Du lịch Thanh Hoá: Phát triển bền vững, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam
04/11/2024 | 14:44Với hướng đi đúng đắn, sự đầu tư hợp lý và khai thác tốt những tiềm năng sẵn có, du lịch tỉnh Thanh Hoá đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Xứ Thanh - điểm đến thân thiện, hấp dẫn
Là vùng đất “Địa linh nhân kiệt”, Thanh Hóa đang lưu giữ kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú, với hơn 1.500 di tích và danh thắng. Bên cạnh đó là nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo; ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn...
Với hệ thống giao thông đồng bộ; cùng với tiềm năng có cả ba vùng sinh thái là vùng núi, trung du, đồng bằng và vùng ven biển, cùng với đó là cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư bài bản và chất lượng. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để Thanh Hóa khai thác, phát huy giá trị, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.
Theo đó, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Lượng tìm kiếm về du lịch Thanh Hoá tăng nhanh tốp đầu cả nước.
Sự tăng trưởng của ngành Du lịch Thanh Hoá đã chứng minh cho niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; cùng đó, đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Thanh Hoá.
Theo báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa cho biết, năm 2023, ngành du lịch Thanh Hoá đón trên 12 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần.
6 tháng đầu năm 2024, Thanh Hoá đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch gần 19,848 tỷ đồng, tăng tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023. Trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Thanh Hoá đã đón gần 14,7 triệu lượt khách du lịch, với tổng thu du lịch đạt hơn 32.440 tỉ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ.
Với kết quả này, Thanh Hoá được đánh giá nằm trong tốp đầu một số địa phương trên cả nước có sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu và lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng đang là một “hiện tượng” mới nổi trên bản đồ du lịch Thanh Hóa, góp phần không nhỏ vào sự thành công chung của du lịch Thanh Hóa.
Các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đồng loạt thu hút lượng lớn khách du lịch như: Khu du lịch Bến En Thanh Hóa (H. Như Thanh) được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn xứ Thanh”, suối cá Cẩm Lương (H. Cẩm thủy), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (H. Thọ Xuân), làng Văn hóa dân tộc xứ Thanh (TP. Thanh Hóa)... đều tăng hơn cùng kỳ, có những điểm du lịch đã đón đủ chỉ tiêu về lượt khách cho cả năm 2024.
Dịp lễ 30.4 và 1.5, Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về số lượt khách du lịch với 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỉ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023. Kỳ nghỉ lễ 2.9 vừa qua, Thanh Hoá cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước với 395.700 lượt khách, tăng 20,4% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023, tổng thu đạt 870,5 tỉ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. Công suất sử dụng phòng lưu trú toàn tỉnh đạt từ 35% - 37%, riêng Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông công suất sử dụng phòng đạt 100%.
Các điểm đến được đông đảo khách quốc tế lựa chọn khi đến Thanh Hóa, như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); Khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn); Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; các khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại thị xã Nghi Sơn;... Trong đó, chủ yếu là khách đến từ các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức, Anh,...
Tín hiệu tích cực từ thị trường khách quốc tế cho thấy hiệu quả từ việc thực hiện chính sách thị thực và triển khai đồng bộ chương trình quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch nhằm thu hút khách quốc tế đến Thanh Hóa trong thời gian qua.
Du lịch biển vẫn là sản phẩm du lịch thế mạnh của Thanh Hóa với lượng khách dẫn đầu trong tất cả các khu du lịch trong tỉnh. Trong đó phải kể đến là pha bứt tốc ngoạn mục của thành phố Sầm Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỉ đồng.
Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố Sầm Sơn đón được 8,58 triệu lượt khách, tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt 100,9% kế hoạch; đạt 16,8 triệu ngày khách, tăng 14,6% so với cùng kỳ, đạt 102,1% kế hoạch; doanh thu đạt 16.482 tỉ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ, đạt 104,8% kế hoạch, đóng vai trò chính để Thanh Hóa vươn lên vị trí thứ tư cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có gần 90 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép, trong đó có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, gần 60 doanh nghiệp lữ hành nội địa, bốn chi nhánh du lịch. Đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, ngày càng được đầu tư đồng bộ, đáp ứng tốt các phân khúc khách hàng.
Hướng tới là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước
Có được kết quả này là nhờ sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chuẩn bị tốt các điều kiện đón và phục vụ khách; đồng thời triển khai hiệu quả, sáng tạo các chương trình liên kết, kích cầu du lịch ngay sau khi du lịch được mở cửa trở lại.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tối đa các hoạt động liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch với các trọng điểm du lịch cả nước.
Để thúc đẩy hoạt động du lịch, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó phải kể đến một số sự kiện, hoạt động điểm nhấn, như: Hội nghị công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” (sự kiện Bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2024”; Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hoá với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng mở rộng, tại tỉnh Bắc Giang; đón đoàn famtrip, presstrip các tỉnh, thành đến từ Tây Bắc và Đông Nam Bộ; quảng bá du lịch Thanh Hóa tại các cảng hàng không lớn trong nước và trên kênh truyền hình quốc tế CNN; làm việc với đại diện Tập đoàn BBC (Vương quốc Anh) về kế hoạch hợp tác quảng bá du lịch Thanh Hóa trong thời gian tới...
Nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới vào khai thác như: Quảng trường biển, nhạc nước, phố đi bộ… Đặc biệt hơn là sự ra đời, vận hành của các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao như: khu nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường với chuỗi các hoạt động sôi động, hấp dẫn hằng tuần; công viên nước Sun World Sầm Sơn...
Trong thời gian qua, Thanh Hoá không ngừng làm mới và hoàn thiện ba dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh và du lịch sinh thái cộng đồng. Đón nhiều đoàn famtrip của các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí trong cả nước đến khảo sát, kết nối phát triển du lịch.
Qua đó quảng bá sâu rộng hình ảnh “Hương sắc bốn mùa” của du lịch xứ Thanh đến gần hơn với du khách; nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến tham quan, trải nghiệm.
Cùng với đó, Sở VHTTDL Thanh Hoá đã chủ động triển khai, đấu mối với các nhà đầu tư để nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình thực hiện dự án, khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định, để du lịch giữ đà tăng trưởng, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm giải pháp trọng tâm. Thanh Hóa tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch có tiềm lực, thương hiệu mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch.
Sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua đã tạo đà cho các địa phương, các nhà đầu tư tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới mục tiêu là trọng điểm phát triển du lịch của cả nước.
Cũng theo bà Yến, Du lịch Thanh Hóa đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, với nhiều khó khăn nội tại cần vượt qua và cả những thách thức khách quan phải đối mặt. Song, du lịch cũng đang đứng trước cơ hội mới để cất cánh.
Đó là Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch Thanh Hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về du lịch.
Đồng thời, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục xác định Chương trình phát triển du lịch là một trong sáu chương trình trọng tâm; với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đón 16 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế 850 nghìn lượt, đưa du lịch trở thành một trong năm trụ cột tăng trưởng. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hoá đề ra các chính sách cụ thể, đột phá, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngành Du lịch.