Du lịch Cần Thơ: Kỳ vọng mới
07/02/2023 | 14:59Du lịch Cần Thơ đã có một năm thành công với lượng khách đạt 5,1 triệu lượt trong năm 2022 và tổng doanh thu đạt trên 4.100 tỉ đồng. Những tín hiệu tích cực này mở ra kỳ vọng mới cho ngành Du lịch thành phố trong năm 2023.
Kỳ vọng 2023
Năm 2023, ngành Du lịch thành phố đặt mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 2,7 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.580 tỉ đồng. Đồng thời, ngành Du lịch đề ra nhiều nhiệm vụ tập trung.
Đầu tiên là đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên khai thác các tiềm năng, thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước, du lịch MICE và các loại hình du lịch ưu thế khác (du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm…) và các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, cao cấp. Tập trung xây dựng, đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, góp phần đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Đổi mới, đa dạng hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hướng đến các thị trường trọng điểm phù hợp; đồng thời với đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Nghiên cứu, xây dựng các đề án, dự án mời gọi đầu tư phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch đường sông: cảng du lịch, bến tàu du lịch, du thuyền… quy mô, hiện đại.
Những nhiệm vụ trên được đặt ra nhằm giải quyết những vấn đề xuất phát thực tế thời gian qua cho thấy du lịch Cần Thơ có phát triển nhưng vẫn chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, hạn chế. Sản phẩm du lịch có đổi mới, nâng chất nhưng chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, nhất là sản phẩm, dịch vụ về du lịch nông nghiệp, du lịch đường sông. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế. Hạ tầng phục vụ cho du lịch vẫn còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Những đề xuất tâm huyết
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Sản phẩm du lịch miền Tây thuộc top 5 sản phẩm được yêu thích của công ty trong năm 2022, trong đó Cần Thơ luôn là điểm đến quan trọng trong các tour liên tuyến miền Tây. Nhằm nâng cao hiệu quả phát triển du lịch Cần Thơ và kết nối giữa các tỉnh, thành ĐBSCL, ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi cho rằng cần tập trung giải quyết các vấn đề: sự đồng bộ chính sách du lịch giữa các tỉnh, thành, kết nối về giao thông và cơ sở hạ tầng, quy hoạch và kết nối chuỗi sản phẩm du lịch”. Bà Lê Đình Minh Thy đề xuất địa phương cần tập trung làm rõ thế mạnh sản phẩm đặc trưng của mỗi nơi để liên kết thành chuỗi sản phẩm dịch vụ hấp dẫn hơn. Xây dựng phương hướng triển khai chuỗi liên kết sản phẩm tour tuyến du lịch theo chiều dọc qua các tuyến quốc lộ và liên kết theo chiều ngang thông qua các tuyến đường nội tỉnh hoặc đường thủy tại những địa phương đã kiểm soát tốt dịch vụ. Ngoài ra, để công tác triển khai liên kết tour tuyến giữa Cần Thơ các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL được hiệu quả, cần thành lập tổ công tác chung giữa các ban ngành hữu quan và các tỉnh, thành liên kết để giải quyết những vấn đề chung còn vướng mắc nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho ngành Du lịch phát triển trở lại. Bà Lê Đình Minh Thy cho biết thêm: “Hiện Vietravel đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Cần Thơ để xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch của thành phố, trong đó chúng tôi chú trọng hỗ trợ, tư vấn về hoạt động xây dựng sản phẩm, dịch vụ mang đậm bản sắc sông nước”.
Ông Trần Yên Vinh, Giám đốc khách sạn Mường Thanh, chia sẻ: “Với những lợi thế về du lịch sông nước, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi, nhất là có cảng hàng không quốc tế, Cần Thơ được coi là điểm sáng của du lịch MICE của ĐBSCL và của cả nước. Tuy nhiên, thách thức của phát triển du lịch MICE tại Cần Thơ là hạ tầng du lịch và nguồn nhân lực". Hiện Cần Thơ đang thiếu các trung tâm hội nghị, trung tâm triển lãm tổ chức những sự kiện có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc tế. Nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế, do kỹ năng nghề, ngoại ngữ còn hạn chế. "Du lịch MICE là thế mạnh của Cần Thơ và nên được đầu tư nhiều hơn, do đó tôi cho rằng địa phương nên có những chính sách thu hút các nhà đầu tư vào Cần Thơ thực hiện các dự án lớn như: tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp, khu vui chơi giải trí theo chủ đề, các công viên thiết kế đẹp mắt… để phục vụ cho khách du lịch MICE. Quan tâm đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Khách du lịch MICE thường có chi tiêu cao và có số lượng lớn, vì thế nếu phát triển du lịch MICE sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại Cần Thơ và góp phần gia tăng về kinh tế”, ông Trần Yên Vinh nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng: “Sản phẩm du lịch mới là điều tiên quyết quyết định du lịch địa phương có phát triển hay không. Sản phẩm du lịch không chỉ chú trọng yếu tố chất lượng dịch vụ, mà còn phải tạo mối liên kết về tinh thần, tình cảm với du khách, khơi gợi cảm xúc thì du khách mới quay lại. Vì thế, việc xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng với mỗi địa phương phát triển du lịch. Đối với Cần Thơ, tôi cho rằng phải làm sao giữ cho được Chợ nổi Cái Răng vì nó là nét văn hóa rất đặc trưng của Cần Thơ và ĐBSCL. Chính Chợ nổi Cái Răng mới là lực kéo du khách đến Cần Thơ”.
Chia sẻ về thực trạng gìn giữ, bảo tồn Chợ nổi Cái Răng, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng, cho biết: “Địa phương đã gần như hoàn thành các phần việc trong 13 hạng mục của Đề án Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. Địa phương đang tham mưu, trình UBND thành phố để điều chỉnh đề án phù hợp với thực tế; đồng thời chúng tôi cũng đưa ra những nhiệm vụ giải pháp đến năm 2030. Mục tiêu là có những giải pháp duy trì ổn định hoạt động mua bán trên sông, tìm đầu ra ổn định cho nông sản tại chợ nổi để giữ chân thương hồ, phát triển thành chợ đầu mối, duy trì điểm trung chuyển hàng hóa nông sản của vùng. Để làm những phần việc này phải có sự chung tay phối hợp giữa các ngành, các cấp của thành phố từng bước tháo gỡ khó khăn”.
Năm 2023 được dự báo vẫn là năm khó khăn của ngành Du lịch vì sự phục hồi của các doanh nghiệp vẫn chậm, nguồn nhân lực du lịch thiếu trầm trọng và thị hiếu của khách du lịch cũng liên tục thay đổi. Ngành Du lịch TP Cần Thơ cũng đã chủ động đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp tập trung cho xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, định hướng tập trung cho du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, sinh thái, MICE… Đồng thời phối hợp các đơn vị có liên quan, tham mưu đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới, kết nối với các thị trường khách du lịch có tiềm năng. Nâng cao chất lượng, tăng tần suất các đường bay hiện đang khai thác tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ. Song song đó, ngành Du lịch thành phố cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; phối hợp với các sở, ngành hữu quan tham mưu, đề xuất những cơ chế, chính sách đầu tư phát triển du lịch.
Với sự chủ động này, kỳ vọng trong năm 2023 du lịch thành phố sẽ có thêm nhiều chuyển biến tích cực, nhất là tạo được sức hút với du khách quốc tế, đẩy nhanh tiến độ phục hồi thị trường quốc tế cho du lịch Cần Thơ.