Du lịch Cao Bằng sẵn sàng mở cửa đón khách
21/03/2022 | 10:35Việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới bắt đầu từ ngày 15/3/2022 là vấn đề cấp thiết, không chỉ giúp thỏa mãn nhu cầu đi lại, vui chơi của du khách mà còn phát triển đời sống, khôi phục kinh tế - xã hội. Để du lịch được vận hành an toàn, khoa học, hiệu quả, tỉnh ban hành kế hoạch, giải pháp tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới, sẵn sàng đón khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá.
Để việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh trong điều kiện bình thường mới, từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, khôi phục lại các hoạt động du lịch. Theo đó, tỉnh xây dựng các phương án, lộ trình đón khách quốc tế, trong nước vào du lịch Cao Bằng đảm bảo thích ứng ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; kích cầu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và xây dựng hình ảnh du lịch Cao Bằng “thân thiện, an toàn và hấp dẫn”, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng - “Xứ sở thần tiên”…
Bà Nông Thị Tuyến, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mở cửa đón khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế trở lại Cao Bằng giúp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hồi phục, bảo đảm an toàn cho người dân, du khách. Huy động sự tham gia, phối hợp và hưởng ứng của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc đón khách quốc tế trở lại; tạo nên các chương trình, sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút du khách.
Cùng với đó, các hoạt động đón tiếp, phục vụ khách du lịch được quan tâm, đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng, chống dịch do các cơ quan liên quan ban hành, hướng dẫn; chủ động, sẵn sàng linh hoạt và có các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các địa phương, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tăng cường đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông, quảng bá du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện.
Các doanh nghiệp du lịch chú trọng chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng đón khách du lịch; xây dựng các sản phẩm đáp ứng xu hướng mới của thị trường sau dịch, nhất là sản phẩm mới. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, các điểm du lịch; có các giải pháp hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau đẩy mạnh phục hồi, phát triển du lịch. Bồi dưỡng nhân lực du lịch nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, kịp thời đáp ứng mở cửa lại du lịch…
Cùng với các giải pháp, lộ trình sẵn sàng đón khách trở lại, các địa phương, khu, điểm du lịch trong tỉnh tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai các quy hoạch, đề án, dự án liên quan đến phát triển du lịch; xây dựng các hoạt động du lịch nhằm thu hút khách đến tham quan. Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh sẽ tổ chức, tham gia 63 hoạt động, sự kiện trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu như: Ngày hội Du lịch Non nước Cao Bằng tại Hà Nội, Tuần Văn hóa du lịch Việt Bắc tại Hà Nội, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” Hà Giang năm 2022, Giải Maraton tranh Cup “thác Bản Giốc”, giới thiệu văn hóa du lịch Cao Bằng tại làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Liên hoan hát Then - đàn tính tỉnh Cao Bằng, Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc...
Phát triển sản phẩm du lịch, các dịch vụ du lịch, cụ thể: Tổ chức vận hành điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc); khai trương điểm checkin đỉnh cao Phja Oắc, điểm du lịch cộng đồng Hoài Khao, tổ chức hoạt động bay dù lượn tại thung lũng treo Tĩnh Túc (Nguyên Bình); Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch Cao Bằng, khai trương Phố đi bộ ven sông Bằng (Thành phố). Thí điểm mô hình nông nghiệp gắn với du lịch và thân thiện với môi trường (cây, con bản địa như: cá lồng, rau...).
Theo Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt Đào Văn Mùi, để sẵn sáng đón tiếp khách quốc tế và trong nước đến du lịch, tham quan, ngoài việc chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, Ban Quản lý xây dựng kế hoạch, phương án đón tiếp khách du lịch, yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, trang bị biển hướng dẫn, nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân, du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch.
Với sự chuẩn bị chu đáo của ngành du lịch nói chung và các địa phương nói riêng, Cao Bằng sẵn sàng mở cửa đón khách du lịch đảm bảo tiêu chí hấp dẫn, an toàn, khôi phục tăng trưởng ngành “công nghiệp không khói”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo kế hoạch tổ chức các hoạt động phục hồi và mở cửa du lịch tỉnh trong điều kiện bình thường mới, mục tiêu đón khách du lịch đối với khách quốc tế, từ nay đến hết tháng 5/2022, phấn đấu đón khoảng 1.000 lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 2 tỷ đồng. Từ tháng 6 đến hết năm 2022, phấn đấu đón khoảng 29.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 58 tỷ đồng. Đối với khách nội địa, từ nay đến hết tháng 5/2022, phấn đấu đón khoảng 154.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 57,2 tỷ đồng. Từ tháng 6 đến hết năm 2022, phấn đấu đón khoảng 29.500 lượt khách, doanh thu ước đạt 270 tỷ đồng.