"Du lịch an toàn" và "Số hóa" sẽ giúp ngành Du lịch Lâm Đồng nhanh chóng phục hồi
03/02/2022 | 13:17Mục tiêu năm 2022 của du lịch Lâm Đồng là đón 5 triệu lượt khách qua lưu trú và 150.000 lượt khách quốc tế; xây dựng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành Điểm đến "An toàn - Tiềm năng - Khác biệt". Thông qua việc thực hiện các giải pháp về "du lịch an toàn" và "số hóa" sẽ giúp ngành du lịch Lâm Đồng nhanh chóng phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Du lịch an toàn, hấp dẫn dịp Tết 2022
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau hơn 2 tháng mở cửa đón khách du lịch trở lại, ngành du lịch Lâm Đồng có dấu hiệu phục hồi tốt, lượng khách đến tham quan nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng đang tăng trưởng trở lại. Riêng tháng 12/2021, Lâm Đồng ước đón tiếp và phục vụ khoảng 160.000 lượt khách qua lưu trú, tăng gấp 3 lần so với tháng 11, và dự tính lượng khách du lịch đến Lâm Đồng sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới, đặc biệt vào dịp tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên Đán Nhâm Dần.
Nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phục hồi, duy trì hoạt động kinh doanh, vừa đảm bảo các điều kiện an toàn cho du khách và người dân trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp; ngành du lịch Lâm Đồng đã và đang chủ trương thực hiện phương châm "Vaccine - 5K - Công nghệ thông tin - Ý thức" trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Để đón tiếp và phục vụ khách trong dịp Tết Dương lịch năm 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngành đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch đầu tư, nâng cấp cảnh quan, bổ sung các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ với các chính sách giá cả ưu đãi để thu hút du khách.
"Hiện nay, ngoài việc tập trung khai thác các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh là du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch thể thao mạo hiểm; các đơn vị kinh doanh du lịch (đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành) đã nghiên cứu, xây dựng thêm các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, tham quan ngoài trời, trải nghiệm những nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, lối sống con người Đà Lạt - Lâm Đồng theo định hướng của ngành để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách" Ông Nguyễn Viết Vân nhấn mạnh.
Để tạo nên hành lang du lịch an toàn, nhằm hấp dẫn thu hút du khách đến Lâm Đồng; ngành sẽ chủ động kết nối, hình thành, phát triển tuyến, điểm an toàn liên vùng các với các địa phương như Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Đồng Nai, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An… dựa trên các chương trình liên kết phát triển du lịch đã được ký kết.
Điểm đến "An toàn - Tiềm năng - Khác biệt"
Theo ông Nguyễn Viết Vân, mục tiêu trong năm 2022 của ngành du lịch Lâm Đồng là đón tiếp và phục vụ 5 triệu lượt khách qua lưu trú và 150.000 lượt khách quốc tế; xây dựng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành Điểm đến "An toàn - Tiềm năng - Khác biệt"; thực hiện tốt mục tiêu kép phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, thích ứng an toàn linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19.
Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, ngoài việc chấp hành nghiêm các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch, cộng đồng dân cư và cán bộ nhân viên trong ngành du lịch.
Tỉnh Lâm Đồng xác định thị trường khách du lịch nội địa là thị trường khách chủ lực của tỉnh để tập trung khai thác. Riêng đối với thị trường khách quốc tế sẽ thực hiện theo hướng dẫn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Về sản phẩm du lịch: bên cạnh việc tập trung phát triển, khai thác các sản phẩm, loại hình du lịch như đã đề cập phía trên, ngành sẽ chú trọng hình thành các tour khép kín nhằm khôi phục và phát triển các chuỗi cung ứng du lịch dịch vụ theo tiêu chí đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động" - Ông Vân thông tin.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch để thu hút khách đến Đà Lạt - Lâm Đồng như Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX; Tuần lễ vàng du lịch; Lễ hội bay khinh khí cầu; Lễ hội Mùa hè; Lễ hội mùa đông; Liên hoan Hip hop, các nhóm nhảy và các giải thể thao như Giải đua xe đạp nữ Quốc tế Bình Dương mở rộng, Giải Xe đạp địa hình toàn quốc mở rộng, Giải Siêu Marathon Quốc tế Dalat Ultra Trail lần thứ IV, Giải Xe đạp cúp Truyền hình Tp HCM....
Tiếp tục tăng cường quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quảng bá, xúc tiến, truyền thông du lịch; cung cấp các thông tin với thông điệp "Du lịch Lâm Đồng - Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt"; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo du lịch an toàn đối với điểm đến; kết nối, giới thiệu, bán sản phẩm thuận lợi hơn trên môi trường mạng (hội chợ, diễn đàn giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến)...
Số hóa là xu hướng của Du lịch 2022
Giám đốc sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết, "số hóa" là một trong xu hướng và là giải pháp tối ưu đối với ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay. Việc thực hiện các giải pháp về "du lịch an toàn" và "số hóa" sẽ giúp ngành du lịch Lâm Đồng nói chung và các đơn vị du lịch nói triêng nhanh chóng phục hồi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong du lịch như việc triển khai đề án "Xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2018 - 2025"; với nhiều nội dung như: xây dựng cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách trên thiết bị di động; Bản đồ du lịch thông minh; Hệ thống phân tích du lịch thông minh…
Khách du lịch có thể truy cập vào: Cổng thông tin Du lịch – Dalatcity.org và Ứng dụng du lịch thông minh – DalatFowerCity để sử dụng các tiện ích và có thể liên hệ với các cơ quan chức năng qua số điện thoại đường dây nóng 19001067 để được hỗ trợ giải quyết các vấn đề phát sinh khi du lịch tại Đà Lạt - Lâm Đồng.
Triển khai phần mềm về quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; bên cạnh quản lý thống kê khách du lịch khi đến Lâm Đồng còn giúp thông tin kịp thời đến các đơn vị kinh doanh lưu trú những văn bản của ngành, đặc biệt là các hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống dịch, bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
"Trong thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai các nội dung liên quan đến số hóa bảo tàng, số hóa toàn bộ hệ thống danh lam thắng cảnh, khu điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch; quảng bá du lịch thông qua qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các sự kiện, hội nghị du lịch trực tuyến; giao dịch điện tử,…nhằm giới thiệu hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng đến khách du lịch trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Viết Vân cho biết./.