Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Nai: Tạo dấu ấn riêng cho Biên Hòa qua các tuyến đường văn hóa và ẩm thực

23/08/2024 | 16:13

Dự kiến đến cuối năm 2024, thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) sẽ triển khai xây dựng “Không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa” dọc theo tuyến đường Phan Trung. Song song đó, thành phố cũng lên kế hoạch hình thành Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, kết nối tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu

Đồng Nai: Tạo dấu ấn riêng cho Biên Hòa qua các tuyến đường văn hóa và ẩm thực - Ảnh 1.

Học sinh Trường tiểu học An Hảo (thành phố Biên Hòa) tìm hiểu gốm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai ngay tại trường học.

Người dân kỳ vọng khi các công trình trên đi vào hoạt động sẽ tạo được điểm nhấn đặc sắc cho thành phố, góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đồng thời quảng bá sản phẩm gốm Biên Hòa đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Thêm hương sắc cho phố thị

Để tạo thêm nhiều không gian văn hóa phục vụ người dân, UBND thành phố Biên Hòa dự kiến sẽ xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai có chiều dài hơn 5.000m gồm 2 phần. Phần 1 bắt đầu từ giao lộ đường Phan Chu Trinh - Nguyễn Văn Trị đến cầu Hóa An với các hạng mục: tranh ghép gốm, bình phong… tái hiện thời kỳ cổ đại đến trung đại và trọng tâm là thời kỳ khai khẩn xứ Đàng Trong. Phần 2 bắt đầu từ cầu Hóa An, sử dụng không gian cảnh quan ven sông đến cổng chào huyện Vĩnh Cửu sẽ tái hiện 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược; thành tựu lao động sản xuất, các đặc trưng văn hóa Nam Bộ như: đờn ca tài tử, cải lương, ẩm thực… Dự kiến con đường này thực hiện trong 3 giai đoạn, từ cuối năm 2024-2026.

Thông tin trên được nhiều người dân thành phố Biên Hòa đón nhận tích cực, ông Nguyễn Thanh Sơn (ngụ phường Tân Tiến) chia sẻ, ông rất vui khi biết tin tới đây Biên Hòa sẽ xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai.

“Nghề gốm ở Biên Hòa vốn đã có từ rất lâu đời với nhiều sản phẩm mang đậm chất văn hóa, nghệ thuật. Việc xây dựng con đường di sản với các hạng mục tranh ghép gồm sẽ góp phần làm đẹp cảnh quan, quảng bá thương hiệu gốm của Biên Hòa. Qua đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật gốm truyền thống của vùng đất hơn 325 năm hình thành và phát triển” - ông Sơn nói.

Bày tỏ niềm vui khi được biết ngoài Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, tới đây thành phố Biên Hòa sẽ chọn tuyến đường Phan Trung để xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa, bà Trần Thị Phượng (ngụ phường Thống Nhất) cho hay, bà rất ủng hộ việc này và mong thành phố sớm triển khai để Biên Hòa có thêm điểm vui chơi, giải trí, ẩm thực cho người dân. “Các công trình trên sẽ góp phần tạo thêm hương, sắc cho Biên Hòa, giúp trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài tỉnh” - bà Phượng bộc bạch.

Chia sẻ về việc xây dựng không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, dự kiến sẽ khởi động không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa vào cuối năm 2024. Thành phố khuyến khích các đơn vị tham gia bán các gian hàng ẩm thực; chỉnh trang lại tuyến đường Phan Trung; đưa các bảng, biển quảng cáo trên tuyến đường vào quy chuẩn; các dịch vụ văn hóa, ẩm thực không dùng tiền mặt; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh môi trường… Thành phố Biên Hòa sẽ khóa tuyến đường Phan Trung 1 lần/tháng để tổ chức các hoạt động, phục vụ nhu cầu văn hóa, ẩm thực của nhân dân và du khách tham quan.

Góp ý cho việc xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, mới đây tại buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn mỹ thuật thành phố, thạc sĩ Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho rằng, con đường di sản giống như công trình nghệ thuật nên khi xây dựng phải tính toán đến các điều kiện. Trong đó, phải có không gian văn hóa cho người dân đến vui chơi, thưởng lãm. Sau khi khảo sát mới tính đến lựa chọn phác thảo đặt ở những vị trí nào cho phù hợp để tạo điểm nhấn nổi bật, phù hợp với các thiết kế hiện có.

Cần có điểm độc đáo riêng

Liên quan đến việc triển khai xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ, hiện nay, do sự thay đổi trong nhu cầu và thị hiếu của người dân đã khiến nghề gốm dần suy thoái. Số lượng nghệ nhân ngày càng ít và kỹ thuật gốm truyền thống có nguy cơ bị thất truyền. Để bảo tồn và phát huy giá trị của nghề gốm, thành phố đã có nhiều hoạt động như: đưa sản phẩm gốm vào các không gian công cộng, di tích lịch sử và trường học... Từ đó khơi dậy sự quan tâm và niềm tự hào về di sản quý báu này.

“Kỳ vọng tới đây, Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan và quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật gốm truyền thống của vùng đất có hơn 325 năm lịch sử” - ông Nguyễn Xuân Thanh bộc bạch.

Có thể nói, việc triển khai xây dựng Không gian văn hóa ẩm thực Biên Hòa và Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai cho thấy sự nỗ lực của thành phố Biên Hòa trong việc tạo thêm các hoạt động văn hóa cho đô thị.

Với mong muốn các công trình trên sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống đô thị, tạo nên điểm nhấn đặc trưng cho Biên Hòa, chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, ông Đoàn Ngọc Thảo (ngụ phường Quyết Thắng) cho biết: “Trước khi xây dựng Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai, theo tôi thành phố Biên Hòa nên thông tin chi tiết về ý tưởng thiết kế con đường để lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng, tạo sự đồng thuận. Đồng thời tổ chức hội thảo, ghi nhận ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử”.

Theo ông Thảo, hiện nay tại thành phố Hà Nội cũng có một con đường gốm được xây dựng hoàn thành từ năm 2010. Con đường di sản Biên Hòa - Đồng Nai cũng có ý tưởng đưa sản phẩm gốm vào để quảng bá thương hiệu gốm Biên Hòa, vì vậy khi xây dựng cần lưu ý làm sao để các thiết kế không trùng lắp, để con đường thể hiện được những nét đặc trưng của gốm Biên Hòa.

Theo Báo Đồng Nai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×