Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch đường sông: Hướng phát triển cho du lịch Thừa Thiên Huế

21/11/2023 | 11:26

Thừa Thiên Huế là vùng đất có hệ thống sông ngòi phân bố khá dày đặc với tổng chiều dài 563km của 6 tuyến sông chính: Sông Hương, sông Tả Trạch, sông Hữu Trạch, sông Bồ, sông Lợi Nông (hay còn gọi sông An Cựu), sông Ô Lâu.

Ngày nay, các con sông ở Thừa Thiên Huế tiếp tục là nguồn tài nguyên quan trọng cho phát triển du lịch, dịch vụ. Bờ sông là địa điểm ưa thích cho việc xây dựng các khách sạn, nhà hàng bởi khung cảnh và tầm nhìn từ sông rất thú vị cho việc ăn uống, lưu trú và các hoạt động khác. Công viên và các không gian mở dọc hai bờ sông được tái phát triển để khuyến khích các hoạt động lễ hội, hội chợ, giải trí, thể thao. Sông còn là hành lang vận chuyển khách du lịch, cung cấp địa điểm cho các hoạt động câu cá, thể thao, thưởng thức nghệ thuật và dĩ nhiên là cả cung cấp nước uống. Một số khu du lịch sinh thái hai bên bờ của các con sông đã khai thác được tiềm năng thế mạnh về nguồn nước và cảnh quan sinh thái tự nhiên. Vai trò gián tiếp của sông ngòi đối với hoạt động du lịch còn thể hiện ở việc cung cấp trực tiếp nguồn thủy sản hoặc cung cấp nguồn thực phẩm thông qua nền nông nghiệp mà dòng sông hỗ trợ, cung cấp nguồn điện thông qua các công trình thủy điện và giúp xử lý chất thải.

Sự đóng góp của các con sông đối với du lịch là điều có thể nhận diện, song, dường như ít có sự thừa nhận về vai trò của các dòng sông trong lĩnh vực này. Sự đầu tư trong ngành du lịch, theo đó, ít ưu tiên cho các con sông. Trên thực tế, hoạt động du lịch gắn với sông (trên sông và hai bên bờ sông) tập trung ở trung tâm thành phố Huế, đoạn từ bến Tòa Khâm đến điện Hòn Chén và chủ yếu là hoạt động vận chuyển du khách đi lễ hội, du ngoạn hoặc nghe ca Huế trên sông Hương. Trong số 69 bến thủy nội địa của thành phố Huế, chỉ có 14 bến hành khách (20,2%) và rất ít trong số đó là bến du lịch; 131/1.378 (9,5%) thuyền đã đăng kiểm là thuyền du lịch (2019). Chưa kể đến năm 2025, hầu hết những thuyền du lịch (thuyền rồng) này đều hết niên hạn sử dụng. Điều này đã phần nào phản ánh sự khiêm tốn trong du lịch đường sông của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực tiễn này khiến chúng ta không thể không nghĩ đến việc mở rộng phạm vi không gian phát triển du lịch đường sông (không chỉ trong giới hạn sông Hương mà gồm các con sông khác) lẫn sự đa dạng hóa sản phẩm. Kinh nghiệm của một số nước, khu vực trên thế giới đã cho thấy, để du lịch đường sông phát triển, điều cốt lõi là phải nâng cấp hệ thống hạ tầng; phát triển có chọn lọc các sản phẩm, dịch vụ tùy theo điều kiện của mỗi vùng mà con sông đi qua; củng cố những tập quán sinh hoạt truyền thống; nắm bắt xu hướng phát triển du lịch nhằm phát triển sản phẩm mới một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, phải tính toán để giải quyết những thách thức mà du lịch đường sông phải đối mặt, đó là: ô nhiễm nước thải từ hoạt động dịch vụ du lịch, ô nhiễm tiếng ồn do động cơ của tàu thuyền, sự thay đổi chu trình thủy văn do xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch dẫn đến các hiện tượng lở đất và lũ quét, giảm giá trị thẩm mỹ do lượng du khách quá đông, không gian của sông trở nên chật hẹp và không an toàn...

Phát triển du lịch đường sông sẽ là một hướng đi góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch và quốc tế. Từ đó, góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh. Mặc dù du lịch đường sông không mới ở Thừa Thiên Huế, nhưng để có thể phát triển một cách bài bản, đúng hướng, hiệu quả và bền vững, cần phải có sự nghiên cứu thấu đáo và lộ trình chuẩn bị, đầu tư chặt chẽ, hợp lý.

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×