Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Du lịch Cà Mau - đổi mới để vươn lên

22/10/2021 | 09:18

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành du lịch Cà Mau đã chịu nhiều ảnh hưởng, các hoạt đồng gần như “đóng băng”. Để chủ động thực hiện một số hoạt động, từng bước kích thích, khôi phục du lịch trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch cụ thể phục hồi, phát triển du lịch những tháng cuối năm, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.

Du lịch Cà Mau - đổi mới để vươn lên - Ảnh 1.

Du khách tham quan biểu tượng mũi tàu Cà Mau. Ảnh tư liệu: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Đổi mới để vươn lên

Du lịch sinh thái Mũi Cà Mau là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích về phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa, giúp bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của con người và vùng cực Nam Tổ quốc.

Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch COVID -19, ngành du lịch nói chung, những người làm du lịch Mũi Cà Mau nói riêng, bị thiệt hại nặng nề. Để duy trì và phát triển du lịch "hậu COVID-19", ngành du lịch Cà Mau đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời cùng các doanh nghiệp du lịch Ðất Mũi đưa ra các phương án, sẵn sàng mở tour, tuyến đón khách tham quan trở lại. Trong đó, Khu du lịch Hoàng Hôn, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển là một trong những điểm làm du lịch sinh thái cộng đồng Mũi Cà Mau tiên phong mở tour, tuyến tham quan, trải nghiệm thực địa Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Loại hình này là điểm nhấn quan trọng, góp phần cùng với ngành Du lịch Cà Mau đưa địa danh Ðất Mũi đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Văn Hôn, Giám đốc Công ty Hoàng Hôn, dù trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả các hoạt động đều gián đoạn nhưng các nhà làm du lịch sinh thái cộng đồng Ðất Mũi đều chủ động tính đến các phương án dịch vụ đầu tư khai thác các tuyến mới tham quan Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau sau dịch. Đây là tín hiệu tích cực tạo cho du khách có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc tham quan, trải nghiệm khi đến với Ðất Mũi.

Ông Nguyễn Văn Hôn chia sẻ: Trong bối cảnh mọi hoạt động du lịch đều ngưng trệ thì những người làm du lịch chúng tôi vẫn luôn chủ động tự đổi mới mình. Trong đó, không những chủ động trong thực hiện công tác phòng, chống dịch, mà còn chủ động cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng dịch vụ, lên kế hoạch mở thêm nhiều tour, tuyến tham quan cho du khách… Những người làm du lịch thường xuyên kết nối, trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng chuyên môn để cập nhật thông tin, từ đó kịp thời nắm bắt tình hình ngay khi ngành du lịch mở cửa trở lại sẽ sẵn sàng đón khách một cách an toàn, chủ động. Để ngành du lịch Ðất Mũi nói riêng, ngành du lịch Cà Mau nói chung trở thành điểm đến an toàn thì chiến lược tiêm vaccine cho toàn dân cần đẩy mạnh hơn nữa.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cà Mau cho biết, dù các hoạt động du lịch tạm ngưng nhưng ngành du lịch đã tận dụng “khoảng nghỉ” này để tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn chỉnh trang, cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm du lịch mới tại các điểm du lịch, hộ du lịch cộng đồng, cơ sở lưu trú du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tạo niềm tin về độ an toàn cho du khách khi đến với Cà Mau. Ngành sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình phòng, chống dịch không chỉ trên địa bàn mà ở tất cả các địa phương khác để có thể đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các công ty lữ hành không nhận khách, tạm đóng cửa, chỉ duy trì hoạt động nội bộ cầm chừng. Trong thời gian này, ngành du lịch tập trung thực hiện và hướng dẫn thủ tục hỗ trợ khó khăn cho hướng dẫn viên du lịch theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành du lịch trên toàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở lưu trú nhằm duy trì tiêu chuẩn đã được công nhận, xếp hạng và đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch; triển khai rộng rãi đến các đơn vị trong toàn ngành về việc đảm bảo chất lượng hoạt động du lịch. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, các khu, điểm du lịch tăng cường trang thiết bị, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, tinh thần trách nhiệm và văn hóa giao tiếp để phục vụ tốt khách du lịch.

Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, dù trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh, trong 9 tháng của năm 2021, lĩnh vực du lịch đã tổ chức nhiều lớp tập huấn như: Marketing điểm đến du lịch, bồi dưỡng về phát triển du lịch nông nghiệp với các học viên là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, khu - điểm du lịch và các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh. Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau thường xuyên hướng dẫn bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh viên tại Khu du lịch và một số hộ cộng đồng; cập nhật, điều chỉnh thông tin, nội dung thuyết minh các điểm tham quan trong Khu du lịch…

Song song với đó, các hoạt động truyền thông, quảng bá du lịch Cà Mau cũng được tăng cường qua các trang thông tin điện tử; tiếp tục duy trì và phát triển Cổng thông tin du lịch Cà Mau, các trang mạng xã hội; kiểm tra, sửa chữa các bảng quảng cáo du lịch trên các tuyến đường; hỗ trợ các cơ sở hoạt động lĩnh vực du lịch quảng bá các dịch vụ qua Cổng thông tin du lịch…

Nhiều giải pháp phục hồi

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau thông tin: Ngành đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước kích thích, phục hồi hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, mục tiêu là nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương thời kỳ hậu đại dịch. Ngành du lịch sẽ rà soát và tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình xúc tiến du lịch, Chương trình Cà Mau điểm đến 2021 và các hoạt động trong những tháng cuối năm 2021; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển du lịch năm 2022. Trong đó, tập trung công tác chuẩn bị các điều kiện, phối hợp thống nhất giữa các đơn vị có liên quan, đảm bảo công tác tổ chức an toàn, chuyên nghiệp, tiết kiệm, hiệu quả. Các sự kiện, hoạt động quảng bá, xúc tiến gắn với công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời. Đặc biệt, các hoạt động được triển khai phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, phù hợp trong điều kiện "bình thường mới”.

Theo đó, đối với cơ sở lưu trú, khu, điểm, hộ kinh doanh du lịch phải đảm bảo các tiêu chí: Cơ sở được quản lý an toàn, cơ sở phục vụ khách an toàn, điều kiện làm việc của nhân viên an toàn và tiếp nhận khách an toàn. Công ty lữ hành phải đảm bảo các tiêu chí: Phòng, chống dịch an toàn; đón khách an toàn; điều kiện làm việc của nhân viên an toàn; điều kiện tổ chức tour an toàn. Về lao động, việc làm thì sẽ rà soát, nắm bắt tình hình nhân sự, tuyển dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau chủ động trong việc chỉnh trang cơ sở vật chất, tuyển chọn nguồn nhân lực, sáng tạo xây dựng sản phẩm mới để thúc đẩy khôi phục thị trường du lịch sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ổn định.

Dự kiến trong 7 ngày cuối tháng 11 và đầu tháng 12, Cà Mau sẽ tổ chức chuỗi các sự kiện: Cuộc thi chạy Marathon tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau với chủ đề “Kết nối đường Hồ Chí Minh huyền thoại” Cà Mau 2021. Cùng thời gian, địa điểm này là “Ngày hội ẩm thực Ðất Mũi”. Tiếp nối là sự kiện “Ngày hội cua Năm Căn gắn với văn hoá ẩm thực Cà Mau” được tổ chức tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn.

Theo kế hoạch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau sẽ tổ chức đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Cà Mau (đợt 2) nhằm xúc tiến du lịch, quảng bá giới thiệu hình ảnh, văn hóa, con người và các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau dành cho đại diện các công ty lữ hành, cơ quan báo, đài… Ðặc biệt, cuối tháng 10 này, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh sẽ tổ chức không gian nghệ thuật và trưng bày - triển lãm do Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ðoàn Cải lương Hương Tràm, Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao thành phố Cà Mau phối hợp xây dựng chương trình và tổ chức biểu diễn hằng tuần...

Trong 4 tháng qua, ngành du lịch tỉnh Cà Mau gần như “đóng băng” vì đại dịch, thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu du lịch. Theo kế hoạch, năm 2021 Cà Mau sẽ đón khoảng 1.860.000 lượt du khách. Đến thời điểm này, tổng lượt khách đạt trên 670.000 lượt, đạt 36% so kế hoạch năm.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×