Du lịch Khánh Hòa: Hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ
27/12/2022 | 08:16Năm 2022, du lịch Khánh Hòa có sự phục hồi khá tốt sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Năm 2023, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở rộng thị trường khách quốc tế để du lịch phục hồi sâu rộng hơn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn
Ngay từ đầu năm, ngành Du lịch Khánh Hòa đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phục hồi của du lịch, trọng tâm là tăng cường liên kết du lịch nội địa, đa dạng hóa thị trường du khách quốc tế… để hướng đến sự phục hồi, phát triển bền vững. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Du lịch Khánh Hòa đã đẩy mạnh hợp tác, liên kết du lịch với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên để đa dạng sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút khách nội địa. Cùng với việc liên kết du lịch nội địa, ngành đã tăng cường quảng bá, đẩy mạnh khai thác khách du lịch Hàn Quốc, các nước Đông Nam Á và tìm cách khai mở thị trường khách Kazakhstan, Ấn Độ. Những nỗ lực đó đã giúp du lịch hồi sinh, kết quả kinh doanh hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, du lịch vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa nhìn nhận: "Nhìn qua, du lịch tăng trưởng rất tốt so với năm 2021, tuy nhiên so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 thì số lượng khách và doanh thu vẫn còn thấp hơn rất nhiều, nhất là ở phân khúc khách quốc tế (năm 2019, toàn tỉnh đón hơn 7,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3,56 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt hơn 27.000 tỷ đồng). Phân tích kỹ như vậy để thấy hoạt động du lịch vẫn còn khó khăn; việc khai thác khách từ các thị trường khách quốc tế lớn (Trung Quốc, Nga) vẫn gặp nhiều trở ngại".
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở Du lịch, du lịch Khánh Hòa còn gặp những khó khăn, cần sớm được tháo gỡ như: hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển du lịch ngày càng cao; tài nguyên, môi trường du lịch có dấu hiệu xuống cấp do quá trình quản lý, bảo vệ và khai thác chưa đồng đều; nguồn nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa không ổn định… Đặc biệt, du lịch Khánh Hòa còn thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm phục vụ du khách; chưa phát huy được tốt vai trò của các doanh nghiệp quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước để phát triển thành lực lượng nòng cốt, có vai trò định hướng sản phẩm, thị trường khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế có mức chi tiêu cao.
Tổ chức các sự kiện để thu hút du khách
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, để du lịch khôi phục mạnh mẽ, hướng đến sự phát triển bền vững, trong năm 2023, ngành Du lịch sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, nhất là trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở nông thôn và miền núi. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết với các địa phương khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên để khai thác du lịch hiệu quả. Đặc biệt, Sở Du lịch sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức chuỗi sự kiện du lịch, kết hợp công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Khánh Hòa để thu hút du khách; nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh tổ chức các sự kiện du lịch đặc trưng, định vị thương hiệu du lịch Khánh Hòa trên trường quốc tế; phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh làm việc với các hãng hàng không, công ty lữ hành quốc tế mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế, tạo điều kiện thu hút khách quốc tế đến Khánh Hòa. Sở Du lịch sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, kiến nghị Chính phủ xem xét mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam…
Về dài hạn, nhiều chuyên gia du lịch khuyến cao, tỉnh cần ưu tiên đầu tư và khuyến khích mọi nguồn lực tham gia đầu tư, nâng cấp về hạ tầng giao thông, các điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, bảo tàng, trung tâm hội nghị mang tầm quốc gia, quốc tế; khuyến khích nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc thù, sản phẩm dịch vụ mang tính độc đáo, bền vững như: xây dựng tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực dọc theo 2 bên bờ sông Cái; xây dựng chợ đêm với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của du khách. Được biết, hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, TP. Nha Trang cùng các sở, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm, trong đó có việc kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách…
Ước tính, năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước); trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 250.000 lượt, gấp 10,1 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 2,3 triệu lượt, tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.