Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Quảng Ninh ngày một chuyên nghiệp, hiện đại

27/04/2021 | 09:21

Những người từng chứng kiến sự đổi thay của Vùng mỏ Quảng Ninh hẳn đều thừa nhận điều đó. Du lịch Quảng Ninh mới khởi động từ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất hai miền đất nước, thời gian chưa lâu nhưng sự phát triển thì rất mạnh mẽ, cả về bề rộng và chiều sâu…

Khẳng định từ di sản Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh là vùng công nghiệp than lớn của cả nước khi ấy, cũng là một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ trong thời chiến, vì vậy, khi hòa bình lập lại thì Vùng mỏ phải dồn sức khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất. Quảng Ninh khó khăn, cả nước đều khó khăn nên giai đoạn từ sau khi thống nhất đến những năm 90, hoạt động du lịch ra đời chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về chính trị là chủ yếu.

Các cơ sở du lịch hầu hết để phục vụ các đoàn khách của nhà nước, các đoàn khách ngoại giao, chuyên gia nước ngoài, các đoàn nghệ thuật, thể thao nước ngoài đến tham quan và làm việc. Khách du lịch quốc tế chủ yếu đến từ các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Các cơ sở lưu trú rất ít, nghèo nàn và trang bị lạc hậu, trong đó vai trò chủ đạo là các doanh nghiệp nhà nước.

Cả khu vực Bãi Cháy chỉ có một vài khách sạn như: Vườn Đào, Bạch Đằng, Hạ Long, Giao tế… có thể phục vụ khách nước ngoài và các đoàn khách của chính phủ. Một số khách sạn của các ngành như: Công đoàn, Than, Điện lực... chỉ chuyên phục vụ cán bộ, công nhân của ngành đến nghỉ dưỡng và chủ yếu là vào mùa hè. Các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, thông tin liên lạc, y tế... còn thiếu và nghèo nàn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, nguyên Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, khi trò chuyện với chúng tôi từng khẳng định: Du lịch Quảng Ninh chỉ thực sự chuyển mình và tạo ra bước phát triển mới từ khi Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần đầu vào năm 1994 và lần hai vào năm 2000. Có thể nói rằng, từ thời điểm đó thì Quảng Ninh luôn là địa phương tiên phong, đi đầu của ngành du lịch Việt Nam…

Du lịch Quảng Ninh ngày một chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 1.

SunWorld Hạ Long Complex là một trong những khu vui chơi giải trí lớn được đầu tư tại TP Hạ Long.

Còn nhớ, ngay từ khi Vùng mỏ chưa giải phóng, di sản này đã được người Pháp nhìn ra tiềm năng kinh doanh du lịch tại đây. Nhà nghiên cứu Tống Khắc Hài, khi sinh thời đã viết trong cuốn “Bãi Cháy - Ngày ấy, bây giờ” (NXB Hồng Đức, tháng 10/2019) về việc người Pháp kinh doanh du lịch ở Bãi Cháy.

Theo đó, ông chủ tên là Lapique, nguyên là một sĩ quan hải quân có công của Pháp, sau khi xuất ngũ được toàn quyền Pháp ở Đông Dương đồng ý cho không hòn đảo Bãi Cháy để kinh doanh du lịch. Ông ta đã mở đường, xây bến tắm, sắm tàu và thuê người trồng thông lấy nhựa trên khắp các quả đồi của Bãi Cháy. Chính Lapique cũng là người làm những tờ quảng cáo du lịch Hạ Long tại Pháp. Và ngay từ năm 1938, Lapique đã gọi Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thứ tám của thế giới. Khi ấy, Lapique có 4 tàu tham quan Vịnh Hạ Long, mỗi tàu có từ 6 đến 12 phòng riêng biệt và một buồng tối để khách in, rửa ảnh. Các tàu đều mang tên các loại ngọc như Saphiare, Émérode, Rubi…

Vịnh Hạ Long từ những năm 90 đến giờ vẫn luôn giữ vững vị trí hạt nhân nòng cốt của du lịch Quảng Ninh. Không chỉ là sự hút khách mà từ đây cũng là nền tảng cho sự hình thành của trung tâm du lịch Hạ Long lớn nhất toàn tỉnh với đầy đủ cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch cao cấp, từ hệ thống cảng bến, khách sạn, tàu du lịch cho tới các nhà hàng, khu vui chơi giải trí đẳng cấp…

Du lịch Quảng Ninh ngày một chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 2.

Du lịch Quảng Ninh hiện phát triển rộng khắp tại các địa phương trong toàn tỉnh. Ảnh: Du khách tham quan vườn hoa Cao Sơn tại Bình Liêu.

