Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Nai: Tìm cách phát triển du lịch rừng

04/05/2024 | 16:40

Khai thác các sản phẩm du lịch dưới tán rừng để vừa bảo tồn, phát huy những giá trị từ rừng đang là xu hướng phát triển du lịch chung của Việt Nam cũng như trên thế giới.

Tại Đồng Nai, những giá trị từ rừng để khai thác du lịch đã được nhận diện. Nhiều dự án du lịch liên quan đến rừng như: Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le trên địa bàn huyện Xuân Lộc; Dự án du lịch tại Khu du lịch (KDL) Thác Mai – Bàu nước sôi của huyện Định Quán; Dự án theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030 tại huyện Vĩnh Cửu; những sản phẩm du lịch dưới tán rừng trên địa bàn huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu… đang được đẩy nhanh tiến độ để thực hiện.

Tiềm năng lớn

Đồng Nai đang là mảnh đất màu mỡ nhất khu vực Đông Nam Bộ về khai thác tiềm năng du lịch rừng với những dự án, sản phẩm du lịch liên quan đến rừng được quy hoạch, định hướng phát triển.

Từ năm 2023 đến nay, hàng loạt đề án phát triển du lịch có quy mô được tỉnh thông qua sau nhiều năm nghiên cứu, bàn bạc để tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật về sử dụng đất, khai thác tài nguyên du lịch dưới tán rừng. Những dự án du lịch cấp khu vực, góp phần gia tăng những giá trị kinh tế cho ngành Du lịch nói riêng và các lĩnh vực kinh tế, xã hội nói chung.

Đầu năm 2023, Đồng Nai phê duyệt Đề án du lịch tại Khu du lịch (KDL) Thác Mai - Bàu nước sôi (huyện Định Quán). Tuy nhiên, sau hơn 1 năm được phê duyệt, dự án vẫn chậm triển khai do còn vướng các quy định.

Đến cuối năm 2023, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) giai đoạn 2021-2030 tại huyện Vĩnh Cửu được UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi đề án được thông qua, Khu Bảo tồn đã tổ chức công bố rộng rãi những thông tin về đề án và đang mời gọi đầu tư các dự án.

Đồng Nai: Tìm cách phát triển du lịch rừng - Ảnh 1.

Khách du lịch tham gia tour đạp xe, khám phá rừng do Công ty TNHH Du lịch trải nghiệm Trị An Adventure tổ chức tại Khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai. Ảnh: N.Liên

Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa X, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Dự án Khu đô thị hồ Núi Le, huyện Xuân Lộc được cập nhật bổ sung vào danh mục dự án cần thu hồi đất để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Lê Kim Bằng, Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc cho biết, Dự án Khu đô thị hồ Núi Le nằm trong dự án Khu phức hợp, đô thị, sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan - hồ Núi Le, có tổng diện tích khoảng 1,2 ngàn hécta. Đây sẽ là dự án về du lịch lớn của Việt Nam và có vị trí thuận lợi vì nằm gần các tuyến cao tốc Bắc - Nam, Dầu Giây - Liên Khương, Sân bay Long Thành… Khi hoàn thành, KDL này sẽ là điểm dừng lý tưởng của du khách, góp phần vào phát triển cho du lịch địa phương. Do đó, ông Lê Kim Bằng cho rằng, khi dự án này đi vào hiện thực, chắc chắn du lịch Đồng Nai có sự bứt phá mạnh mẽ, có thể thu hút cả chục triệu lượt du khách đến tham quan.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH, Đồng Nai có nhiều lợi thế cạnh tranh về phát triển du lịch sinh thái rừng mà các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ không có được. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải cùng phối hợp để tham mưu lãnh đạo tỉnh tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách. Trong thời gian tới, Đồng Nai phải là tỉnh dẫn đầu trong thực hiện chiến lược bảo tồn và phát huy những giá trị từ rừng.

Chờ khai thác

Đồng Nai những năm qua dù chưa có những dự án du lịch được đầu tư với quy mô lớn nhưng vẫn nổi tiếng với các sản phẩm du lịch sẵn có. Trong đó, Vườn quốc gia Cát Tiên được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến với các tour khám phá rừng xanh và sự đa dạng sinh học. Khu vực rừng Mã Đà, hồ Trị An thuộc Khu bảo tồn, khu vực du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước sôi cũng là những điểm đến thu hút đông khách du lịch trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, do chưa được định hình rõ về các dòng sản phẩm du lịch, công tác quản lý du lịch chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng khiến cho tình hình khai thác, phát triển du lịch tại các địa phương còn mang tính manh mún, tự phát. Các quy định về an toàn, an ninh trật tự tại các điểm đến cũng như sự liên kết trong quản lý, giám sát hoạt động du lịch chưa phát huy hết hiệu quả.

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết, thời gian qua, các sản phẩm du lịch của Đồng Nai tuy có bước phát triển nhưng nhìn chung tính hấp dẫn chưa cao nên chưa tạo được chuỗi sản phẩm đặc trưng; các khu, điểm du lịch còn gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư sản phẩm, dịch vụ mới. Một số dự án trọng điểm chậm được triển khai do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đất quốc phòng, đặc biệt là các dự án liên quan đến đất rừng, thuê môi trường rừng… khiến cho nhà đầu tư cũng như các đơn vị liên quan mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục đầu tư.

Thời gian qua, tỉnh đã quy hoạch và mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào gần 10 dự án du lịch có diện tích, vốn lớn. Các dự án này cần hơn 1 tỷ USD để đầu tư và đa số là khai thác du lịch sinh thái rừng, hồ.

Bà Loan cho biết thêm, thời gian tới, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng phối hợp với các sở, ngành và các địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện các công tác quản lý và hỗ trợ cho phát triển du lịch. Tỉnh sẽ tháo gỡ nhanh những khó khăn để các dự án du lịch có thể triển khai đúng lộ trình.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đánh giá cao sự chủ động của các huyện, thành phố khi xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, du lịch. Phó chủ tịch UBND tỉnh lưu ý ngành du lịch cần quan tâm đến chất lượng khách du lịch đến Đồng Nai. Trong đó, tìm giải pháp tăng chi tiêu của khách du lịch, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng doanh thu từ du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa…

Đối với các dự án, sản phẩm du lịch sinh thái vườn, rừng còn vướng các quy định, đơn vị chức năng cần nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo tỉnh có hướng giải quyết vừa bảo đảm hoạt động du lịch có bài bản, vừa bảo đảm công tác quản lý, giám sát các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo Báo Đồng Nai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×