Theo Báo Hậu Giang
Du lịch Hậu Giang đang cần được đầu tư, khai phá
23/07/2023 | 17:07Hậu Giang đang làm hết khả năng có thể để từng bước đưa du lịch phát triển xứng tầm, trở thành một trong 4 trụ cột quan trọng của tỉnh nhà.
Những dự án lớn đang kêu gọi đầu tư
Khu du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) là dự án đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất: 2.800ha với tổng mức đầu tư 345 tỉ đồng. Dự án kêu gọi đầu tư dưới hình thức Nhà nước cho thuê cảnh quan rừng.
Hai dự án có quy mô nhỏ hơn, với mức đầu tư 115 tỉ đồng là dự án Khu du lịch Hồ Sen (thành phố Vị Thanh) và Khu du lịch Hồ Nước Ngọt (huyện Vị Thủy). Hai dự án hướng đến sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá. Các dự án còn lại: thành phố Vị Thanh có Khu du lịch sinh thái Kênh Lầu, Khu du lịch Hồ Tam Giác, Khu du lịch Căn cứ thị xã ủy Vị Thanh; thị xã Long Mỹ có Du lịch cộng đồng vùng quýt đường Long Trị; huyện Châu Thành A có Làng du lịch sinh thái -văn hóa Tầm Vu.
Cùng với các dự án trên, mỗi huyện, thị, thành phố đều có những dự án kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, chú trọng đến phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi địa phương phát triển ít nhất một điểm tham quan du lịch mới.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 và Hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch”, sẽ là cơ hội để tỉnh nhà lắng nghe các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đánh giá tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực du lịch của tỉnh; những thuận lợi, khó khăn khi đầu tư phát triển du lịch tại Hậu Giang; định hướng các giải pháp thu hút đầu tư phát triển du lịch; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng du lịch của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước tham gia, tiếp cận 8 dự án trọng điểm về du lịch, tìm hiểu cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Qua đó, hy vọng sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch để Hậu Giang có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, chất lượng và có tính cạnh tranh cao, góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng.
Tiềm năng đa dạng
Hậu Giang nằm ở trung tâm của tiểu vùng Tây Nam sông Hậu, có vị trí thuận lợi trong phát triển du lịch. Từ nơi này, có thể nối các tuyến du lịch liên hoàn trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, xa hơn là nối với các tuyến du lịch quốc gia. Đặc biệt, tỉnh giáp ranh với thành phố Cần Thơ, một trong những đô thị lớn nhất và quan trọng nhất của vùng ĐBSCL, là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch, trong đó có thị trường khách quốc tế...
Hậu Giang còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, cảnh quan sinh thái ven kênh, sông thích hợp cho phát triển du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp với những vườn cây trái, những cánh đồng ruộng rộng lớn tạo nên không gian xanh, yên bình. Tỉnh sở hữu 16 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thích hợp phát triển du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, một số khu di tích đang khai thác phục vụ khách du lịch như: Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Đền thờ Bác Hồ, Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ... Bên cạnh đó, còn có một số công trình văn hóa tôn giáo (Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Quan Đế miếu, nhà thờ Vị Hưng...); lễ hội văn hóa (Lễ dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ; Lễ hội của đồng bào Khmer, Hoa); làng nghề truyền thống (nghề đan đát, nghề trồng trầu,...). Ẩm thực có các đặc sản từ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần đa dạng hóa cho sản phẩm du lịch tỉnh nhà.
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây mới và nâng cấp, đặc biệt hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Hậu Giang đầu tư 35 tỉ đồng cho tuyến đường vào Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng; 10 tỉ đồng để đầu tư, nâng cấp tuyến đường vào địa điểm Cây di sản Lộc Vừng; đường vào Đền thờ Bác Hồ (đoạn từ xã Xà Phiên đến Đền thờ) với tổng mức đầu tư 80 tỉ đồng; xây dựng cầu tàu du lịch (thành phố Vị Thanh) với vốn đầu tư 7 tỉ đồng… Hiện tại, một số dự án trọng điểm đang đẩy nhanh tiến độ, như: Khu du lịch sinh thái Việt - Úc, tổ hợp khách sạn 4 sao SOJO… Hậu Giang đang nỗ lực phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, cộng đồng trên địa bàn Châu Thành A, Ngã Bảy, Vị Thanh… Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đầu tư tu bổ 36 lượt di tích với tổng số tiền 295 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 17 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 278 tỉ đồng.
Các huyện, thị, thành phố cũng đã nỗ lực phát huy tiềm năng, thế mạnh, từng bước tạo nên những sản phẩm du lịch mới lạ. Là địa bàn có nhiều dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, Phụng Hiệp hiện có khoảng 10 điểm khai thác du lịch từ sinh thái, lịch sử đến tâm linh, như Khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nơi thành lập tiểu đoàn Tây Đô (xã Phương Bình), Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân (xã Tân Phước Hưng); Cây Lộc Vừng 300 năm tuổi xã Long Thạnh và Vườn tre Bamboo Garden ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa… là những điểm được tỉnh đưa vào quy hoạch phát triển du lịch chung để quảng bá, kêu gọi đầu tư, khai thác. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đang là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư để khai thác sản phẩm du lịch khác biệt. Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Đây chính là niềm tự hào của người dân Phụng Hiệp nói riêng, Hậu Giang nói chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng đến việc quảng bá hình ảnh; phấn đấu mỗi năm có thêm một điểm tham quan mới gắn với nông nghiệp, kết nối, đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng”.
