Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP

10/05/2023 | 15:09

Đồng Tháp là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản... cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ là những lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.

Từ 84 điểm du lịch nông nghiệp, đến nay, UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt, đưa vào hoạt động thêm 65 địa điểm mới.

Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Du khách đi thuyền tham quan vùng trồng bầu của Khu du lịch Trần Bá Chuốt, huyện Lai Vung. Ảnh tư liệu: Nguyễn Văn Trí/TTXVN.

Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, các điểm du lịch nông nghiệp trên địa bàn đang phát huy hiệu quả, thu hút du khách đến địa phương. Tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Khu Đồng Sen với các dịch vụ như: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản phẩm được chế tác từ sen... Nơi đây thu hút đông đảo khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào dịp cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ, Tết. Trung bình một tháng, các điểm tham quan ở Khu Đồng Sen tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 10.000 lượt khách.

Huyện Lai Vung đang phát triển hiệu quả các mô hình du lịch nông nghiệp tham quan vườn cây ăn trái như: trải nghiệm vườn quýt hồng, cam xoàn, thanh long, mận... Từ năm 2016 - 2021, các điểm tham quan nơi đây đã đón tiếp và phục vụ 189.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.

Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Du khách trải nghiệm thực tế, tham quan vườn xoài ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả như: Happyland Hùng Thy, Vườn kiểng Ngọc Lan, Khu Du lịch hoa kiểng Sa Đéc, Cánh đồng hoa Hồng Sa Đéc, Vườn hồng Tư Tôn, Vườn hoa và Nghỉ dưỡng Sa Nhiên. Địa phương có 4 điểm du lịch nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao như: Homestay Ngôi nhà Hoa và Ếch, Vườn kiểng Ngọc lan, Happyland Hùng Thy, Sa Nhiên Garden... Đây là các điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn. Đến đây, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần, kinh tế của từng loại hoa kiểng. Năm 2016 - 2022, các điểm tham quan trên địa bàn thành phố Sa Đéc đã đón và phục vụ hơn 3,6 triệu lượt khách; trong đó có 150.000 khách du lịch quốc tế. Doanh thu trên 115 tỷ đồng.

Ở huyện Lấp Vò, mô hình du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến tại Trang trại nông sản Đồng Tháp AQUA của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản Đồng Tháp AQUA rộng 1,3 ha đang phát huy hiệu quả. Tại đây, khu vực nuôi cá đặc sản nước ngọt và trồng các loại rau ăn lá, quả kết hợp với các dịch hấp dẫn du khách.

Mô hình du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quảng bá vùng đất, con người Đồng Tháp. Đồng thời, mô hình này tạo điều kiện hỗ trợ các điểm du lịch mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình kinh tế nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, đóng góp từ 5 - 6% GRDP cho tỉnh.

Đồng Tháp phát triển du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Người dân tham quan, chụp ảnh tại Lễ hội xoài Đồng Tháp năm 2023. Ảnh: Nhựt An/TTXVN

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, để phát triển du lịch nông nghiệp và giúp nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn nữa, thời gian tới, tỉnh cần định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao (như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực Sen). Tỉnh phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour, tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng …

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×