Độc đáo Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản
09/07/2020 | 14:19Độc đáo Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản; Tọa đàm "Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX - XX - XXI"; Chương trình xiếc ''Biển đảo là quê hương'' tri ân chiến sĩ hải quân… là những thông tin văn hóa nổi bật sẽ diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Chương trình xiếc ''Biển đảo là quê hương'' tri ân chiến sĩ hải quân
Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020), Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức chương trình "Đi cùng năm tháng" số 3 với tên gọi "Biển đảo là quê hương", ra mắt khán giả vào 20h ngày 25 và 26/7, tại Rạp xiếc trung ương (67-69 Trần Nhân Tông).
"Biển đảo là quê hương" do NSND Tạ Duy Ánh chỉ đạo nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và đạo diễn nhằm tri ân những chiến sĩ hải quân và lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời giáo dục truyền thống cho các nghệ sĩ và khán giả trẻ.
Kinh phí thu được từ hoạt động bán vé sẽ dành tặng cho các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh… còn khó khăn.
Chương trình cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ gạo, cờ Tổ quốc, máy lọc nước mặn… tặng các chiến sĩ hải quân.
Triển lãm hội họa ''Khúc đồng dao''
Triển lãm cá nhân "Khúc đồng dao" của họa sĩ Đỗ Minh Tâm - họa sĩ trừu tượng được đánh giá là quan trọng hàng đầu của hội họa Việt Nam đương thời, sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 20/7, tại Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm).
Triển lãm lần này gồm hơn 50 tác phẩm hội họa sáng tác trong những năm gần đây của họa sĩ Đỗ Minh Tâm, gợi cảm giác thân thuộc, nhẹ nhàng về tuổi thơ và những ký ức đẹp.
Nhân dịp này, họa sĩ Đỗ Minh Tâm ra mắt cuốn sách đầu tiên về nghệ thuật của mình, bao quát hoạt động sáng tác của họa sĩ trong hơn 4 thập kỷ qua.
Họa sĩ Đỗ Minh Tâm, sinh năm 1963, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và nhiều năm là giảng viên hội họa của trường này.
Triển lãm búp bê truyền thống Nhật Bản
Sáng 11/7 tới, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam sẽ diễn ra Triển lãm "Búp bê truyền thống Nhật Bản".
Đây là lần thứ hai triển lãm được tổ chức. Triển lãm năm nay giới thiệu 32 búp bê truyền thống trong trang phục Kimono nổi tiếng của Nhật. Một số búp bê mô phỏng các nhân vật phổ biến trong kịch Noh và Kabuki của Nhật Bản.
Ngoài ra, triển lãm cũng trưng bày các loại búp bê bằng đất sét cũng như nhiều loại búp bê phổ biến khác của Nhật Bản.
Búp bê truyền thống là một trong những đặc trưng văn hóa nổi tiếng của Nhật Bản. Búp bê phản ánh những tập tục, tín ngưỡng trong đời sống của người dân Nhật Bản. Qua bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, búp bê mang những sắc thái biểu cảm và hình thức vô cùng phong phú.
Trong buổi khai mạc, tại triển lãm còn có hoạt động mặc thử trang phục truyền thống mùa hè Yukata của Nhật Bản và gấp giấy nghệ thuật origami.
Triển lãm diễn ra đến hết ngày 10/8, tại 27 Quang Trung, Hoàn Kiếm.
Tọa đàm "Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX - XX - XXI"
Ngày 11/7 tới, Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace), Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế và Công ty CP sách Thái Hà tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Khơi nguồn văn hóa nghệ thuật thế kỷ XIX - XX - XXI" tại hội trường của Viện, số 24 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của dịch giả, TS Lê Đức Quang - Giảng viên Đại học Huế; Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng - Phân viện trưởng, Phân viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Thái Hà Books.
Cuốn sách "Hồi ức về kinh thành Huế" đầu thế kỷ XIX của Michel Đức Chaigneau (1803-1894) ghi lại những ký ức về kinh thành Huế của một người mang hai dòng máu Pháp - Việt. Tác giả là con của một vị quan người Pháp và một phụ nữ Huế, chào đời và lớn lên tại Kinh thành Huế trong hơn hai mươi năm đầu của thế kỷ XIX, dưới hai triều đại đầu tiên của nhà Nguyễn, suốt thời gian trị vì của vua Gia Long và năm năm đầu thời gian trị vì của vua Minh Mạng.
Thông qua hồi ức của Michel Đức Chaigneau, người đọc ngày nay có thể hình dung ra diện mạo của kinh thành Huế xưa và vùng lân cận, với toàn bộ đời sống sinh hoạt từ hoàng cung cho tới làng quê bình thường, tiếp cận thêm một tài liệu đáng tin cậy, vẽ lên bức tranh về Huế xưa, góp phần tìm hiểu mối quan hệ Pháp - Việt đa chiều, với những góc cạnh đặc thù. Từ đó cho người đọc thêm hình dung, lý giải về những đụng độ va chạm sau này trong mối bang giao Pháp - Việt đầy duyên nợ.
Bên cạnh đó, chương trình còn đấu giá ba ấn bản Trúc chỉ Hồi ức về kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ số tiền đấu giá sẽ được dùng để ủng hộ Quỹ Văn hóa Huế.