khác… Đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi, hài hoà giữa việc bảo tồn và phát triển đô thị di sản; phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, văn hoá truyền thống…

“Thừa Thiên-Huế cần có sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hoá cũng như những nét đặc sắc của Quần thể Di tích Cố đô Huế. Đây là yếu tố không thể thay thế được so với các địa phương khác. Chúng tôi đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch theo chiều sâu, chú trọng chất lượng chứ không chạy theo số lượng.Đây là định hướng phát triển, thu hút khách du lịch trong thời gian tới” - ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.

Theo VOV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×