Du lịch Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre đang dần hoạt động trở lại
08/05/2020 | 07:57Sau thời gian tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, du lịch Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau đều đã sẵn sàng để khởi động lại trên cơ sở thích ứng với bối cảnh mới, đề cao an toàn phòng dịch
Bạc Liêu
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, du lịch (DL) Bạc Liêu vừa được UBND tỉnh cho đón khách trở lại. Theo đó, một yêu cầu tối cần thiết mà các điểm tham quan, cơ sở kinh doanh dịch vụ DL cần làm là tuân thủ nghiêm các quy định, biện pháp phòng chống dịch COVID-19, lấy sự an toàn của du khách là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Vào ngày 25/4, các điểm tham quan và cơ sở kinh doanh - dịch vụ DL đã bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại. Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra khi tình hình dịch COVID-19 ở nước ta nói chung, Bạc Liêu nói riêng đã được kiểm soát tốt. Đặc biệt, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch xếp vào nhóm các địa phương có nguy cơ thấp.
Trong bối cảnh cả nước chuyển sang giai đoạn phòng chống dịch dài hơi, Bạc Liêu hạ quyết tâm dồn nguồn lực thực hiện mục tiêu kép, vừa làm tốt việc phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó DL là một trong 2 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất cần được khôi phục.
Theo ghi nhận từ báo Bạc Liêu, trong những ngày qua, có rất ít du khách đến với các điểm tham quan, cơ sở kinh doanh - dịch vụ DL trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Đây cũng là tình trạng chung của DL cả nước do phần đông người dân vẫn còn tâm lý ngại đi xa, nhất là những nơi tập trung đông người. Tuy nhiên trong dịp lễ 30/4 và 1/5, một số điểm DL tiêu biểu như: Khu Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, chùa Hưng Thiện, Điện gió Bạc Liêu, nhà thờ Tắc Sậy… đã đón khá đông khách DL đến tham quan, hành hương, vui chơi, mua sắm. Có điểm thu hút từ vài trăm đến hơn 1.000 lượt khách/ngày.
Lượng khách đông dần là tín hiệu đáng mừng cho ngành DL sau khoảng thời gian trì trệ, chịu nhiều thiệt hại, nhất là sụt giảm rất lớn về doanh thu. Song song với niềm vui, điều đáng lo nhất là tình trạng khó kiểm soát, quản lý đối với những điểm tham quan có đông du khách. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành chức năng, chính quyền địa phương và các điểm tham quan, cơ sở DL.
Bên cạnh đó, một số điểm tham quan, cơ sở kinh doanh DL khác cũng tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Đó là tiến hành vệ sinh, khử trùng khuôn viên điểm DL, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách, các nhà hàng, điểm vui chơi - giải trí trong thời gian tạm ngừng hoạt động. Còn trong những ngày mở cửa trở lại, các điểm DL luôn tuân thủ việc không tập trung quá 30 khách cùng lúc; hệ thống khách sạn, nhà nghỉ DL chấp hành nghiêm việc hướng dẫn du khách khai báo y tế, lưu thông tin du khách, nhất là khách nước ngoài.
Ngăn ngừa hiệu quả dịch bệnh lây lan trong các lĩnh vực nói chung, DL nói riêng là vấn đề hết sức quan trọng đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Bạc Liêu. Nếu sức hấp dẫn của các điểm DL là điều kiện cần thì đảm bảo an toàn phòng chống dịch là điều kiện đủ để DL Bạc Liêu tạo được lòng tin, sự yên tâm cho du khách.
Bến Tre
Sau khi UBND tỉnh bến Tre có chủ trương tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các khu du lịch (DL), điểm DL trên địa bàn tỉnh Bến Tre được hoạt động trở lại với điều kiện phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Hầu hết các cơ sở DL, lữ hành, lưu trú, các điểm đến đều đã sẵn sàng để khởi động lại trên cơ sở thích ứng với bối cảnh mới, đề cao an toàn phòng dịch.
