Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long dần hồi phục

21/02/2022 | 14:34

Những ngày đầu Xuân Nhâm Dần đến nay, lượng du khách đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng cao so với cùng kỳ là tín hiệu phục hồi, khởi sắc của du lịch miền sông nước Tây Nam Bộ trong trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với dịch Covid

Du lịch đồng bằng sông Cửu Long dần hồi phục - Ảnh 1.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam tại thành phố Châu Ðốc, tỉnh An Giang là điểm đến thu hút du khách.

Hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến ngành du lịch cả nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trong điều kiện bình thường mới, các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục hồi và tạo diện mạo mới cho du lịch.

Dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ

Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, trong tuần lễ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thành phố Cần Thơ thu hút hơn 196 nghìn lượt khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có hơn 27 nghìn lượt khách lưu trú với doanh thu hơn 44 tỷ đồng. Ðây là tín hiệu tích cực cho du lịch Cần Thơ sau hơn hai năm vắng khách do dịch bệnh. Tại điểm du lịch Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng), hiện mỗi ngày có từ 7-10 tàu du lịch chở du khách tham quan, tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp cho chợ nổi lâu đời nhất miền Tây Nam Bộ. Cách đó khoảng 3 km, làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, vườn du lịch Ông Ðề, Ông Lang... (huyện Phong Ðiền) cũng thu hút nhiều du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí dịp cuối tuần tạo nên bức tranh du lịch sinh động.

Tại An Giang, lượng du khách tăng đột biến dịp đầu Xuân Nhâm Dần. Cao điểm trong bốn ngày đầu Tết cổ truyền đón từ 50 nghìn đến hơn 100 nghìn lượt khách/ngày đến các khu du lịch quốc gia núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư; cụm hồ Tri Tôn, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng… Trong đó, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trong quần thể Khu du lịch quốc gia núi Sam thuộc thành phố Châu Ðốc là một trong những điểm thu hút đông đảo du khách nhất. Thời điểm này, núi Sam như không ngủ, về đêm đèn sáng rực cả vùng. Ước tính từ ngày 30/1 đến 6/2 có 740 nghìn lượt khách, tăng 85% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Người dân địa phương và du khách phấn khởi vì lâu lắm rồi, không khí náo nhiệt mới trở lại với vùng đất du lịch tâm linh này. Du lịch khởi sắc kéo theo niềm vui của làng nghề mắm lâu đời nổi tiếng của Châu Ðốc hồi sinh bởi hầu như du khách đến đây đều mua mắm cá về làm quà cho người thân. Ông Tứ Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn phấn khởi cho biết, du khách đến Châu Ðốc tăng cao như "liều thuốc tinh thần" giúp người dân, doanh nghiệp Châu Ðốc phấn chấn mở cửa và hy vọng những điều tốt lành đầu xuân này lan tỏa. Tương tự, Khu du lịch núi Cấm, xã An Hảo (huyện Tịnh Biên) - nơi được ví von là "nóc nhà miền tây" quyến rũ du khách thưởng ngoạn cảnh núi rừng, chiêm bái chùa chiền và tượng Phật Di Lặc ngồi lớn nhất châu Á - trong những ngày đầu Xuân đã đón hơn 42 nghìn lượt khách, tăng hơn 50% so cùng kỳ.

Tại tỉnh Kiên Giang, trong ba ngày đầu xuân đã đón 36.722 lượt khách; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 36 tỷ đồng. Riêng chương trình đón khách quốc tế theo hộ chiếu vắc-xin, trong hai ngày đầu Tết, Phú Quốc đón 276 khách đến từ Uzbekistan. Tính ra trong chín ngày (từ ngày 29/1 đến 6/2), Kiên Giang đón 98 nghìn lượt khách, trong đó 5.582 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu khoảng 150 tỷ đồng. Riêng Phú Quốc đón 79 nghìn lượt khách, bình quân có 40 chuyến bay/ngày.

Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái thông tin, từ những tháng cuối năm 2021, tỉnh đã khôi phục lại hoạt động du lịch với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện để thu hút du khách. Ðặc biệt, tỉnh thực hiện thí điểm giai đoạn 1 đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc theo hộ chiếu vắc-xin để thích ứng với đại dịch trong trạng thái bình thường mới. "Năm 2022, Kiên Giang tiếp tục thực hiện kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc theo hộ chiếu vắc-xin; phấn đấu mở cửa trở lại thị trường khách quốc tế từ quý II và kế hoạch phục hồi, thu hút khách du lịch trong nước… Tỉnh tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới để phục hồi, phát triển du lịch sau dịch Covid-19, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm"- ông Bùi Quốc Thái cho biết thêm.

Phát triển du lịch nhưng không lơ là phòng, chống dịch

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp, dịch Covid-19 tại An Giang đã được kiểm soát tốt, toàn tỉnh đã là vùng xanh. Tuy vậy, trước việc lượng du khách tăng đột biến trong những ngày đầu xuân Nhâm Dần và dự báo tăng cao vào cao điểm lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam, Sở đã yêu cầu các điểm tham quan, khu du lịch phải luôn tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch; tuyên truyền vận động người lao động và người dân địa phương không được chủ quan lơ là. Sở đã triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp không tổ chức các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí tập trung đông người… Ðiều thuận lợi là trong giai đoạn ngành du lịch ngừng hoạt động do dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch đã tập trung đầu tư đổi mới diện mạo điểm đến, chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế tiểu cảnh kết hợp dịch vụ ẩm thực đa dạng để thu hút khách tham quan... Thời gian tới, An Giang tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp tại các cơ sở lưu trú sẵn có của tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn xây dựng các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí đạt chuẩn 3 sao trở lên; đặc biệt ưu tiên đầu tư tại bốn khu du lịch trọng điểm. Năm 2022 tỉnh phấn đấu đón hơn 4 triệu lượt khách tham quan.

Trong khi đó thích ứng điều kiện bình thường mới, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã thực hiện xúc tiến du lịch thông qua môi trường số, chuyển đổi số. Ðầu năm 2022, Cần Thơ tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến thu hút gần 100 gian hàng của các trung tâm xúc tiến du lịch, doanh nghiệp, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành nhằm quảng bá du dịch Cần Thơ, tạo cầu nối giữa du khách và doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững, chuyên nghiệp, linh hoạt thích ứng dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, bên cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở du lịch duy trì hoạt động thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thành phố triển khai Cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh tại hai địa chỉ: canthotourism.vn và mycantho.vn, tích hợp các tính năng mới, hiện đại như: bản đồ du lịch ảo 3D, giới thiệu các điểm du lịch tiêu biểu Cần Thơ bằng công nghệ mới, tính năng trả lời tự động… nhằm tăng sự tương tác, trải nghiệm của du khách, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

Cùng với đó, Cần Thơ tiếp tục thực hiện lộ trình xây dựng huyện Phong Ðiền thành đô thị sinh thái, trọng tâm là phát triển du lịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Ðiền Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: Phong Ðiền có lợi thế phát triển du lịch nhờ gần trung tâm thành phố, có nhiều điểm tham quan nổi tiếng như Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đặc trưng của miền sông nước. Thời gian qua, huyện đã thu hút hơn 20 doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đầu tư phát triển du lịch với vốn đăng ký đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Theo nhận định của Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, năm 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thách thức với ngành du lịch. "Sẽ có những doanh nghiệp "bỏ cuộc chơi" do không thể và không còn năng lực để đi tiếp. Ngành du lịch muốn phục hồi cũng phải có thời gian nhất định để làm lành "vết thương" kinh tế; các hoạt động khi trở lại bình thường cũng cần khoảng thời gian nhất định thì mới có sự bùng nổ về nhu cầu du lịch", ông Bùi Áng Văn, Tổng Quản lý Kim Hoa Resort Phú Quốc chia sẻ.

Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2022 tỉnh phấn đấu thu hút 5,6 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế là 200 nghìn lượt, tổng doanh thu khoảng 7.750 tỷ đồng. Ðể đạt mục tiêu này, Kiên Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến đầu tư, quảng bá, xây dựng thương hiệu "Kiên Giang là điểm đến du lịch văn minh, sạch đẹp, an toàn và thân thiện"; tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, theo hướng tăng trưởng xanh và trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững.

Theo Báo Nhân Dân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×