Du lịch Quảng Nam: Nhìn từ bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh
26/01/2022 | 15:29Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh vừa được Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) phối hợp với Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Thủ tướng Chính phủ công bố cho thấy, các chỉ số của Quảng Nam đa phần ở mức khá, chưa chứng tỏ sự vượt trội so với các địa phương khác và vẫn còn dư địa để cải thiện rất nhiều.
Cụ thể, nếu so riêng lẻ Quảng Nam chỉ có 2/12 tiêu chí nằm trong nhóm điểm cao (tức nằm trong top 5 xét theo từng tiêu chí) là "sức cạnh tranh về giá" và "tài nguyên văn hóa". Với 3 địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu, Đà Nẵng có 6/12 tiêu chí nằm trong nhóm điểm cao, tương tự Quảng Ninh có 10/12 tiêu chí còn Khánh Hòa có 7/12 tiêu chí.
Tại lễ ký kết hợp tác truyền thông Năm du lịch quốc gia 2022 giữa Quảng Nam với Tập đoàn Thiên Minh vừa diễn ra, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch TAB nhận định, xét về tổng thể thì Quảng Nam đã xếp vị trí thứ 4, vị trí rất tốt có số điểm cách không xa 3 địa phương dẫn đầu và vẫn đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ.
Thực tế là Quảng Nam đã có nhiều chuyển động ở nhóm các tiêu chí chưa được chấm điểm cao và kỳ vọng sẽ có sự chuyển mình trong thời gian tới.
Ở tiêu chí hạ tầng giao thông du lịch, một khi nâng cấp được sân bay Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế, cảng Chu Lai - Kỳ Hà được phép đón tàu du lịch biển và các trục giao thông đông - tây được khớp nối thì năng lực hạ tầng giao thông cho du lịch Quảng Nam sẽ nâng cấp rất nhiều.
Với tiêu chí "tính bền vững về môi trường", Quảng Nam là địa phương đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh và kế hoạch phát triển du lịch xanh đến năm 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: "Tỉnh chọn slogan cho Năm du lịch quốc gia 2022 là "Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh" nhưng điều xa hơn mà địa phương mong muốn thương hiệu này sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mãi về sau chứ không chỉ bùng lên trong năm nay rồi thôi".
Bộ chỉ số chỉ ra một băn khoăn về tiêu chí "sức cạnh tranh về giá". Quảng Nam là địa phương được chấm điểm cao nhất ở tiêu chí này. Những năm gần đây, Hội An thường xuyên lọt vào top các điểm đến rẻ nhất thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc được vinh danh vào các bảng xếp hạng điểm đến có chi phí rẻ nhất thế giới cũng có hai mặt. Bởi ngoài việc kích cầu du khách, quảng bá thương hiệu thì việc một đô thị di sản như Hội An nhưng nhiều sản phẩm du lịch định giá quá rẻ cũng là điều trăn trở, đáng suy ngẫm.
Tại lễ ký cam kết xây dựng Hội An - điểm đến xanh diễn ra vào cuối năm ngoái, PGS-TS.Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, trước đây Hội An có tình trạng quá tải du khách cũng là điều bình thường, bởi nó phản ánh rằng đó là một điểm đến tốt và được du khách yêu thích. Điều quan trọng là phải kiểm soát năng lực sức tải môi trường.
"Chúng ta có thể cải thiện điều này bằng việc có phần mềm kiểm soát việc đăng ký du lịch của du khách. Lúc đó chúng ta có dữ liệu để phân cấp giá ra theo từng thời điểm, với nhiều sự lựa chọn để du khách có sức chi tiêu thấp vẫn thoải mái du lịch ở Hội An vào những khung giờ hoặc mùa thấp điểm" - PGS-TS.Nguyễn Hồng Quân đề xuất.
Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam được thực hiện từ tháng 2/2019 – 1/2022 là một hợp phần trong dự án "Hỗ trợ Hội đồng Tư vấn du lịch xây dựng quỹ phát triển du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến" do Liên minh châu Âu tài trợ.
Các điểm đến nằm trong top 10 theo thứ tự gồm: Đà Nẵng - Quảng Ninh - Khánh Hòa - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế - Hà Nội - Quảng Bình - TP.Hồ Chí Minh - Kiên Giang - Ninh Bình.
Mục tiêu của hợp phần là chuẩn bị mô hình bền vững cho việc tổ chức và quản lý chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch dựa theo kinh nghiệm tốt của quốc tế. Đơn vị tài trợ dự án đề xuất nên thực hiện và công bố VTCI 2 năm/lần và mở rộng phạm vi ra tất cả các tỉnh trọng điểm về du lịch.