Du lịch Quảng Ninh khẳng định vị thế
26/10/2022 | 16:37Năm 2022 là "bức tranh" phục hồi tươi sáng của du lịch Quảng Ninh. Sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành du lịch đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chung của tỉnh. Quảng Ninh không chỉ là trung tâm du lịch của Việt Nam, thu hút lượng khách du lịch thuộc tốp đầu cả nước, mà còn ngày càng khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới với lượng khách quốc tế ngày càng tăng.
Chủ động liên kết khu vực
Quảng Ninh đã đăng cai tổ chức Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF từ ngày 25-27/10/2022. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò và tầm ảnh hưởng của tỉnh Quảng Ninh trong các diễn đàn, tổ chức quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn đã nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Ninh nhận thức sâu sắc sự kiện Đại hội đồng Diễn đàn EATOF lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF là cơ hội lớn để ngành du lịch Quảng Ninh tiếp cận, mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều phương diện; góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh thành viên EATOF.
Trong thời gian qua, thông qua chương trình hợp tác của diễn đàn, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực hợp tác với các tỉnh thành viên EATOF trong các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, qua đó nhiều tổ chức, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn của các tỉnh thành viên có thêm nhiều thông tin cần thiết về du lịch tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, tích cực hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh thành viên EATOF như Gangwon (Hàn Quốc), Tottori (Nhật Bản), Sarawak (Malaysia), Cebu (Philipin) là địa phương có ngành du lịch phát triển, có nhiều kinh nghiệm về quản lý và phát triển du lịch.
Quảng Ninh đã tận dụng tối đa các cơ hội đó để tham gia sự kiện lớn, lễ hội do các tỉnh thành viên tổ chức để mở rộng giao lưu, quảng bá, giới thiệu du lịch Quảng Ninh đến bạn bè quốc tế. Tỉnh Quảng Ninh luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của các tỉnh thành viên trong diễn đàn, qua đó góp phần quan trọng vào việc tổ chức thành công một chuỗi sự kiện lớn của Quảng Ninh, như: Điểm đến của năm 2010, Đại hội đồng EATOF năm 2010; Trại hè sinh viên quốc tế 2011; vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long một trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới...
Đại hội đồng EATOF lần thứ 17 được tổ chức tại Quảng Ninh với chủ đề: “Sự hồi sinh của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới”, Quảng Ninh đã thống nhất, cùng các tỉnh thành viên đưa ra tuyên bố chung. Theo đó, nâng tầm EATOF từ “Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á” thành “Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á”, nhằm thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới đi vào thực chất, hiệu quả hơn; phát huy tốt vị trí và vai trò như một liên minh du lịch toàn cầu đại diện cho khu vực Đông Á cũng như đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng và phát triển của du lịch Đông Á. Đồng thời, thiết lập cơ chế quản trị hợp tác với chính quyền các tỉnh thành viên trên nền tảng quan hệ đối tác công - tư - học thuật và mở rộng mạng lưới toàn cầu để đạt được mục tiêu du lịch bền vững; tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh hỗ trợ lẫn nhau, như: Tăng cường hoạt động của các sân bay quốc tế địa phương; phát triển các sản phẩm du lịch và hợp tác trong lĩnh vực du lịch; trao đổi nguồn nhân lực, trao đổi học thuật; đăng cai tổ chức các lễ hội, hội chợ lữ hành và các sự kiện xúc tiến du lịch.
Trong các hoạt động EATOF, Quảng Ninh cũng chủ động liên kết du lịch với các nước trong khu vực, như: 3 tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), Luang Prabang (Lào) và tỉnh Udonthani (Thái Lan) từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch khi sở hữu các di sản thế giới là vịnh Hạ Long - Luang Prabang - Ban Chiang. Bên cạnh đó, các tour, tuyến du lịch giữa tam giác di sản đã có sự kết nối trên đường bộ. 3 địa phương đều có sân bay riêng, tạo điều kiện để du khách đến cả ba điểm của tam giác di sản được thuận lợi. Sự hợp tác chặt chẽ giữa 3 địa phương góp phần tạo lập được mạng lưới du lịch hấp dẫn trong “Tam giác di sản”. Đồng thời, mang đến nhiều kinh nghiệm làm du lịch cho các tỉnh, sự phong phú đa dạng về bản sắc văn hóa. Chương trình hợp tác giúp người dân của các địa phương hợp tác biết nhiều hơn về các di sản vịnh Hạ Long, Luang Prabang và Ban Chiang.
