Du lịch Cao Bằng vươn xa
19/02/2024 | 08:43Du lịch Cao Bằng bùng nổ ấn tượng với hàng loạt sự kiện, thu hút đông đảo du khách nội địa, quốc tế. Cùng với đó là sự tham gia tích cực, chủ động của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch, tạo động lực để du lịch Non nước Cao Bằng tiếp tục bứt phá.
Điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam
Nằm ở phía Đông Bắc của dải đất hình chữ S, Non nước Cao Bằng được tạo hóa ban tặng những danh thắng tuyệt đẹp làm say đắm lòng người như: thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi, hồ Thang Hen, khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén… Nơi đây được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu trầm tích văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích, trong đó 102 di tích đã được xếp hạng (gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp tỉnh), 2 bảo vật quốc gia, hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể độc đáo. Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng là nơi minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp kéo dài đến hơn 500 triệu năm của trái đất với trên 130 điểm di sản địa chất cùng các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi phong phú, đa dạng. Vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình của “viên ngọc xanh” miền biên viễn ẩn chứa sức hấp dẫn không thể chối từ, thôi thúc bao tâm hồn lữ khách tìm đến khám phá, trải nghiệm.
Thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đa sắc màu cùng những sản phẩm, dịch vụ độc đáo giúp ngành du lịch của tỉnh bứt tốc mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch trong nước, quốc tế. Non nước Cao Bằng trở thành điểm đến hấp dẫn - an toàn - thân thiện đối với du khách gần xa. Bức tranh du lịch được tô điểm bởi những gam màu tươi sáng khi lượng khách, doanh thu tăng trưởng liên tục. Năm 2023, khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1,9 triệu lượt, vượt 12% kế hoạch, tăng 72% so với cùng kỳ 2022, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 34.000 lượt, vượt 13,3% kế hoạch; khách du lịch nội địa ước đạt 1.866.000 lượt, vượt 12% kế hoạch. Tổng doanh thu ước đạt 1.334 tỷ đồng, vượt 21% kế hoạch, tăng 114,5% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 178% so với cùng kỳ năm 2019; công suất sử dụng phòng ước đạt 46,5%.
Du lịch xanh, bền vững thành xu hướng chủ đạo
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Từ những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, Cao Bằng tập trung phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao.
Phát huy giá trị di sản CVĐC Non nước Cao Bằng, tỉnh hoàn thiện, khai thác 4 tuyến du lịch trải nghiệm: phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”, phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng núi của những đổi thay”, phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, phía Nam “Một thời hoa lửa”. Việc xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng gắn với CVĐC Toàn cầu UNESCO góp phần thay đổi tư duy, nhận thức về du lịch, thúc đẩy sự tham gia có trách nhiệm của các thành phần kinh tế, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ về chất và lượng trong hoạt động du lịch, dịch vụ.
Cao Bằng hướng đến phát triển các loại hình du lịch lấy giá trị thiên nhiên xanh, giá trị văn hóa, lịch sử, địa chất, đa dạng sinh học làm cốt lõi như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, du lịch mạo hiểm… Không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Tày ở làng đá cổ Khuổi Ky (Trùng Khánh), người Dao tiền, xóm Hoài Khao (Nguyên Bình), người Lô Lô đen, xóm Khuổi Khon (Bảo Lạc), người Nùng An tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa)… đều là những điểm dừng chân hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Bên cạnh những dòng sản phẩm chủ đạo, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp với thị trường. Khôi phục lại các lễ hội dân gian và tổ chức một số lễ hội mới mang tính thường niên như: Lễ hội về nguồn Pác Bó (Hà Quảng), Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai (Quảng Hòa), Lễ hội du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh)…
Đồng thời, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp với các hoạt động trải nghiệm vườn dâu tây, nho Hạ đen, hạt dẻ, đồi chè và các loài cây, hoa bản địa. Tích cực đầu tư, khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới, thú vị như: chèo thuyền kayak, chèo SUP, trekking, leo núi, khám phá hang động, bay dù lượn… Ngoài ra, không gian văn hóa, thể thao, ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ Kim Đồng, phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố), chợ đêm thị trấn Bảo Lạc, chợ đêm thị trấn Thông Nông, góp phần tạo thêm điểm nhấn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du lịch về đêm của du khách.
Liên kết, hợp tác du lịch tạo động lực phát triển
Công tác quảng bá du lịch được đẩy mạnh thông qua ứng dụng nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, số hóa ấn phẩm du lịch; xây dựng Đề án “Số hóa dữ liệu du lịch, hệ thống thực tế ảo, thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025”; phát huy hiệu quả hệ thống tra cứu thông tin tự động tại các trung tâm thông tin của CVĐC Non nước Cao Bằng. Qua đó, phấn đấu đưa ngành du lịch tỉnh hoàn thành nhiệm vụ “Tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch”.
Tích cực liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Đông Bắc, Tây Bắc; khảo sát, đánh giá xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm thứ 5 kết nối CVĐC Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch quy mô lớn có sự tham gia của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và cộng đồng du lịch, du khách trẻ…
Dấu ấn nổi bật trong năm 2023 là chuỗi sự kiện Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Lễ hội thác Bản Giốc với màn đồng diễn hát Then, đàn tính của 1.000 người; Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng”, Ngày hội du lịch Non nước Cao Bằng tại Thủ đô Hà Nội. Đây là cơ hội “vàng” để lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất, văn hóa, con người miền non nước; giới thiệu với du khách trong nước và quốc tế các sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch với các địa phương, doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời, giúp Cao Bằng mở rộng không gian hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Sự kiện Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc) diễn ra ngày 15/9/2023 đánh dấu mốc quan trọng, khẳng định quyết tâm của 2 nước cùng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Đây là mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh chưa từng có tiền lệ, góp phần tăng cường giao lưu giữa nhân dân 2 tỉnh/khu nói riêng, 2 nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung, thúc đẩy quan hệ láng giềng vững chắc, ổn định, bền vững lâu dài và hiệu quả.
Công tác liên kết phát triển du lịch quốc tế được quan tâm, chú trọng với nhiều hoạt động như: Hội thảo với CVĐC Toàn cầu UNESCO Khorat (Thái Lan); Hội đàm trực tuyến giữa CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng (Việt Nam) và CVĐC Toàn cầu UNESCO Lạc Nghiệp - Phượng Sơn (Trung Quốc); Diễn đàn trực tuyến “Let’s do it” trao đổi kinh nghiệm triển khai các hoạt động xây dựng và phát triển CVĐC… Xúc tiến chuẩn bị tốt công tác tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng.
Tài nguyên thiên nhiên phong phú, nền văn hóa đặc sắc, hệ thống cửa khẩu quan trọng và danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO… là những điều kiện thuận lợi để Cao Bằng xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng. Đặc biệt, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hứa hẹn sẽ tạo ra sức bật mạnh mẽ cho hoạt động du lịch, đẩy nhanh việc triển khai nội dung đột phá đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.