Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Nai: Quan tâm trùng tu, tôn tạo và lập hồ sơ xếp hạng di tích

22/04/2024 | 15:22

Từ nay đến năm 2030, sẽ có nhiều di tích trên địa bàn tỉnh được lập hồ sơ xếp hạng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị.

Đồng Nai: Quan tâm trùng tu, tôn tạo và lập hồ sơ xếp hạng di tích - Ảnh 1.

Di tích Thành cổ Biên Hòa nằm trong kế hoạch trùng tu, tôn tạo giai đoạn 2024-2025. Ảnh: L.Na

Cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách, nhiều di tích đã và đang huy động các nguồn lực trong cộng đồng để trùng tu, tôn tạo di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và du khách thập phương.

* Nhiều di tích sẽ được trùng tu, tôn tạo

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân cho biết, thực hiện Nghị quyết số 12/NQ-TU ngày 12-12-2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, sở đã xây dựng các nội dung rất cụ thể, nhất là giai đoạn 2024-2025, có gần 30 đầu việc, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa.

Theo đó, sở sẽ hoàn thiện đề án quản lý, khai thác Văn miếu Trấn Biên; triển khai thực hiện kế hoạch trùng tu, tôn tạo di tích giai đoạn 2024-2028 (bảo quản, tu bổ, phục hồi 13 di tích quốc gia; hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi 17 di tích cấp tỉnh); trùng tu, tôn tạo các di tích quan trọng như Thành cổ Biên Hòa, địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài; chỉnh lý trưng bày và tu sửa cấp thiết một số hạng mục Nhà lao Tân Hiệp; khai quật và bảo tồn tại chỗ 2 di tích văn hóa Óc Eo gồm miếu Ông Chồn (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) và Đạ Mý (Vườn quốc gia Cát Tiên).

Phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, tiến sĩ NGUYỄN HỒNG ÂN cho hay, thời gian qua, các đơn vị, địa phương, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được phân cấp quản lý di tích thường xuyên phối hợp, thực hiện công tác kiểm tra, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Qua đó, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động lễ hội không đúng quy định tại các di tích.

Giai đoạn 2026-2030, ngoài trùng tu tôn tạo các di tích: Khu ủy miền Đông Nam Bộ; địa đạo Suối Linh…, sở sẽ xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia: miếu Tổ sư; Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 và U3; đình Phú Mỹ. Xây dựng hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962) và Lăng mộ Trịnh Hoài Đức.

“Hiện nay, di tích Văn miếu Trấn Biên đang được trùng tu, tôn tạo và sắp hoàn thiện. Dự kiến ngày 23-4 tới sẽ tổ chức nghiệm thu, đưa vào sử dụng, đón khách tham quan. Ngoài ra, việc trùng tu lăng mộ Trịnh Hoài Đức đang được UBND thành phố Biên Hòa triển khai, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 với nguồn kinh phí hơn 170 tỷ đồng” - ông Ân cho hay.

Mới đây, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có báo cáo UBND tỉnh đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích mộ, đền thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh Thiên Địa Hội (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa). Di tích trải qua thời gian, chịu tác động bởi các yếu tố tự nhiên hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Khu mộ và hệ thống cổng tường rào được xây dựng đã lâu, nhiều vị trí bị lún, nứt, cần được tu sửa cấp thiết để bảo tồn tối đa các yếu tố di tích gốc và an toàn cho người dân đến sinh hoạt tín ngưỡng.

* Lập hồ sơ, xếp hạng nhiều di tích

Hiện tại, Bảo tàng Đồng Nai đã lập hồ sơ, xếp hạng cấp tỉnh các di tích: đền Thủy Lâm Động (huyện Định Quán); khảo cổ Tân Lại và khảo cổ Long Hưng (thành phố Biên Hòa). Sở Văn hóa, thể thao và du lịch đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc đề nghị xếp hạng cấp tỉnh 3 di tích trên.

Đền Thủy Lâm Động (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) tồn tại gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân ở Túc Trưng từ lúc lập làng cho đến nay. Ban đầu đền chỉ là ngôi miếu nhỏ gần đồn điền Túc Trưng để thờ mẫu Liễu Hạnh và những người có công với đất nước. Trải qua nhiều tu bổ, tôn tạo, mở rộng diện tích, hiện đền đã có diện mạo khang trang với nhiều hạng mục như: tiền đền, động sơn trang, nhà khách…

Trong đền Thủy Lâm Động có gian thờ Trần Triều với chủ đạo là Vương Ông - Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, gian thờ Trần Triều còn thờ: Nhị vị Vương cô, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Hàng năm, vào các ngày 26-2, 20-8 và 20-9 âm lịch, đền Thủy Lâm Động tổ chức các lễ cúng, lễ hội Kỳ yên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân, cùng với việc quan tâm lập hồ sơ xếp hạng di tích, thời gian qua, các ngành, các cấp và ban quý tế các đình, chùa còn quan tâm tổ chức trùng tu theo phương thức xã hội hóa. Nhờ vậy, diện mạo di sản văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã và đang được bảo tồn, phát huy. Từ đó thu hút người dân và du khách đến với di tích, phát triển du lịch.      

Theo Báo Đồng Nai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×