Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Huế vẫn gặp nhiều thách thức

26/06/2023 | 16:11

Du lịch được tỉnh xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Dù có những tín hiệu khả quan ngay trong nửa đầu năm 2023, nhưng du lịch Huế vẫn đang còn gặp nhiều thách thức, một số loại hình du lịch đứng trước nguy cơ mất dần lợi thế.

Du lịch Huế vẫn gặp nhiều thách thức - Ảnh 1.

Du khách tham quan Huế

Nhiều thách thức

Nhắc đến du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty dành cho nhân viên, đối tác), anh Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đại Bàng tỏ ra luyến tiếc. Anh bảo: “Nếu trước đây, Huế luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong khu vực để tổ chức MICE thì nay đang mất dần vị thế, có dấu hiệu chậm chân so với các tỉnh, thành lân cận. Công suất phòng ở các cơ sở lưu trú tại Huế còn khá nhỏ. Trong khi đó, nhiều đoàn khách cả ngàn người, nếu chia ra ở các khách sạn khác nhau họ không thích. Gần đây, khách đổ xô về Đà Nẵng, Hội An và du lịch MICE ở đây phát triển mà thấy tiếc cho Huế”.

Công suất phòng tại các khách sạn, cơ sở lưu trú không chỉ là rào cản cho du lịch MICE phát triển. Trên thực tế, vào mùa cao điểm du lịch hoặc vào các dịp Thừa Thiên Huế có các sự kiện, lễ hội lớn, câu chuyện khó tìm được chỗ lưu trú bị nhiều du khách than vãn.

Vấn đề trên chỉ là một trong nhiều thách thức mà du lịch Huế đang phải đối mặt trong quá trình phát triển. Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức buổi họp nghe báo cáo về thực trạng, giải pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho du khách, môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch, di tích trên địa bàn thành phố Huế. Nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó, nhân lực du lịch còn mỏng, hạ tầng chưa hoàn thiện, tình trạng quá tải tại các điểm du lịch hay nạn “cò mồi”, chèo kéo khách… vẫn còn tồn tại.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch trăn trở, nhiều doanh nghiệp du lịch đang còn thiếu nhân lực nghiêm trọng khi hoạt động trở lại sau thời gian dài ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, dẫn đến một số đơn vị và một số hoạt động chưa đi vào nề nếp, quy củ như trước. Bên cạnh đó, qua thực tiễn, trình độ, khả năng am hiểu lịch sử của một số hướng dẫn viên du lịch cũng đang là trở ngại.

Du lịch Huế vẫn gặp nhiều thách thức - Ảnh 2.

Khách du lịch trải nghiệm Huế bằng xích lô

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, vẫn còn những khó khăn khi lực lượng bảo vệ di tích đối mặt với các đối tượng “cò mồi”. Các đối tượng này thường cò mồi khách du lịch mua mè xửng, mắm tôm… Đặc biệt, khi các du khách đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu về điểm di tích thì bị can thiệp, làm gián đoạn, rút ngắn thời gian du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch để sử dụng các dịch vụ của cò mồi đã liên kết, định sẵn... Điều này làm du khách không hài lòng. Từ đó, ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường du lịch của các điểm di sản, di tích.

Qua cuộc khảo sát nhanh với một số du khách, điểm cộng mà khách dành cho Huế là thưởng thức ẩm thực, món ăn đa dạng, giá rẻ. Tuy nhiên, một nỗi lo đi kèm là chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm. Tháng 2/2023, chuyện một TikToker (tạm hiểu là người sử dụng mạng xã hội tiktok) có tiếng đăng clip phản ánh trong thức ăn có ruồi tại một quán ốc ở TP. Huế đã dẫn đến nhiều bình luận trái chiều trong cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cũng than phiền một số quán ăn của Huế chưa chú ý kỹ khâu vệ sinh, khiến ít nhiều làm ảnh hưởng hướng đến hình ảnh du lịch Huế.

Kiến tạo môi trường du lịch hấp dẫn

Không phủ nhận, du lịch Huế phát triển từng ngày và trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển, áp lực cùng những thách thức sẽ ngày càng nhiều hơn và những vấn đề, thách thức như đã nói có thể trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến du lịch tỉnh nhà, làm cho du lịch Huế đánh mất dần lợi thế.

Để giải quyết những vấn đề cho du lịch Huế, không chỉ cần vai trò của ngành du lịch, mà còn cần sự hợp lực của nhiều ban, ngành và ý thức của người dân trong việc gìn giữ, phát huy nét đẹp du lịch Cố đô. Qua đó, cùng kiến tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Các ban, ngành chức năng cần tập trung vào việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; trong đó, có cả điện chiếu sáng phục vụ hoạt động thuyền du lịch tham quan. Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại đường dây nóng có tính kết nối với các sở, ban, ngành; bố trí bảng hiệu đường dây nóng thường xuyên ở các điểm du lịch để người dân phản ánh và kịp thời giải quyết.

Tỉnh cũng cần tiếp tục có các cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút đầu tư vào du lịch dựa trên những tiềm năng, đặc trưng, thế mạnh của du lịch Cố đô. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần xây dựng nhiều giải pháp nâng cao năng lực kinh doanh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, phù hợp nhu cầu và biến động của thị trường du lịch.

Thống kê 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế đạt 1.279.503 lượt, tăng hơn 116% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942,434 tỷ đồng, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Dự ước 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt 1.6 triệu lượt, tăng hơn 129% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 3.500 tỷ đồng.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×