Lĩnh vực du lịch từng bước được nhìn nhận, quan tâm, đầu tư một cách bài bản, từ việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vào năm 2014, đã đánh dấu cột mốc quan trọng để du lịch Hậu Giang chuyển mình, đi lên từ xuất phát điểm rất thấp. Đến năm 2019, Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2024 ra đời, tiếp tục tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng khi xây dựng những sản phẩm, công trình phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, du lịch được xem là một lĩnh vực được đặc biệt quan tâm, có chỉ đạo chặt chẽ và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội mới để “ngành công nghiệp không khói” phát triển.
Hướng tới những sản phẩm du lịch đặc trưng
Du lịch Hậu Giang vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, xuất phát điểm còn thấp so với du lịch ở các tỉnh, thành trong vùng. Trong khi đó, thách thức trong cạnh tranh phát triển du lịch với khu vực lân cận hiện hữu. Do đó, việc xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh cao sẽ là vấn đề lớn đối với ngành du lịch tỉnh nhà.
Dù biết là không dễ nhưng với sự quan tâm của tỉnh được thể hiện bằng những nghị quyết, chính sách…, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thời gian qua, tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư, người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển PLC Vị Thanh, Công ty TNHH đầu tư và quản lý khách sạn TNH, Công ty TNHH HTC Hậu Giang, Công ty TNHH MTV Nhà hàng khách sạn Vạn Phát Hậu Giang, Công ty TNHH MTV ROSACO, hộ kinh doanh Dương Thị Nhỏ, Trần Hạnh,... Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm đang được các các nhà đầu tư triển khai: Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang, Tổ hợp khách sạn 4 sao và Chợ du lịch Xà No, tổ hợp khách sạn 4 sao SOJO,... Đây là những dự án được đánh giá cao về lợi thế giao thông cùng việc tích hợp nhiều tiện ích, dịch vụ sẽ là điểm đến hấp dẫn, chất lượng cao.
Thời gian gần đây, một số tập đoàn lớn, như Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Tâm, NovaGroup, Alphanam... đã đến khảo sát, tìm hiểu, đi thực tế tại một số điểm có thể đầu tư khai thác du lịch trên địa bàn thành phố Vị Thanh, Phụng Hiệp, Châu Thành, Ngã Bảy…, để nghiên cứu đầu tư. Có doanh nghiệp đang muốn đầu tư khu du lịch sinh thái đạt chuẩn quốc tế với tổng mức lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của tiềm năng du lịch Hậu Giang, thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp lớn.
Hậu Giang cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch chủ đạo là du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh, cộng đồng, văn hóa. Toàn tỉnh có 21 điểm tham quan du lịch; phân bố rải rác trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến nơi đây. Một số điểm tham quan du lịch được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Công viên giải trí Kittyd & Minnied, Di tích Chiến thắng Chương Thiện, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, Bảo Gia Farm Camping, Vườn dâu Thiên Ân, Bamboo Garden, Trang trại sữa dê Ngọc Đào, homestay Mương Đình, homestay Miệt Vườn, Tàu du lịch trên kênh xáng Xà No...
Đầu tư cho du lịch, tạo điểm nhấn của du lịch Hậu Giang trên “bản đồ du lịch” vùng và cả nước đang là hướng đi nhiều kỳ vọng, được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang quyết tâm thực hiện, đưa du lịch xứng đáng là một trong 4 trụ cột phát triển của tỉnh nhà.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án giao thông gắn kết với các điểm, dự án, quy hoạch du lịch Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tỉnh tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong một số dự án đang triển khai; triển khai có hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông gắn kết với các điểm, dự án, quy hoạch du lịch như: Quốc lộ 61B, Quốc lộ 1 đoạn đi qua tỉnh Hậu Giang, đường tỉnh 926B, 927C; dự án Bến tàu du lịch Xà No. Đặc biệt, tiếp tục chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh, với 4 nội dung: đầu tư xây dựng khách sạn; xây dựng nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, quà tặng du lịch, quà lưu niệm Hậu Giang; xây dựng khu mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phát triển du lịch cộng đồng”. --------------------------- Toàn tỉnh hiện có 101 cơ sở lưu trú du lịch, 1.307 phòng, trong đó có 8 khách sạn được xếp hạng: 1 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao; 1 homestay đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch; 1 tàu nhà hàng; 21 điểm tham quan du lịch; nhiều điểm kinh doanh, ăn uống nằm trong và ngoài cơ sở lưu trú cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch khi đến tham quan và lưu trú tại Hậu Giang. |