Đồng Nai: Khai thác “báu vật” hồ Trị An
19/06/2024 | 14:13Hồ Trị An là một trong 5 điểm của vùng Đông Nam Bộ được Chính phủ quy hoạch phát triển thành khu du lịch (KDL) quốc gia.
Để khai thác, phát triển KDL quốc gia theo quyết định quy hoạch của Chính phủ, hồ Trị An cần được ưu tiên đầu tư đồng bộ; quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy phát triển du lịch theo tiêu chí KDL quốc gia.
“Gánh” nhiều trọng trách với miền Đông
Hồ Trị An là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với diện tích trên 32 ngàn hécta, thuộc địa giới hành chính các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán.
Hồ Trị An có vai trò điều tiết nước để phục vụ cho việc sản xuất điện của Nhà máy Thủy điện Trị An và là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất công, nông nghiệp của người dân 3 tỉnh, thành lớn nhất miền Đông là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai. Bên cạnh những nhiệm vụ quan trọng, hồ Trị An còn là điểm đến du lịch có nhiều tiềm năng để mời gọi đầu tư, khai thác và phát triển du lịch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH nhấn mạnh, không gian rừng, hồ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được đánh giá là lá phổi của miền Đông. Do đó, trong quá trình khai thác tuyệt đối không thực hiện các tuyến đường xuyên rừng, quan tâm đầu tư, khai thác tuyến đường quanh hồ, quanh rừng, vừa phát triển du lịch, vừa tăng cường bảo vệ rừng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà nhận định, cùng với những lợi thế về vị trí, vai trò của mình từ nhiều năm qua, hồ Trị An còn là điểm có thể kết nối với các tuyến đường giao thông như: đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, khu vực ngã tư Dầu Giây của huyện Thống Nhất và gần với Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Do đó, trong khai thác, phát triển du lịch thời gian tới, hồ Trị An khá thuận lợi cho cả khách nội địa lẫn khách du lịch quốc tế muốn tìm đến hồ Trị An.
Ông Hà cho rằng, hồ Trị An là một “kho báu” mà hơn 3,2 triệu dân Đồng Nai cần phải biết đến. Việc tuyên truyền, giáo dục đến các thế hệ học sinh Đồng Nai về hồ Trị An là rất cần thiết, nhằm lan tỏa thông tin, góp phần thu hút đầu tư đối với các dự án du lịch trên hồ Trị An trong thời gian tới.
“Bản thân tôi, đây là lần đầu tiên được khám phá hồ Trị An một cách toàn diện nhất và cũng là lần đầu tiên nhận ra được những giá trị của hồ trên địa bàn Đồng Nai” - ông Hà chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương, từ nhiều năm nay, huyện đã nhận diện tiềm năng của hồ Trị An nên đã sớm đề xuất quy hoạch những tuyến đường ven hồ, ven rừng, nhằm tìm kiếm nhà đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch của hồ. Ông Phương cho rằng, việc phát triển du lịch sinh thái rừng, hồ Trị An theo quy hoạch bài bản vừa tạo điều kiện cho du lịch phát triển, vừa giúp cho người dân ven hồ có thể khai thác, góp sức cho ngành du lịch địa phương.
Khai thác tiềm năng du lịch hồ Trị An
Với lợi thế về cảnh quan, sinh thái tự nhiên rừng - hồ, cùng công trình thủy điện hồ Trị An đã mang đến cho huyện Vĩnh Cửu những thế mạnh về du lịch sinh thái hồ, rừng độc đáo mà ít nơi nào có được.
Thực tế thời gian qua, du lịch ven hồ Trị An có sự phát triển khá mạnh, trong đó mô hình kinh doanh du lịch cắm trại, trải nghiệm chèo thuyền, sup trên hồ đã thu hút ngày càng đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch mới chỉ mang tính tự phát, thiếu sự quy hoạch, phát triển đồng bộ, do còn vướng các quy định.
Cuối năm 2023, UBND tỉnh ban hành Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Hiện khu bảo tồn đang hoàn thiện các bộ tiêu chí để mời gọi nhà đầu tư.
Để khai thác những giá trị, tiềm năng du lịch của hồ Trị An, mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã có chuyến khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch trên hồ. Qua chuyến khảo sát, Bí thư Tỉnh ủy đã nhận định, hồ Trị An tuy có nhiều lợi thế về du lịch nhưng lâu nay không làm du lịch được là do chưa thực hiện tốt việc quy hoạch. Nếu không có quy hoạch thì không thể hình thành được các dự án, như vậy sẽ không thể kêu gọi nhà đầu tư. Vì vậy, lãnh đạo các địa phương có quản lý diện tích hồ Trị An cần thống nhất không gian phát triển du lịch. Sau đó, tỉnh và địa phương bàn bạc, cập nhật kịp thời vào quy hoạch tỉnh để triển khai các dự án trong thời gian tới, đặc biệt là các tuyến đường ven hồ, ven rừng; dự án khu nuôi động vật bán hoang dã (safari)…
Theo Bí thư Tỉnh ủy, khu vực ven hồ Trị An là một hệ sinh thái độc đáo, thuận lợi để phát triển du lịch, nếu khai thác xứng tầm sẽ không thua kém hệ sinh thái biển. Thế nhưng, trước khi thực hiện các dự án du lịch phải tính tới ổn định dân cư; đồng thời, xác định rõ những vị trí nào thực hiện dự án, cần thu hồi đất, có thông báo rõ cho người dân, nhất là những đối tượng thuộc diện thu hồi đất để thực hiện dự án.