Đầu tư đồng bộ, toàn diện cho du lịch

Cùng với sự phát triển của trung tâm du lịch Hạ Long, để du lịch phát triển rộng khắp, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về du lịch, xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tập trung có chiều sâu, xác định các chiến lược đột phá về thu hút đầu tư, công tác lập quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực và các chính sách quản lý nhằm giải quyết tốt các vấn đề trong quá trình phát triển du lịch. Qua đó, diện mạo của du lịch Quảng Ninh đã đổi khác rất đáng kể, dần đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Nhìn thấy rõ nét nhất là sự phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là hạ tầng giao thông từ đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, cầu, cảng bến đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và mở ra triển vọng mới đối với sự phát triển du lịch Quảng Ninh. Cho đến nay, tỉnh đã căn bản hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch đồng bộ phục vụ cho mục tiêu phát triển du lịch.

Trong đó có các công trình có tính động lực, như: Công trình đưa điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, đảo Cái Chiên (Hải Hà), Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, SunWorld Hạ Long Complex, Bệnh viện Đa khoa Vinmec, sân golf FLC, Tuần Châu. Các dự án hạ tầng khác tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn như: Khu di tích Yên Tử (Uông Bí), khu di tích Nhà Trần (Đông Triều), đảo Cô Tô và một số dự án lớn, trọng điểm của Tập đoàn Sun Group, Vingroup, BIM Group, Tuần Châu đưa vào hoạt động cũng đã phát huy hiệu quả tốt, tiếp tục là động lực để phát triển và thu hút du khách đến với Quảng Ninh.

Du lịch Quảng Ninh ngày một chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 3.

Quảng Ninh hiện phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm: Du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới, du lịch sinh thái cộng đồng. Ảnh chụp tại Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (TX Quảng Yên) năm 2021.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng ngày càng đa dạng hơn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 trung tâm du lịch, có 33 tuyến và 91 điểm du lịch, 5 khu du lịch cấp tỉnh, 1 khu du lịch cấp quốc gia, tập trung phát triển 4 dòng sản phẩm chủ lực gồm: du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, du lịch thương mại biên giới và du lịch sinh thái cộng đồng.

Việc hợp tác phát triển du lịch với các nước, tổ chức quốc tế được tiếp tục mở rộng bên cạnh việc hợp tác với các địa phương trong nước, như: Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh với 7 địa phương khu vực phía Bắc; hợp tác du lịch trong tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để tạo sự liên kết phát triển các tuyến du lịch và chuỗi sản phẩm du lịch giữa các địa phương và khu vực.

Cho đến nay, Quảng Ninh có trên 2.000 cơ sở lưu trú du lịch với gần 36.000 buồng, trong đó gần 1.600 cơ sở với gần 30.000 buồng đã xếp hạng; 11 bãi tắm du lịch, 1 điểm vui chơi giải trí và 51 cơ sở kinh doanh du lịch được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Giai đoạn 2015-2019 cũng là giai đoạn đỉnh cao của du lịch Quảng Ninh với tổng số khách đến Quảng Ninh đạt hơn 52 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 21,5 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt hơn 95.000 tỷ đồng; nộp ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 10.205 tỷ đồng. Số lượng lao động du lịch có khoảng 130.000 người, trong đó lao động trực tiếp là 60.000, lao động gián tiếp 70.000 người.

Du lịch Quảng Ninh ngày một chuyên nghiệp, hiện đại - Ảnh 4.

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Yoko Onsen Quang Hanh là một sản phẩm du lịch mới, đặc sắc tại TP Cẩm Phả.

Điểm đến an toàn, thân thiện

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng với nhiều giải pháp kích cầu hiệu quả vào những thời điểm kiểm soát tốt dịch bệnh, Quảng Ninh vẫn thu hút 8,8 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt trên 17.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách ước 2.200 tỷ đồng, chiếm 6% tổng thu ngân sách nội địa.

Các sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc cao tiếp tục được duy trì, như: SunWorld Halong Complex, Vinpearl Halong Bay Resort, Quần thể nghỉ dưỡng FLC Hạ Long, Legacy Yên Tử, Wyndham Legend Halong Bay, Công trình Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ... Nhiều công trình, sản phẩm du lịch mới tiếp tục được đưa vào sử dụng như: Tàu cao tốc 5 sao Tuần Châu Express ra Cô Tô, Tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng Onsen Quang Hanh, Khách sạn Mường Thanh Luxury Center...

Quảng Ninh hiện đang tiếp tục phát huy, giữ gìn hình ảnh điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, đồng thời triển khai các giải pháp kích cầu thu hút du khách sau khi đã kiểm soát được dịch bệnh. 3 tháng đầu năm, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã thu hút 1,35 triệu khách, tổng doanh thu ước đạt 2.565 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tốt để Quảng Ninh tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu đón 10 triệu lượt khách với tổng thu từ du lịch đạt 20.000 tỷ đồng trong năm nay.

Theo quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×