Du lịch Hà Nội cải thiện môi trường để thu hút khách bền vững
12/07/2022 | 16:19Sự phục hồi du lịch Hà Nội trong bức tranh chung của du lịch cả nước với sự bứt tốc rõ nét. Không chỉ tăng số lượng, ngành du lịch hướng tới tăng chất lượng dịch vụ, mang lại lợi nhuận khi hướng tới phát triển bền vững hậu COVID-19.
Tăng ấn tượng số lượng khách
Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Thủ đô phấn đấu năm 2022 đón từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã gần đạt được mục tiêu của cả năm. Tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt khách, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 211,3 nghìn lượt khách, khách du lịch nội địa ước đạt 8,4 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25,2 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Là trung tâm phân phối khách lớn của toàn miền bắc, du lịch Hà Nội phục hồi ấn tượng ngay sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức các sự kiện, hoạt động, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch thu hút đông đảo du khách như: Chương trình Du lịch Hà Nội chào 2022; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2022; Hành trình Hữu nghị năm 2022...
Cơ hội bứt tốc rõ nhất là khi đón kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, đặc biệt Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31), Hà Nội liên tiếp tổ chức các sự kiện, ra mắt sản phẩm du lịch mới để tạo đà tăng trưởng. Một loạt sự kiện đã tạo sức hút lớn như: Khai mạc Năm du lịch Sơn Tây - xứ Đoài và khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Lễ hội tình yêu tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín; Lễ hội du lịch Hà Nội năm 2022; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội; tái khởi động không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố - phố đi bộ Trịnh Công Sơn; Tuần văn hóa du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và Hà Nội năm 2022…
“Các sự kiện quảng bá, xúc tiến tổ chức bài bản, chuyên nghiệp với sự tham gia của nhiều quận, huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hãng hàng không đã tạo được ấn tượng cho người dân và du khách. Điều nay cho thấy sức sống của du lịch Hà Nội trong việc thích ứng an toàn, hiệu quả dịch COVID-19, cũng như nhiều sản phẩm mới đa dạng và hấp dẫn, tạo nên diện mạo mới cho du lịch Hà Nội”, bà Đặng Hương Giang đánh giá.
Theo ông Phạm Văn Thuỷ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Nội đã rất chủ động trong triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch, đặc biệt nhân dịp SEA Games 31, du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đóng góp chung vào thành công của sự kiện quan trọng này. Trong thời gian tới, du lịch Hà Nội cần chú trọng quan tâm đầu tư hơn nữa vào nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu du lịch, đồng thời phải có quy hoạch du lịch tốt, tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo dựa trên khai thác giá trị văn hoá, làng nghề, chữa bệnh, ẩm thực…, qua đó thu hút thêm nhiều du khách đến với Thủ đô.
Cải thiện chất lượng môi trường du lịch
Một trong những ấn tượng lớn của du lịch Hà Nội trong giai đoạn phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19 đó là hình thành nhiều chuỗi sản phẩm du lịch mới, mang đậm văn hóa, tinh hoa và đặc trưng riêng của du lịch Thủ đô. Tour đêm Hoàng thành Thăng Long tái khởi động lại vào tháng 4/2022, lập tức tạo hiệu ứng khi các tối cuối tuần đều kín khách. Cùng với đó là tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng trở thành điểm đến “không thể bỏ lỡ” của du khách khi đến Hà Nội.
Đánh giá về hiệu quả của các sản phẩm du lịch mới, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, Hội đã phối hợp với các đơn vị điểm đến và Hãng hàng không Vietnam Airlines quảng bá sản phẩm du lịch Hà Nội trên các chuyến bay để kết nối mạnh mẽ hơn với du khách trong nước và quốc tế.
“Các sản phẩm du lịch đêm tại những di tích nổi tiếng của Hà Nội cùng hoạt động sôi nổi của các tuyến phố đi bộ đã tạo nên sức sống mới cho du lịch Hà Nội, góp phần tạo hiệu quả cao trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của thành phố”, ông Phùng Quang Thắng bày tỏ.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, du lịch Thủ đô phấn đấu từ nay đến cuối năm đẩy mạnh việc phục hồi, phát triển, đặc biệt là thu hút nhiều hơn khách quốc tế để đạt được mục tiêu đón từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022; phấn đấu đến cuối năm 2023 có thể đón lượng khách quốc tế bằng 50% của năm 2019.
Bà Đặng Hương Giang cho biết: Cùng với tăng trưởng số lượng, ngành du lịch Thủ đô hướng đến phát triển bền vững, tăng doanh thu. Do đó, trong thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô hướng tới tuyên truyền bảo vệ môi trường bền vững theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cụ thể , ngành du lịch Thủ đô hướng tới các cơ sở dịch vụ đảm bảo về vệ sinh môi trường tại điểm, khu và cơ sở du lịch, dịch vụ. Nhưng bên cạnh đó, Sở cũng hướng đến bảo vệ môi trường văn hoá bền vững, có nghiệp vụ chuyên sâu… Đồng thời, để tăng doanh thu, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương, ban ngành hoàn thiện đề án về khai thác công nghiệp văn hoá và khai thác kinh tế đêm tại các địa phương Hà Nội, chú trọng phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp…
"Hà Nội sẽ đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch để thu hút khách quốc tế. Hiện lượng khách đến với Hà Nội còn ít so với tiềm năng. Cùng với đa dạng hoá sản phẩm và xúc tiến trên truyền thông, mạng xã hội, dự tính từ tháng 9, Hà Nội nói riêng và cả nước sẽ thu hút luồng khách quốc tế", bà Đặng Hương Giang chia sẻ.
Sở cũng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị lữ hành, điểm đến xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của thành phố như du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE; khuyến khích, phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phát huy thế mạnh của địa phương, như: Du lịch mạo hiểm, bay khinh khí cầu ở Ba Vì, bay dù lượn ở Chương Mỹ, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch homestay tại khu vực Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn, các sản phẩm du lịch văn hóa đêm, ẩm thực tại khu vực phố cổ…
Theo báo Tin tức