Du lịch Hà Nội từng bước mở cửa phục hồi, an toàn
14/03/2022 | 14:27Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đang chuẩn bị sản phẩm để từng bước phục hồi, thu hút thị trường khách du lịch nội địa, mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình của Chính phủ. Hà Nội đề ra 4 giải pháp chính để thích ứng an toàn trong giai đoạn bình thường mới.
Tạo dựng sản phẩm mới
Từ cuối tháng 10-2021, ngay sau khi thành phố Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ như bảo tàng, cơ sở lưu trú…, nhiều đơn vị du lịch đã xây dựng sản phẩm mới, kích cầu khách nội địa, nhất là khuyến khích “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Điển hình là Công ty Lữ hành Hanoitourist kết hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức sản phẩm đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” và tới đây là sản phẩm “Bác Cổ mùa hoa gạo”… Còn công ty Du lịch VietFoot Travel tổ chức các tour du lịch đạp xe khám phá phố cổ và một số vùng ngoại thành của Thủ đô, cùng với đó là xây dựng các sản phẩm chuyên biệt như du lịch bất động sản, golf…
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel cho biết, đơn vị đã xây dựng các gói sản phẩm khám phá Hà Nội từ 1 đến 3 ngày. Trong khi đó, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên phong cho rằng: Dựa trên nhu cầu của khách, các đơn vị sẽ tạo dựng nhiều sản phẩm thích hợp gắn với việc đi theo nhóm để đảm bảo an toàn. Vấn đề quan trọng nhất là cơ quan quản lý địa phương có chính sách mở tạo điều kiện để doanh nghiệp tạo dựng được chương trình.
Ở khu vực ngoại thành, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành. Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ (Vườn quốc gia Ba Vì) Nguyễn Phi Hùng, sau mùa hoa dã quỳ năm 2021 thu hút hơn 25.000 lượt khách, tới đây, đơn vị sẽ xây dựng sản phẩm mới “Mùa hoa sim” để thu hút khách du lịch vào mùa hè.
Nâng cấp 4 tuyến du lịch chính
Để đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, Sở Du lịch Hà Nội đã có các biện pháp hỗ trợ, đồng hành, thúc đẩy để khi du lịch mở cửa thời gian tới. Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 2 năm dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế cũng như đời sống xã hội. Trong đó, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch cũng như các cá nhân hoat động trong ngành du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đã có các biện pháp hỗ trợ, đồng hành, thúc đẩy để phục hồi du lịch khi mở cửa trở lại.
Sở Du lịch đã trực tiếp thực hiện thủ tục hỗ trợ đươc 3.729 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ gần 14 tỷ đổng; triển khai hỗ trợ đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố thuộc diện được miễn, giảm tiền điện theo Nghị quyết của Chính phủ, tổng số tiền đã miễn giảm hỗ trợ năm 2021 khoảng 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Du lịch như: Nghị định 94/NĐ-CP ngày 28/10/2021 của về giảm 80% mức tiền ký quỹ đối với các doanhnghiệp kinh doanh lữ hành, Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 của Bộ Tài Chính giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.
Trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu mới của thị trường, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã chủ động, sáng tạo xây dựng các mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn như các sản phẩm tour du lịch đêm tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, các sản phẩm tour du lịch trải nghiệm kiến trúc Pháp, tour đạp xe quanh khu vực Trung tâm Thủ đô… sản phẩm du lịch mạo hiểm ở Chương Mỹ, Vườn Quốc gia Ba Vì, du lịch giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Dân tộc học, Cổ Loa… “Bên cạnh khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch được làm mới trên nền tảng các sản phẩm du lịch truyền thống, là thế mạnh trước đây của đơn vị” ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Sở Du lịch Hà Nội cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường nhận diện thương hiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và kênh CNN quốc tế, thông qua các chương trình FM du lịch Hà Nội, trang website, nền tảng mạng xã hội (Youtube, Facebook...). Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tham gia các chương trình, sự kiện, lễ hội, hoạt động xúc tiến du lịch do Thành phố và Sở Du lịch tổ chức.
Về các giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chính thức giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch duy trì ổn định lâu dài; gia hạn thời gian giảm các loại phí, lệ phí đối với các doanh nghiệp lữ hành.
Về phát triển sản phẩm mới, trong năm 2022, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành uy tín tập trung nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ Trung tâm Thành phố đến Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất, Quốc Oai và Sơn Tây, Ba Vì. Sở Du lịch cũng sẽ vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia, quảng bá hình ảnh thông qua các sự kiện du lịch do Sở phối hợp và chủ trì như: Chương trình Get on Hà Nội 2022, Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội trình diễn kinh khí cầu, Lễ hội kích cầu du lịch… Đặc biệt Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Ggames 31 cũng là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm du lịch đối với khách quốc tế.
Về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, Sở Du lịch hà Nội sẽ phối hợp với Trường Cao Đẳng Du lịch Hà Nội xây dựng và triển khai các lớp đào tạo bồi dưỡng nhân lực Du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Qua đó, giúp phục hồi và xây dựng đội ngũ lao động ngành Du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá và quản trị hoạt động, qua đó năng cao hiệu quả và năng suất cho các doanh nghiệp.
Theo Báo Hà Nội mới