Du lịch Bình Thuận bước vào giai đoạn mới
21/10/2021 | 13:17Bước vào giai đoạn mới, du lịch Bình Thuận đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Sau khi thông qua, tới đây nghị quyết về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) sẽ chính thức được ban hành.
Trong giai đoạn này, Bình Thuận tập trung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đón 8,9 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10 - 12%) và doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.300 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh khoảng 10 - 11%. Còn đến năm 2030, ngành "công nghiệp không khói" hướng đến những con số ấn tượng hơn: Đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 14 - 16%), doanh thu đạt 63.000 tỷ đồng và đóng góp vào GRDP khoảng 12 - 13%. Với 2 chỉ tiêu chủ yếu về lượng khách và doanh thu như vừa nêu, Bình Thuận đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 18 - 20% trong giai đoạn 2021 - 2025, ở giai đoạn 2026 - 2030 tăng bình quân từ 20 - 22%.
Kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ là có cơ sở, bởi Bình Thuận có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy du lịch vươn lên xứng tầm. Đó là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông (đoạn qua địa bàn tỉnh), Cảng hàng không Phan Thiết sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, điểm "nghẽn" về chồng lấn quy hoạch khai thác titan với quy hoạch du lịch cũng được tháo gỡ… Bên cạnh đó, nhiệm vụ và giải pháp đề ra nhằm tập trung phát triển du lịch Bình Thuận trong 10 năm tới cũng có một số điểm mới so các giai đoạn trước đây. Như xây dựng chuỗi đô thị du lịch ven biển đồng bộ, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch Bình Thuận và làm điểm nhấn thu hút đông đảo khách nội địa lẫn quốc tế.
Trong phát triển sản phẩm du lịch, địa phương tập trung đa dạng loại hình du lịch biển - thể thao - giải trí, văn hóa - tâm linh, chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng - MICE, du lịch sinh thái rừng - biển - đảo… Ngoài ra còn kêu gọi đầu tư và hình thành 1 bến du thuyền đẳng cấp quốc tế, tạo điểm nhấn thu hút du khách, đồng thời xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp dịch vụ vui chơi, giải trí, casino, thể thao cao cấp… Cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, du lịch địa phương cũng chú trọng phát triển thị trường khách nội địa, hợp tác với các nước Đông Nam Á mở tuyến bay thẳng quốc tế kết nối Bình Thuận, mở rộng thị trường khách quốc tế mới, tiềm năng.
Trước bối cảnh tác động của dịch bệnh và thiên tai khó lường, du lịch Bình Thuận sẽ phát triển theo hướng "an toàn - xanh - sạch", bền vững cũng như hoàn thiện, áp dụng các quy định phù hợp tình hình thực tế. Đặc biệt sau khi kiểm soát tình hình dịch Covid - 19, ngành du lịch đang chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phục hồi hoạt động, từng bước đón khách trở lại trong trạng thái bình thường mới. Từ những dự báo lạc quan cùng hàng loạt giải pháp vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế… du lịch Bình Thuận bước vào chặng đường sắp tới với sự tự tin và năng lượng tích cực ở tuổi 26.