Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên

19/01/2021 | 12:22

Đến Tây Bắc, về với Điện Biên hôm nay, du khách không chỉ có cơ hội đến với một miền đất lịch sử, khám phá thiên nhiên hùng vĩ mà còn là dịp đến với một miền đất văn hóa đặc trưng. Một trong những sản phẩm du lịch mới trong những năm gần đây được tập trung phát triển, tạo cầu nối cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống là du lịch cộng đồng. Hợp với xu thế phát triển, khai thác tốt tiềm năng sẵn có chính là bước đà để du lịch cộng đồng ở Điện Biên có những bước phát triển nhanh, mang tính đột phá.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Địa chỉ tuyệt vời của du lịch cộng đồng tại Điện Biên chính là những địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được quan tâm khai thác phục vụ du lịch. Bản Mển, Bản Ten, Bản Che Căn, Bản Phiêng Lơi, Bản Him Lam, Bản Nà Tấu… là những bản văn hóa du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Điện Biên, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Nơi đây không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ.

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 1.

Toàn cảnh Bản Văn hóa Du lịch Che Căn tại Xã Mường Phăng TP Điện Biên Phủ.

Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, năm 2003, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 08 bản để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ đó đến nay, tỉnh đã xây dựng thành công thêm nhiều bản văn hóa mới, thường xuyên quan tâm đầu tư hỗ trợ nâng cấp, cải tạo các điều kiện, dịch vụ phục vụ du lịch, đồng thời tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các bản này. Nhiều gia đình tại các bản cũng đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa, đặc biệt là khu vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; chỉnh trang đường làng, ngõ xóm; tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; phục dựng lại một số lễ hội truyền thống để đón và phục vụ khách du lịch; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống, đặc biệt là các hàng hóa thổ cẩm và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Các bản đều hoạt động theo mô hình chung, lập ra một đội từ 15 - 20 người phụ trách hướng dẫn khách tham quan, phục vụ ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, đảm bảo an ninh cho du khách… Hiện nay tại các bản có 04 mô hình homestay đang hoạt động gồm: Mường Then, Phương Đức, Mường Thanh, Điện Biên Rose Villa đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ, trải nghiệm và phục vụ cho khoảng 300 lượt khách/ngày. Cùng với đó, tác phong phục vụ cũng ngày một chuyên nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của du khách.

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 2.

Nhà hàng Nàng Ban Homestay (Bản Ten, xã Thanh Xương)

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 3.

Dịch vụ lưu trú Nàng Ban Homestay.

Các điểm du lịch cộng đồng này hiện đang khai thác nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn, mang tính liên hoàn. Ngoài dịch vụ lưu trú homestay còn là các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm. Khi đến đây du khách được thư thái, nghỉ ngơi ở một nơi xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ với cảnh quan độc đáo, thanh bình, được trực tiếp được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thưởng thức ẩm thực dân tộc, hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc và lưu giữ những sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để làm quà cho gia đình, người thân. Hiện tỉnh đã có 31 nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí. Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng vừa sản xuất kinh doanh vừa phục vụ du khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang được quan tâm, chú trọng như: dệt thổ cẩm của người Thái tại các bản Mển, bản Him Lam 2, bản Co Mỵ, bản Che Căn; làm bánh khẩu Xén ở thị xã Mường Lay; mây tre đan tại xã Nà Tấu (huyện Điện Biên); dệt thổ cẩm của người Lào ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) và xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); nghề thêu ren thổ cẩm ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa)...

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 4.

Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng, những năm qua công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và quy mô ngày một mở rộng. Tiêu biểu là thông qua các sự kiện, hội chợ về du lịch như: Giới thiệu tiềm năng du lịch tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào)...; Các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác với các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch; tích cực quảng bá qua ấn phẩm thông tin và cập nhật trên mạng internet thông qua các website, fanpage trên mạng xã hội... nhằm đưa hình ảnh du lịch Điện Biên, trong đó có du lịch cộng đồng đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các đoàn làm phim, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước thực hiện tuyên truyền qua các tác phẩm báo chí và điện ảnh. Năm 2020, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã phối hợp với đơn vị sản xuất phim tổ chức sản xuất 03 tập phim "Khám phá du lịch Điện Biên" để quảng bá trên kênh Truyền hình Quốc hội, góp phần tích cực khôi phục lại ngành kinh tế du lịch sau các đợt cách ly, giãn cách xã hội. Nhờ đó, du lịch cộng đồng đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Điện Biên và có những bước tiến đáng kể theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thống kê, năm 2015, các bản, điểm du lịch cộng đồng tỉnh Điện Biên đón khoảng 10.000 lượt khách, trong đó có 1.500 lượt khách quốc tế. Đến năm 2019, các bản, điểm du lịch cộng đồng tỉnh Điện Biên đã đón khoảng 22.000 lượt khách (tăng 2,2 lần so với năm 2015), trong đó có 3.630 lượt khách quốc tế (tăng 2,4 lần so với năm 2015). Sang năm 2021, hi vọng những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 sẽ qua đi để du lịch cộng đồng Điện Biên lại tiếp tục tạo đà phát triển.

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 5.

Đoàn khảo sát và Du khách chính phục Ngã ba biên giới A Pa Chải

Có thể nói, mô hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa tỉnh Điện Biên đã được xây dựng và duy trì thành công, không chỉ mang lại cho du lịch Điện Biên một diện mạo mới mà còn thiết thực làm thay đổi nhận thức, lối sống, tư duy, cách làm kinh tế gắn với du lịch của đồng bào các dân tộc. Người dân hiểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần do đó nhiều hộ gia đình đã chủ động tham gia. Bên cạnh đó, họ cũng trân trọng và tích cực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt đối với những di sản gắn với hoạt động du lịch như ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống, lễ hội... Đồng thời cũng học tập, kế thừa và làm sống động các giá trị văn hóa cổ truyền, giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu hơn, tự tin hơn về các giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng như tôn trọng giá trị văn hóa của các dân tộc khác.

Du lịch cộng đồng - Hướng đi bền vững cho du lịch Điện Biên - Ảnh 6.

Ẩm thực mùa Ban

Tuy nhiên, bên cạnh đó du lịch cộng đồng Điện Biên cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Đầu tư hạ tầng cho du lịch cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; chưa gắn kết được các doanh nghiệp du lịch với các điểm, bản du lịch cộng đồng; sản phẩm du lịch được khai thác chủ yếu dựa trên tài nguyên tự nhiên nên còn nghèo nàn, đơn điệu, dễ trùng lặp tại các địa phương có chung điều kiện tự nhiên; du lịch cộng đồng mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Công tác nghiên cứu thị trường, thị hiếu của du khách để xây dựng các điểm, bản du lịch cộng đồng chưa được đánh giá đúng mức. Đặc biệt, nguồn nhân lực cho phát triển du lịch cộng đồng chưa đáp ứng được yêu cầu, khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao là những người có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, chủ yếu là lao động giản đơn.

Để phát triển hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung ban hành và tổ chức thực hiện đề án "Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn đến năm 2030". Trong đó, cần đưa du lịch cộng đồng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng các bộ tiêu chí đã ban hành. Cần quan tâm tới yếu tố bền vững trong phát triển, nắm vững các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng xã hội, tôn trọng văn hóa địa phương và các di sản văn hóa, chia sẻ lợi ích, đảm bảo sự sở hữu và tham gia của cộng đồng dân cư địa phương để phát triển bền vững. Ngoài ra, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch cộng động dựa trên sự tương đồng giữa thế mạnh địa phương và thị hiếu, nhu cầu du khách, xây dựng nên chuỗi các sản phẩm phù hợp. Lựa chọn một số địa phương để quan tâm xây dựng, phát triển theo hình thức không gian du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, có thể kể đến như Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, các huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch cộng đồng tới các thị trường khách du lịch quốc tế, nội địa để thu hút khách du lịch đến tỉnh Điện Biên. Cùng với đó là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến địa phương. Hỗ trợ công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đón tiếp phục vụ khách cho người dân để từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Đó là những hướng đi cơ bản của tỉnh Điện Biên trong những năm tới để phát triển mạnh mẽ hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng, coi đây là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng, giàu lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Du lịch cộng đồng phát triển không chỉ đóng góp trực tiếp vào việc sự phát triển bền vững của nền kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của từng cộng đồng mà còn góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương, đem lại những lợi ích to lớn, toàn diện trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội./.

Theo Sở VHTTDL Điện Biên

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×