Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Quảng Nam: Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

25/09/2020 | 14:19

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào bức tranh kinh tế - xã hội địa phương, nhưng chặng đường phát triển du lịch Quảng Nam 5 năm qua (2015 – 2019) vẫn còn bộc lộ những hạn chế khiến nhiều mục tiêu vẫn chưa thành hiện thực.

Du lịch Quảng Nam: Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 1.

Du khách trải nghiệm làm nông nghiệp tại Hội An.

Thiếu bền vững

Báo cáo của Sở VHTTDL cho biết, giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch toàn tỉnh đạt 19,27%/năm, thu nhập xã hội từ du lịch tăng bình quân 24,53%/năm. Riêng năm 2019 đạt 7,79 triệu lượt khách, tăng 19,48% so với cùng kỳ năm 2018 (khách quốc tế đạt gần 4,7 triệu lượt, tăng 22,79% so với cùng kỳ). Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt 6.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội đạt 14.570 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP trong năm 2019 ước đạt 7,1%, bước đầu "tiệm cận" dần với tiêu chí của ngành kinh tế mũi nhọn (10%).

Tuy nhiên, phát triển du lịch Quảng Nam giai đoạn này đã bộc lộ sự thiếu bền vững. Tổng số lượt khách du lịch dù tăng trưởng hàng năm, song chủ yếu tham quan trong ngày, nhất là khách quốc tế. Đặc biệt, chi tiêu trung bình ngày của khách du lịch trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm trong khi số ngày lưu trú trung bình gần như không đổi (2,5 ngày), dẫn đến thu nhập xã hội từ du lịch qua các năm 2016 - 2018 giảm từ 19,2% (2016) xuống 18,5% (2017) và 16,7% (2018).

Theo ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, phát triển của du lịch Quảng Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào việc khai thác các giá trị tài nguyên di sản, trong khi vòng đời điểm đến du lịch Hội An đã tới giai đoạn trì trệ, nếu không có sự đầu tư làm mới hay nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì điểm đến Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung sẽ trở nên nhàm chán, đồng nghĩa chỉ số "ngày lưu trú trung bình" và "chi tiêu trung bình" của khách không thể tăng lên, thậm chí giảm.

Bên cạnh đó, với sự dịch chuyển thị trường khách quốc tế Tây Âu và Bắc Mỹ (chi tiêu cao) sang thị trường châu Á (chi tiêu thấp) cũng tác động nghiêm trọng đến mục tiêu kinh tế. Nếu như giai đoạn 2010 - 2015 tỷ lệ các thị phần Tây Âu – Bắc Mỹ tương ứng là 44,8% và 9,1% thì giai đoạn 2011 - 2019 giảm xuống tương ứng là 33,1% và 7,7%. Trong khi đó thị phần châu Á, cụ thể là Hàn Quốc và Trung Quốc lại tăng từ 14,6% giai đoạn 2010 - 2015 lên 39,1% giai đoạn 2016 - 2019. Sự biến động về thị phần khách du lịch quốc tế là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch bền vững của Quảng Nam thời gian qua.

Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn

Thực tế, phát triển du lịch Quảng Nam 5 năm qua không chỉ bộc lộ những hạn chế về sản phẩm, dòng khách mà còn bộc lộ ở những vấn đề về môi trường tự nhiên và xã hội, đặc biệt chưa tạo ra được nhiều việc làm như kỳ vọng. Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh có khoảng 18 nghìn lao động làm việc trong ngành du lịch, bao gồm 14 nghìn lao động trực tiếp. Dù vậy, số lao động trong lĩnh vực du lịch mới chiếm tỷ lệ khoảng 2% tổng số lao động có việc làm của toàn tỉnh (năm 2019 toàn tỉnh có 903 nghìn lao động). Du lịch chưa đạt tiêu chí là ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch Quảng Nam: Hướng đến ngành kinh tế mũi nhọn - Ảnh 2.

Du khách dạo phố cổ Hội An.

Du khách dạo phố cổ Hội An.Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VHTTDL cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên như sự phát triển thiếu tầm nhìn dài hạn; bệnh thành tích, chạy theo số lượng khách thay vì chất lượng tăng trưởng du lịch; nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch hạn chế; thiếu chính sách cụ thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược; năng lực quản lý du lịch của chính quyền địa phương hạn chế, nhất là những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, văn hóa, xã hội… Đây là một trong những nguyên nhân làm cho thị phần khách du lịch cao cấp của Quảng Nam giảm dần.

"Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của ngành du lịch trong những năm tới là chất lượng tăng trưởng du lịch, lấy hiệu quả là thước đo chính, ưu tiên các mục tiêu phát triển về sản phẩm, thị trường nhằm có được thu nhập cao nhất từ du lịch, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn" - ông Hồng nói.

Để làm được điều này, định hướng đến năm 2025 ngành du lịch sẽ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng đến sự hài lòng của khách. Quán triệt mục tiêu phát triển du lịch gắn liền với nỗ lực bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, tự nhiên, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Nam đón hơn 12 triệu lượt khách (5,5 - 6 triệu khách du lịch quốc tế); tỷ lệ đóng góp của du lịch vào GRDP tỉnh đạt hơn 5%, tạo việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động. Đồng thời cơ bản trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ không chỉ của vùng Duyên hải miền Trung mà còn của cả nước và khu vực./.

Theo baoquangnam.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×