Đặc biệt, ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Quảng Ninh đã chủ động xúc tiến du lịch trực tuyến và trực tiếp; chủ trì hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch đón khách quốc tế; tích cực tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, đón các đoàn famtour, famtrip quốc tế đến khảo sát và tìm hiểu các điểm du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Gần đây nhất, Quảng Ninh đã tổ chức các đoàn xúc tiến tại Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc. Không chỉ giới thiệu các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách mà còn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác tổ chức chương trình lễ hội đa quốc gia, kết nối đường bay, khai thác tối đa hiệu quả của sân bay Vân Đồn. Trong 9 tháng năm 2022, đã có 135.000 lượt khách quốc tế đến Quảng Ninh, riêng tháng 9 đạt 40.000 lượt.
Mở rộng phát triển thị trường quốc tế
Trong 10 năm qua, ngành du lịch Quảng Ninh đã có bước phát triển ngoạn mục, gắn với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh. Giai đoạn từ 2016-2020, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 53 triệu lượt. Tổng thu từ lĩnh vực du lịch đạt 101.302 tỷ đồng, nộp ngân sách 11.617 tỷ đồng. Trong đó, các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh tăng mạnh so với năm 2015: Trung Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 25%, Anh tăng 36%, Tây Ban Nha tăng 40%... Thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt 2,74 ngày. Hoạt động du lịch đã góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Tỷ trọng ngành dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2015 lên 41,2% năm 2020.
Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Toàn tỉnh có 1 khu du lịch quốc gia; 5 khu du lịch cấp tỉnh; 91 điểm du lịch đã được công nhận. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Hạ tầng du lịch ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ. Cơ sở hạ tầng du lịch với hệ thống giao thông đồng bộ, tạo chuỗi liên kết đường bộ - đường không - đường thủy hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế, như: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn; Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu biển chuyên biệt phục vụ du lịch duy nhất của Việt Nam ở thời điểm hiện nay. Tỉnh cũng đã hoàn thành nhiều dự án hạ tầng, như: Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Tình Yêu; đặc biệt vừa qua đã đưa vào sử dụng hệ thống cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái với tổng chiều dài 281km, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội đến thành phố biên giới Móng Cái còn khoảng 3 giờ đồng hồ. Toàn tỉnh có trên 2.000 cơ sở lưu trú du lịch trên bờ và tàu thủy lưu trú với tổng số khoảng 36.000 phòng nghỉ. Đặc biệt, nhiều đơn vị cũng đã dành các giải thưởng du lịch danh giá, như: FLC Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử...
Quảng Ninh đặt ra mục tiêu là trung tâm du lịch quốc gia, đẳng cấp quốc tế; địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia; trung tâm công nghiệp văn hóa, nghỉ dưỡng cao cấp có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chuyên nghiệp, chất lượng cao có thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu; có năng lực cạnh tranh quốc tế, liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2030 tổng khách đến Quảng Ninh đạt 30 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành du lịch đang tập trung tuyên truyền quảng bá, hợp tác phát triển du lịch, chú trọng một số thị trường truyền thống tại khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, mở rộng thị trường Úc, Mỹ, ASEAN, Ấn Độ, trong đó khai thác tối đa hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, Sở đã xây dựng chiến lược phát triển thị trường du lịch quốc tế hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao, mở rộng liên doanh, liên kết vùng với các đối tác trong nước và nước ngoài, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức phát triển thị trường, liên kết các tuyến và sản phẩm du lịch. Đặc biệt, nỗ lực liên kết với các hãng tàu biển để mở lại tuyến hải trình đưa khách du lịch quốc tế đến địa phương bằng đường biển, trên các tàu du lịch 5 sao.
Quảng Ninh đã có đa dạng hạ tầng cảng biển, nhà ga, bến du thuyền... để đón những chuyến tàu quốc tế quay trở lại Hạ Long. Riêng Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng có thể đón những tàu khách du lịch 5 sao có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến trên 8.000 người và phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc. Cùng với đó, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu được mệnh danh cảng du thuyền nhân tạo lớn nhất Việt Nam, đáp ứng được cùng lúc 2.000 tàu neo đậu đón khách tham quan vịnh Hạ Long. Các cơ sở hạ tầng như nhà ga đón khách, hệ thống bán vé, soát vé điện tử đã đi vào hoạt động. Ngoài đường biển, Quảng Ninh cũng sẽ tập trung vào các dòng khách bằng đường hàng không và đường bộ, đặc biệt qua các cửa khẩu giáp với Trung Quốc.
Có thể thấy, Quảng Ninh là một trong những điểm đến tại Việt Nam được du khách quốc tế quan tâm tìm kiếm nhiều nhất - khẳng định sức hấp dẫn của thương hiệu du lịch Quảng Ninh với bạn bè, du khách quốc tế.