Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đồng Nai: Khai thác tiềm năng không gian hồ Trị An

10/11/2023 | 14:42

Hồ Trị An thuộc H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất cả nước. Không chỉ giữ vai trò là nguồn cung cấp nước, hồ Trị An còn có nhiều lợi thế về phát triển du lịch dựa trên tiềm năng không gian mặt nước, không gian cảnh quan khu vực ven hồ.


Đồng Nai: Khai thác tiềm năng không gian hồ Trị An - Ảnh 1.

Khu vực hồ Trị An có nhiều tiềm năng lớn để phát triển, trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia

Trong quy hoạch phát triển tuyến sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn tỉnh, hồ Trị An được xác định là đoạn 2 của hành lang phát triển sông Đồng Nai.

Quy hoạch 4 không gian phát triển khu vực ven hồ

Trong phương án phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội thuộc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn lập quy hoạch đánh giá, hồ Trị An với diện tích mặt nước lên đến hơn 32 ngàn ha mang trong mình rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Cụ thể, với cảnh quan, hệ sinh thái mặt nước cũng như khu vực ven sông, hồ Trị An có tiềm năng “giữ chân” du khách nếu các điểm dừng nghỉ, vui chơi khu vực ven hồ được đầu tư đồng bộ.

“Chu vi đi theo đường bộ quanh hồ Trị An dài khoảng 120km. Với chất lượng đường hiện tại phải mất khoảng 12 giờ đi xe mới đi hết khu vực ven hồ. Do đó, nếu kết hợp tốt các điểm du lịch, khu dừng chân, nghỉ dưỡng, hồ Trị An có khả năng giữ chân du khách trong thời gian dài” - đại diện đơn vị tư vấn cho hay.   

Về định hướng phát triển du lịch hồ Trị An, liên danh đơn vị tư vấn cho rằng, đối với khu vực lòng hồ, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải bảo tồn không gian mặt nước, bảo tồn không gian nguồn nước, bởi hồ Trị An là nguồn cung cấp nước quan trọng cho khu vực lân cận. Đối với không gian khu vực xung quanh hồ Trị An, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành 4 không gian phát triển tương ứng với 4 cạnh: Bắc, Nam, Đông và Tây của hồ.

Cạnh phía Bắc của hồ tiếp giáp với không gian của Vườn quốc gia Cát Tiên nên sẽ được định hướng phát triển thành không gian du lịch khám phá. Với cạnh phía Tây, do không gian tiếp giáp rừng cũng như các làng văn hóa của các cộng đồng dân cư nên được định hướng phát triển trở thành không gian du lịch sinh thái kết hợp du lịch khám phá.

Trong khi với cạnh phía Đông, định hướng phát triển được đưa ra là sẽ ưu tiên phát triển các hình thức du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng và du lịch thể thao. Riêng với cạnh phía Nam là khu vực tiếp giáp với các đô thị phát triển năng động nên sẽ hình thành không gian đô thị dịch vụ du lịch. Đây cũng được định hướng là điểm đến để đón tiếp khách du lịch đến với vùng hồ Trị An.

Cùng với đó, với không gian ven hồ Trị An, đơn vị tư vấn đề xuất xem xét phát triển các loại hình du lịch cao cấp như du lịch sân golf. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch này cần được cân nhắc kỹ, nhất là khoảng cách phát triển so với khu vực lòng hồ để bảo vệ nguồn nước.

Đưa hồ Trị An trở thành điểm đến du lịch

Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch hồ Trị An, ngoài việc quy hoạch các không gian phát triển du lich, việc tăng cường kết nối giao thông cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Trong phương án phát triển du lịch hồ Trị An, đơn vị tư vấn cho hay, việc kết nối giao thông phải được thực hiện ở cấp độ nội tỉnh và cấp vùng.

Theo đó, đối với khu vực nội tỉnh, khu vực hồ Trị An cần được kết nối với cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và sân bay Biên Hòa cũng như với Vườn quốc gia Cát Tiên và tuyến du lịch ven sông Đồng Nai.

Đối với cấp độ vùng, để khai thác hết tiềm năng của hồ Trị An, khu vực này cần được kết nối với tuyến du lịch từ TP.Hồ Chí Minh đến TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Đồng thời, kết nối không gian hồ Trị An với khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi, chỉ khi có các kết nối đó mới có thể tạo ra một mạng lưới du lịch không chỉ ở cấp độ vùng tỉnh Đồng Nai, mà còn là ở cấp độ vùng TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, khu vực hồ Trị An sẽ trở thành một điểm đến trong hệ sinh thái du lịch cấp vùng.

Đánh giá về phương án quy hoạch của đơn vị tư vấn, Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan cho rằng, để phát huy đúng vị thế của hồ Trị An trong phân bố không gian vùng du lịch của tỉnh, hồ Trị An phải được quy hoạch trở thành một vùng du lịch riêng.

Theo bà Loan, hiện trong quy hoạch phát triển du lịch, khu vực ven hồ Trị An đã được quy hoạch trở thành một trong 7 điểm du lịch cấp quốc gia của vùng Đông Nam bộ. Do đó, nếu không quy hoạch khu vực hồ Trị An trở thành một vùng phát triển du lịch riêng, về sau sẽ rất khó khăn khi xây dựng đề án phát triển điểm du lịch cấp quốc gia hồ Trị An.

“Chúng tôi đã góp ý trong phân bố không gian vùng du lịch của tỉnh sẽ bao gồm 5 vùng, trong đó khu vực hồ Trị An là một phân vùng” - bà Lê Thị Ngọc Loan cho biết.  

Đồng thuận với kiến nghị này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, hiện Bộ VHTTDL đã có định hướng phát triển khu vực hồ Trị An trở thành điểm du lịch cấp quốc gia.

Theo Báo Đồng Nai

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×