Đồng Nai bảo tồn, phát huy giá trị di tích
01/04/2021 | 08:28Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Đồng Nai, thời gian qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức thực hiện, trong đó có lập hồ sơ khoa học phục vụ xếp hạng di tích.
Các di tích được xếp hạng đã và đang góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị của di tích.
* Nhiều di tích được xếp hạng
Từ cuối năm 2020, Đồng Nai có 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa, bao gồm: đình Bình Thiền (P.Quang Vinh), đình Phước Lư (P.Quyết Thắng), đình Hưng Phú và đình Thành Hưng (P.Hiệp Hòa). Các di tích này đã được UBND TP.Biên Hòa long trọng tổ chức lễ công bố và trao bằng xếp hạng, không chỉ tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử mà còn nhắc nhở các thế hệ hôm nay nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Trưởng ban quý tế đình Thành Hưng Nguyễn Minh Hoàng cho biết, trước khi đình được công nhận là di tích cấp tỉnh, ban quý tế và bà con địa phương đã cố gắng gìn giữ các yếu tố gốc của đình, duy trì lễ cúng kỳ yên hằng năm. Đình Thành Hưng hiện lưu giữ sắc thần Thành hoàng Tân Hưng (trước đây thuộc đình Tân Hưng) suốt gần 200 năm qua. Đây là bảo vật thiêng liêng được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ. Ngoài sắc thần, hệ thống hoành phi, đối liễn, bao lam, hương án… được chạm khắc tinh vi, sắc sảo mang tính nghệ thuật cao cũng được nhân dân địa phương bảo lưu nguyên vẹn.
“Đình Thành Hưng vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, vừa là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu của ngôi đình Nam bộ. Bà con chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi khi ngôi đình được công nhận di tích cấp tỉnh. Trong thời gian tới, Ban quý tế đình sẽ tiếp tục nỗ lực tổ chức các hoạt động, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của đình; cùng với chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa của địa phương” - ông Hoàng bày tỏ.
Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận di tích cấp tỉnh Địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú). Đêm 27-3-1941, tổ chức Đảng tại nhà tù Tà Lài do 8 đồng chí: Dương Quang Đông, Trần Văn Giàu, Trần Văn Kiệt, Trương Văn Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức, Tô Ký, Châu Văn Giác đã vượt ngục thành công. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam bộ, đánh dấu tinh thần kiên cường, đấu tranh cách mạng bền bỉ của những đảng viên cộng sản. Ngày nay, địa điểm này đã trở thành “địa chỉ đỏ”, là minh chứng để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, ý thức nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện của thế hệ hôm nay và mai sau.
Tính đến ngày 31-12-2020, toàn tỉnh đã kiểm kê hơn 1.500 di tích phổ thông, 400 ngôi nhà cổ, mộ cổ… trong đó, có 61 di tích đã được xếp hạng (gồm 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh). Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh Địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài; hoàn thành kế hoạch lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh đình Phước Nguyên (xã An Phước, H.Long Thành); hoàn thành kế hoạch việc lập hồ sơ xếp hạng cấp tỉnh di tích Suối Linh, Đồi Phòng Không (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu), trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
* Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Theo Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân, các di tích xếp hạng cấp tỉnh trên địa bàn thành phố vừa qua là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đặt ra những trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Do đó, UBND TP.Biên Hòa giao cho Phòng Văn hóa - thông tin phối hợp với Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao tham vấn ý kiến chuyên môn của Sở VH-TTDL, Bảo tàng tỉnh kịp thời tham mưu, đề xuất UBND TP.Biên Hòa thực hiện chức năng quản lý nhà nước, đề ra các phương án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
“Trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích, TP.Biên Hòa đặc biệt chú ý công tác xã hội hóa; xây dựng nhiều chương trình hoạt động cụ thể; khôi phục lại các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống… tạo điều kiện cho người dân và du khách tham quan, tìm hiểu và học tập, nghiên cứu. Qua đó, phát huy tốt nhất giá trị di tích” - ông Tân nói.
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, việc công nhận các di tích là cơ sở pháp lý để ngành Văn hóa và các địa phương tiến hành những bước tiếp theo nhằm trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Trong thời gian qua, ngành Văn hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh các quyết định công nhận di tích cấp tỉnh.
“Các di tích được công nhận là di tích cấp tỉnh không chỉ là nguồn động viên cho các tầng lớp nhân dân mà qua đó góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, thu hút hơn nữa nhân dân và du khách tham quan” - ông Ân nhấn mạnh.
Yến Linh, báo Đồng Nai