Homestay Ba Danh, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre ngay sau khi tỉnh cho chủ trương các điểm DL được hoạt động trở lại, đã thay đổi diện mạo mới. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Homestay Ba Danh tuân thủ nghiêm các hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của ngành chức năng. Đồng thời, cơ sở xem đây là thời điểm phù hợp để làm mới và mở rộng thêm không gian phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, Khu Du lịch Cồn Phụng (Ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành) là đơn vị đầu tiên công bố đón khách trở lại ngay sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh Bến Tre. Áp ngày lễ 30-4, 1-5, toàn thể nhân viên tập trung tổng vệ sinh toàn khu DL và bài trí lại các gian hàng, trang trí tiểu cảnh, vệ sinh các điểm vui chơi. Khu DL đang đầu tư xây dựng 10 phòng nghỉ cho khách lưu trú lại; chuẩn bị thêm các hoạt động giải trí mới, đầu tư khu trồng rau thủy canh, nuôi gà vườn, bè cá để sẵn sàng phục vụ du khách với những sản phẩm DL mới mẻ, hấp dẫn hơn.
Khu DL Cồn Phụng cũng là nơi sớm chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch, như: cho nhân viên đeo khẩu trang, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, hạn chế đón khách ngay từ thời điểm đầu. Lãnh đạo quản lý khu DL đã xác định ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân viên và du khách tham quan. Không chỉ các điểm như Ba Danh hay Cồn Phụng mà hầu như các điểm đến, cơ sở lưu trú như homestay trên địa bàn tỉnh đều có sự chuẩn bị cho đơn vị của mình để thích ứng với bối cảnh mới, tình huống mới diễn ra.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cho biết, năm nay, số lượng du khách giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, ước khoảng 50 - 60%. Thị trường phân khúc du khách cũng có sự thay đổi, đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, chọn các điểm đến thoáng đãng, nhất là DL sinh thái, sông nước. Tâm lý du khách hiện nay chọn đi chơi ngắn ngày, xác định điểm đến theo tiêu chí vừa đảm bảo nhu cầu DL vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng.Chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, ngay từ đầu, ngành DL tỉnh đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, địa phương và của ngành đến các cơ sở kinh doanh DL, lữ hành, điểm đến, cơ sở lưu trú bằng nhiều hình thức như qua văn bản, qua email, mạng xã hội. Chính các cơ sở DL cũng chủ động cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh để có những chương trình, kế hoạch, phương án kinh doanh phù hợp.
Hiện nay, ngành du lịch Bến Tre đã triển khai các gói hỗ trợ của Trung ương, của ngành dọc cũng như của tỉnh đến các doanh nghiệp DL. Đối với thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh, ngành đang tập trung khảo sát, hướng dẫn, tư vấn kịp thời cho các cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện được hưởng gói hỗ trợ, góp phần vực dậy sau dịch.
Trong thời điểm hiện tại, công tác truyền thông quảng bá DL đến du khách cũng đang được chú trọng. Trung tâm Thông tin xúc tiến DL phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường truyền thông quảng bá hình ảnh DL sinh thái sông nước Bến Tre là điểm đến an toàn và chất lượng. Công tác liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh cũng đang được thúc đẩy để tạo ra các sản phẩm DL mới mang đặc trưng của khu vực và của từng địa phương
Thông tin từ Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre, đến 16 giờ ngày 1-5-2020, có 69/82 cơ sở lưu trú DL (45/47 khách sạn, nhà nghỉ; 24/35 homestay), 10/22 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; 40/47 khu điểm DL hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh đều nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo cũng như chỉ đạo của các ngành chức năng, địa phương về phòng chống dịch. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở DL đã chuẩn bị các điều kiện, tìm kiếm cơ hội để phục hồi và phát triển.
Cà Mau
Sau thời gian dài lắng đọng, du lịch Cà Mau đang dần hoạt động trở lại khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt. Các điểm du lịch trong tỉnh đa phần đã mở cửa hoạt động, một số công ty lữ hành đã hoạt động với hình thức tiếp nhận tour nội tỉnh. Sở VHTTDL Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và địa phương.
Theo Sở VHTTDL Cà Mau, tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên sự tác động của dịch bệnh nặng nề hơn, cụ thể như: các hoạt động phục vụ du lịch tạm dừng dẫn đến các cơ sở kinh doanh du lịch cắt giảm chi phí, người lao động bị mất việc làm; không có khách du lịch, không có thu nhập từ du lịch, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của các doanh nghiệp du lịch Cà Mau nói riêng. Ngoài ra, tình trạng khô hạn kéo dài cũng tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch. Vùng ngọt hóa của Cà Mau liên tục xảy ra sạt lở, sụp lún các tuyến đường giao thông, trong đó có các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch.
Trước đó, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Sở VHTTDL Cà Mau đã chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị các điều kiện phục vụ khách trong và ngoài tỉnh như: Đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn; niêm yết và bán đúng giá niêm yết đối với các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách. Đồng thời, tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19