Du lịch Quảng Ninh: Kỳ vọng mới
01/12/2023 | 09:55Năm 2023, đặc biệt là những tháng cuối năm này, du lịch Quảng Ninh khởi sắc hơn bao giờ hết kể từ khi phục hồi sau đại dịch Covid-19. Để phát triển du lịch nhanh, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, Quảng Ninh vẫn nỗ lực nhận diện khó khăn, thách thức, thời cơ, thuận lợi, từ đó có những giải pháp cụ thể để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.
Những con số ấn tượng
Năm 2023 với chủ đề công tác năm “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, du lịch Quảng Ninh xác định quan điểm, định hướng “Coi du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển bền vững, đồng thời tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường khách quốc tế". Từ đó đã đề ra nhiều giải pháp mạnh nhằm thu hút du khách, tập trung đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch nội tỉnh, nội địa; đồng thời chủ động tận dụng mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh.
Ngành du lịch đã chủ động tham mưu và tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, đã chủ trì xây dựng, phối hợp tham mưu thực hiện các đề án như: Đề án phục hồi và phát triển bền vững du lịch Quảng Ninh; Đề án phát triển du lịch trở thành trung tâm kết nối và khu vực; Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh... Bên cạnh đó là xây dựng sản phẩm du lịch mới, quảng bá xúc tiến trong và ngoài nước, đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển du lịch, tăng cường môi trường đảm bảo kinh doanh du lịch.
Đặc biệt, năm 2023 có rất nhiều sự kiện du lịch đã được tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế như: Carnaval Hạ Long Hè 2023; Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023; Liên hoan Ẩm thực Quảng Ninh năm 2023; Giải Marathon VN Express 2023; Chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023); Chương trình biểu diễn thời trang của Đoàn Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Hạ Long trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế; Lễ hội Hokkaido tại Hạ Long chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản; Hội chợ Thương mại và Du lịch quốc tế Việt - Trung lần thứ 15; Giải Marathon Hạ Long Heritage…
Các huyện, thị xã, thành phố và một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực, chủ động nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, thương mại; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với tài nguyên du lịch của địa phương, góp phần vào phục hồi và phát triển mạnh mẽ du lịch tỉnh Quảng Ninh. Nhiều sản phẩm du lịch mới đã được các địa phương đăng ký và đưa vào phục vụ du khách góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên toàn tỉnh, thu hút lượng khách đến các địa phương trong tỉnh.
Trong năm 2023, Quảng Ninh tổ chức trên 130 hoạt động, sự kiện, chương trình về văn hóa, thể thao, thương mại, du lịch. Các sự kiện này được gắn với các bản sắc văn hóa, tài nguyên du lịch của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đưa 28 sản phẩm du lịch mới vào khai thác, phục vụ khách du lịch, tạo điểm nhấn, ấn tượng cho du khách khi dừng chân ở Quảng Ninh.
Chỉ tính 10 tháng năm 2023, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt gần 14 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt 29.140 tỷ đồng. Trong đó, tổng số khách quốc tế đến Quảng Ninh 10 tháng năm 2023 là 1.547.000 lượt. Cả năm 2023, dự kiến tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 15,5 triệu lượt (ước đạt 103% kịch bản tăng trưởng), trong đó khách quốc tế ước đạt 2 triệu lượt; tổng thu từ du lịch ước đạt 33.480 tỷ đồng.
Khai thác dư địa phát triển
Quảng Ninh là tỉnh có tài nguyên du lịch nổi trội, đa dạng và đặc sắc nhất nước; có thể phát triển nhiều loại hình du lịch: Từ du lịch nghỉ dưỡng đến du lịch tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch thể thao, du lịch chữa lành, MICE...
Để khai thác hiệu quả những lợi thế này, tỉnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói”. Cơ sở vật chất du lịch được đầu tư, có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh có 1.654 cơ sở lưu trú du lịch với 33.593 phòng đã được xếp loại hạng, trong đó 108 khách sạn hạng 3-5 sao và quy mô tương đương với 13.016 phòng; 14 khách sạn 5 sao với 5.016 phòng; 25 khách sạn và căn hộ du lịch 4 sao, 3.346 phòng; 152 tàu thủy lưu trú du lịch 1.905 phòng. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Quảng Ninh phát triển cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã có nhiều tập đoàn quản lý khách sạn cao cấp hiện diện như: Inter Continental, Accor, Wyndham Legend, Novotel, Best Western International, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn Vingroup. Các tàu lưu trú du lịch, tàu nhà hàng được đầu tư chất lượng cao, được coi là sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Ninh…
Hạ tầng du lịch của Quảng Ninh ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dễ dàng của khách du lịch quốc tế như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách Ao Tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Quy hoạch và hạ tầng giao thông được hoàn thiện đã trở thành tiền đề cho nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án lớn tại Quảng Ninh, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: Khu du lịch quốc tế, sân golf Tuần Châu; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử - MGallery; Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Hạ Long; Cụm di tích lịch sử văn hóa chùa Ngọa Vân - Hồ Thiên, sân golf Đông Triều; Công viên Đại dương Hạ Long; Dự án Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, TP Cẩm Phả; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sân golf FLC Hạ Long... đã trở thành các sản phẩm đặc sắc thu hút khách du lịch.
Cùng với việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, với các hạ tầng thiết chế văn hóa đặc sắc, nổi trội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như: Cụm công trình Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ - TP Móng Cái, Đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, Bãi tắm Hạ Long... đã là những điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách đến với Quảng Ninh.
Những năm gần đây, không gian phát triển du lịch của tỉnh được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Việc tăng cường liên kết tạo chuỗi trải nghiệm đa dạng, như kết hợp nghỉ dưỡng với khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực, hay kết nối nhiều điểm đến trong một hành trình đã giúp thu hút nhiều du khách và ngày càng chứng minh được ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ, đúng trọng tâm và định hướng.
Hướng tới phát triển nhanh, bền vững
Quảng Ninh xác định phát triển du lịch nhanh, mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định vị thế của ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Đồng thời, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch, hình thành nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt và độc đáo thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đến hấp dẫn hàng đầu, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Tỉnh phấn đấu năm 2024 thu hút trên 16 triệu lượt khách; trong đó 13,5 triệu lượt khách du lịch nội địa và 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón được khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Xa hơn, đến năm 2030, du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5-26 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 8,6-9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025-2030 đạt 10-11%/năm.
Để thực hiện được những mục tiêu đề ra, ngành Du lịch đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới, như: Chưa thu hút được các nhà đầu tư xứng tầm để hình thành các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; dịch vụ lưu trú ở một số địa phương trong tỉnh chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là sau tác động của đại dịch Covid-19; các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh mới chủ yếu tập trung khai thác lợi thế tài nguyên sẵn có, còn thiếu các sản phẩm văn hóa, giải trí, mua sắm, chưa tạo được nhiều sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao; nhiều khu, điểm du lịch còn thiếu hệ thống dịch vụ bổ sung để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch; việc liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch cần tăng cường tính kết nối, đồng bộ…
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững”, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động triển khai mọi giải pháp để thúc đẩy du lịch. Tỉnh đã có các kế hoạch cụ thể xác định thị trường trong nước và quốc tế, từ đó có các giải pháp xúc tiến, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân vay vốn, quảng bá, thu hút doanh nghiệp đầu tư để có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách…