Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh”

01/04/2025 | 16:41

Với những chiến lược bài bản, sự đổi mới trong tư duy quản lý và những giải pháp mang tính đột phá, Nghệ An kỳ vọng từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam, hứa hẹn một năm 2025 đầy khởi sắc và phát triển mạnh mẽ.

Năm 2024, du lịch Nghệ An đã đón hơn 9,4 triệu lượt khách, với doanh thu đạt trên 28.500 tỉ đồng. Để tiếp tục đà phát triển, tỉnh đặt mục tiêu nâng tầm du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong năm 2025.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở VHTTDL Nghệ An vào cuối tháng 3/2025 đã tổ chức Hội nghị đối thoại với gần 100 doanh nghiệp du lịch, nhằm trao đổi và đưa ra các định hướng phát triển ngành trong năm 2025.

Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Ông Trần Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nghệ An cho biết, năm 2024 là một năm đầy nỗ lực của ngành Du lịch tỉnh Nghệ An trong việc phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ đầu năm, Nghệ An đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch toàn diện, tạo tiền đề cho hàng loạt giải pháp đồng bộ được triển khai hiệu quả.

Những nỗ lực này không chỉ nhằm tái khởi động ngành sau những thách thức mà còn hướng tới việc đưa du lịch trở thành một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của địa phương.

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh” - Ảnh 1.

Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp du lịch nhằm trao đổi định hướng phát triển ngành trong năm 2025.

Cụ thể, tỉnh đã tích cực tổ chức các chương trình khảo sát thực tế, xây dựng liên kết vùng, và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh điểm đến qua nhiều kênh khác nhau.

Các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa được triển khai sáng tạo, song song với việc từng bước khôi phục thị trường quốc tế. Kết quả ấn tượng là minh chứng rõ nét, năm 2024 Nghệ An đón tới 9,45 triệu lượt khách du lịch, tăng 13% so với năm 2023.

Trong đó, khách lưu trú đạt 5,93 triệu lượt, còn lượng khách quốc tế ghi nhận con số 120.500 lượt, tăng mạnh 55%.

Tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 28.569 tỷ đồng, với doanh thu trực tiếp từ dịch vụ du lịch khoảng 11.160 tỷ đồng, cho thấy sức hút ngày càng lớn của vùng đất giàu truyền thống văn hóa và thiên nhiên hùng vĩ này.

Để đạt được những con số ấn tượng trên, Nghệ An đã không ngừng đổi mới trong công tác xúc tiến và quảng bá.

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang đậm bản sắc địa phương như du lịch làng chài ven biển, khám phá làng nghề truyền thống, du lịch nông thôn hay trải nghiệm du lịch ban đêm.

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh” - Ảnh 2.

Du khách về thăm quê Bác

Hạ tầng du lịch cũng được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Toàn tỉnh hiện có 960 cơ sở lưu trú với hơn 22.000 buồng phòng, trong đó nổi bật là 4 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Đây là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc về chất lượng dịch vụ, góp phần nâng tầm trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước.

Không dừng lại ở đó, ngành du lịch Nghệ An còn tiên phong trong chuyển đổi số để bắt nhịp với xu hướng hiện đại.

Cổng thông tin du lịch tỉnh và ứng dụng du lịch thông minh đã được vận hành, cung cấp thông tin nhanh chóng, tiện lợi về điểm đến, dịch vụ và sự kiện.

Đồng thời, tỉnh tổ chức hàng loạt lớp tập huấn chuyên sâu và hội thi tay nghề cho đội ngũ nhân lực du lịch, từ hướng dẫn viên, đầu bếp đến nhân viên khách sạn.

Những hoạt động này không chỉ nâng cao kỹ năng mà còn khơi dậy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của người làm du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh Nghệ An thân thiện, chuyên nghiệp trong mắt du khách.

Nhiều khó khăn và thách thức

Dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, ngành du lịch Nghệ An vẫn đối mặt với không ít thách thức cần giải quyết.

Tiến độ triển khai một số dự án du lịch trọng điểm vẫn còn ì ạch, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu, và sự phục hồi của dòng khách quốc tế chưa thực sự bứt phá như kỳ vọng.

Thống kê từ Sở VHTTDL Nghệ An cho thấy, trong năm 2024, lượng khách quốc tế chỉ đạt khoảng 100.000 lượt, thấp hơn nhiều so với con số 150.000 lượt mà tỉnh đặt ra trước đó.

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh” - Ảnh 3.

Du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ thu hút du khách, tuy nhiên các điểm du lịch còn thiếu về cơ sở vật chất.

Nguyên nhân được chỉ ra bao gồm sự thiếu hụt các nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hạn, cùng với những biến động kinh tế, chính trị.

Tại hội nghị phát triển du lịch Nghệ An, các doanh nghiệp đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng du lịch địa phương vẫn thiếu một “dấu ấn” đặc trưng. Các sản phẩm hiện tại như du lịch biển Cửa Lò hay tham quan quê Bác tuy có sức hút nhất định, nhưng còn đơn điệu, thiếu sự đột phá và khác biệt.

Một doanh nghiệp lữ hành chia sẻ: “Chúng tôi đưa khách đến Cửa Lò, nhưng du khách chỉ ở lại một ngày rồi rời đi vì không có thêm hoạt động nào hấp dẫn.”

Để khắc phục, nhiều ý kiến đề xuất tỉnh cần đầu tư mạnh vào du lịch sinh thái như phát triển các khu nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Pù Mát, đẩy mạnh du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống, và khai thác sâu hơn các giá trị văn hóa bản địa như dân ca ví giặm - di sản phi vật thể được UNESCO công nhận.

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh” - Ảnh 4.

Biểu diễn dân ca phục vụ du khách tại một tour du lịch ven sông Lam.

Hạ tầng du lịch cũng là một “nút thắt” được nhắc đến nhiều. Các doanh nghiệp phản ánh rằng giao thông đến các điểm du lịch còn khó khăn, đường sá nhỏ hẹp, thiếu biển chỉ dẫn rõ ràng.

Du lịch đường thủy, một tiềm năng lớn với dòng sông Lam thơ mộng lại chưa phát triển do thiếu bến bãi và phương tiện hiện đại. Một công ty lữ hành tại Vinh cho biết: “Chúng tôi từng tổ chức tour thuyền trên sông Lam, nhưng không có bến đỗ đạt chuẩn, du khách phải leo xuống bờ sông rất bất tiện.”

Ngoài ra, sự thiếu vắng các khu vui chơi giải trí quy mô lớn cũng khiến thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Nghệ An chỉ khoảng 1,5 ngày, thấp hơn nhiều so với các điểm du lịch khác.

Vấn đề nhân lực du lịch càng trở nên khó khăn khi cả số lượng và chất lượng lao động đều chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Nghệ An, tỉnh hiện thiếu nhân sự có kỹ năng chuyên môn, đặc biệt là hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ và nhân viên dịch vụ cao cấp phục vụ khách quốc tế.

Du lịch Nghệ An kỳ vọng “chuyển mình cất cánh” - Ảnh 5.

Lễ hội Du lịch Biển Cửa Lò 2025 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 19/4 với nhiều hoạt động mới, đặc sắc

Nhiều ý kiến đề xuất cần xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu, hợp tác với các trường đại học quốc tế, đồng thời cải thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Chính sách thuế và đất đai cũng cần điều chỉnh để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án du lịch lớn.

Đồng thời, việc quảng bá du lịch Nghệ An trên các nền tảng số như TikTok, Instagram hay tại các hội chợ quốc tế cần được đẩy mạnh để thu hút khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, và châu Âu.

Trao đổi vấn đề này, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết đã ghi nhận những ý kiến tâm huyết của doanh nghiệp.

Sở cam kết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tham mưu chính sách hỗ trợ, đồng thời báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ khó khăn, tập trung vào các vấn đề như đơn giản hóa thủ tục đón khách quốc tế, hỗ trợ xúc tiến quảng bá, và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. 

Bà Hạnh cũng kêu gọi Hiệp hội Du lịch Nghệ An làm cầu nối hiệu quả hơn giữa doanh nghiệp và chính quyền, khuyến khích xây dựng các sản phẩm mới như tour du thuyền sông Lam hay trải nghiệm văn hóa miền Tây Nghệ An.

Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành và dịch vụ để tạo ra chuỗi giá trị bền vững, từ chính sách giá ưu đãi đến việc tham gia các đoàn famtrip nhằm quảng bá điểm đến.

Với mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghệ An đặt kế hoạch đón 6,1 triệu lượt khách lưu trú trong năm 2025, bao gồm 130.000 khách quốc tế, và đạt doanh thu 11.800 tỉ đồng.

Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm chủ lực như du lịch biển, du lịch văn hóa - lịch sử, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá, đồng thời tăng cường liên kết với các địa phương như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh láng giềng Lào, Thái Lan.

Với định hướng rõ ràng và quyết tâm cao, du lịch Nghệ An được kỳ vọng sẽ "cất cánh" trở thành điểm sáng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×