Du lịch Thanh Hóa trước cơ hội vượt mục tiêu đề ra trong năm 2022
27/06/2022 | 10:17Sau hơn 2 năm toàn ngành du lịch nói chung, du lịch Thanh Hóa nói riêng gần như đóng băng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngay sau khi mở cửa trở lại từ ngày 15-3, du lịch Thanh Hóa đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón gần 7 triệu lượt khách. Đặc biệt các kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến các khu, điểm du lịch Thanh Hóa luôn xếp trong tốp đầu của cả nước.
Hiệu quả không dừng lại ở những con số
Như chiếc lò xo bật dậy mạnh mẽ sau thời gian bị nén lại bởi đại dịch, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại từ ngày 15-3, du lịch xứ Thanh đã chào đón lượng khách “khủng” trong 2 dịp nghỉ lễ: Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), 30-4 và 1-5. Đặc biệt, trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5, toàn tỉnh đón gần 900 nghìn lượt khách, thu về khoảng 2 nghìn tỷ đồng. So với các trung tâm du lịch lớn như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang thì lượt khách tới Thanh Hóa vượt xa và là tỉnh thu hút đông khách nhất cả nước trong dịp lễ này.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm đạt trên 6,8 triệu lượt, bằng 68,2% kế hoạch năm. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 44.550 lượt khách, tăng gấp 2,18 lần so với 6 tháng đầu năm 2021; tổng thu du lịch ước đạt 11.557 tỷ đồng, tăng gấp 2,61 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và đạt 64,5% kế hoạch năm 2022.
Trong đó, khu du lịch biển Sầm Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về lượng khách. Chỉ tính đến ngày 21-6, tất cả chỉ tiêu về lượt khách, ngày khách, doanh thu đều vượt so với kế hoạch đề ra trong năm 2022. Cụ thể, TP Sầm Sơn đón trên 4,1 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm; phục vụ trên 8,4 triệu ngày khách, gấp 2,35 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 2,2% kế hoạch. Doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kỳ năm 2021, vượt 9% kế hoạch năm 2022.
PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch - Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cho rằng: Cùng với những điểm đến hấp dẫn, sự nhiệt tình, hiếu khách, du lịch Thanh Hóa có rất nhiều lợi thế để trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch hậu COVID-19. Không chỉ có du lịch biển, mà hầu hết các sản phẩm du lịch nổi bật như: văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch đường sông, khám phá trải nghiệm... đều “gói gọn” trong một tỉnh. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi về cung đường kết nối với các thị trường khách du lịch lớn, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, phát triển dịch vụ chất lượng cao... Do đó, các đơn vị lữ hành trong cả nước đang có sự “ưu ái” khi đưa khách đến Thanh Hóa cũng là điều dễ hiểu.
Thực tế, cùng với các khu du lịch biển, ngay sau khi du lịch mở cửa trở lại, một số điểm đến văn hóa lịch sử, sinh thái và du lịch cộng đồng như: Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước), Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc)... ngày càng khẳng định được sức hấp dẫn đối với du khách. Điều đáng mừng hơn, cùng với lượng khách truyền thống từ các tỉnh phía Bắc, những điểm đến này đã mở rộng thu hút khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên có đường bay kết nối đến Thanh Hóa.
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách du lịch đến khu di tích tăng mạnh, đạt hơn 145 nghìn lượt, trong đó có gần 1 nghìn khách quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đơn vị đã triển khai lắp đặt, hoàn thiện hệ thống biển chỉ dẫn và đưa vào vận hành phần mềm thuyết minh tự động thông qua quét mã QR-Code; phát triển thêm hệ thống xe điện; bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên; đưa vào hoạt động phòng trưng bày bổ sung các di vật, hiện vật liên quan đến thời Lê sơ, giới thiệu gần 300 hiện vật gốc, được phát hiện trong 7 đợt khai quật khảo cổ học tại di tích... Đặc biệt, việc chính thức mở cửa đón khách tham quan khu chính điện Lam Kinh - một công trình có giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật bằng gỗ độc nhất vô nhị của xứ Thanh đã tạo nên điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.
Vươn lên trở thành điểm sáng
Đánh giá cao những kết quả mà du lịch Thanh Hóa đã đạt được, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Thanh Hóa còn là địa phương đi đầu trong việc phát triển đa dạng sản phẩm du lịch đặc trưng, du lịch “xanh”... và các loại hình du lịch mới như: camping (cắm trại), farm stay (du lịch nông trại)... phù hợp với thị hiếu, xu hướng thị trường trong tình hình mới.
Cùng với đó, sự cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn của doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng để vực dậy hoạt động du lịch. Sau mỗi lần du lịch “đóng - mở”, chuỗi liên kết kích cầu du lịch luôn được duy trì ổn định, sẵn sàng đón khách trở lại với cam kết về chất lượng dịch vụ tốt nhất. Cụ thể, ngay thời điểm du lịch còn hạn chế, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng 3 - 5 sao trên địa bàn tỉnh đã đưa ra thị trường gói “staycation” (kỳ nghỉ gần nhà), dịch vụ không chạm... với mức giá hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.
Đến nay, đại dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát, ngành du lịch Thanh Hóa tiếp tục thực hiện chiến lược phục hồi với trọng tâm đẩy mạnh du lịch nội địa. Trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, quảng bá; tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động xúc tiến, sự kiện du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; tăng cường liên kết với các trọng điểm du lịch trong cả nước; tổ chức khảo sát, xây dựng các tour du lịch mới; khai thác hiệu quả các đường bay hiện có và đường bay mới đến và đi từ Cảng Hàng không Thọ Xuân; định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khai thác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác...
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Vương Thị Hải Yến, cho biết: Với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch Thanh Hóa tiếp tục thực hiện công tác duy trì trật tự kỷ cương tại các khu, điểm và loại hình kinh doanh dịch vụ. Bên cạnh đó, Sở sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng, ban quản lý khu, điểm du lịch, chính quyền địa phương thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điểm đến; chú trọng tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch; tăng cường công tác quản lý giá, dịch vụ; bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Đặc biệt, xử lý nhanh chóng, triệt để các vấn đề bất cập phát sinh trong hoạt động du lịch. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm về du lịch...
Có thể nói, du lịch Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để hoàn thành mục tiêu đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó có hơn 440 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng phải thẳng thắn thừa nhận, theo thống kê về cơ cấu chi tiêu và thời gian lưu trú thì lượng khách du lịch đến Thanh Hóa tuy đông, nhưng tổng thu chưa cao, thời gian lưu trú ngắn do vẫn còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật cao cấp; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí quy mô; sản phẩm du lịch còn đơn điệu... là những vấn đề đặt ra cho du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới.