Doanh nghiệp du lịch ở Đà Nẵng “hiến kế” giải pháp giúp du lịch vượt qua khó khăn, thu hút du khách
20/02/2020 | 14:19Cần tăng cường cao nhất quảng bá các hình ảnh, video trực quan sinh động, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến đáng tin cậy, an toàn...
Như Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng chịu nhiều thiệt hại. Đứng trước tình hình đó, một số doanh nghiệp du lịch đã đưa ra nhiều giải pháp để hút khách du lịch đến với Đà Nẵng, bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Doanh nghiệp du lịch cần tiếp cận thông tin chính thống về dịch Covid-19
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần sự kiện và Du lịch Kết Nối Mới ( NECOTOUR), doanh nghiệp du lịch căn cứ các thông tin chính thống của nhà nước Việt Nam và chính quyền TP Đà Nẵng để xác nhận và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng một cách chính xác đến các đối tác lữ hành tại nước ngoài rằng Đà Nẵng nói riêng cũng như Việt Nam nói chung đã đang và sẽ kiểm soát rất tốt tình hình dịch bệnh.
"Đà Nẵng là cửa ngõ của miền Trung nhưng vẫn là điểm đến an toàn và các ca xét nghiệm nghi nhiễm đều âm tính, kèm hình ảnh nhiều đoàn khách quốc tế hiện tại đang tham quan, giải trí tại Đà Nẵng để tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho du khách đã đặt tour từ trước và du khách có ý định du lịch trong thời gian đến", ông Tài nói.
Ông Tài đề xuất, các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu điểm du lịch và các dịch vụ có liên quan nên ngồi lại với nhau càng sớm càng tốt để liên kết đưa ra các gói sản phẩm giảm giá, tăng chất lượng dịch vụ để kích cầu du lịch trong một thời gian nhất định.
"Đà Nẵng và các địa phương khác cũng nên có chính sách giảm giá vé tham quan tại các điểm tham quan du lịch, giảm thuế trong một thời gian nhất định cho đến khi ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi. Chi phí du lịch chủ yếu phần lớn là vé máy bay chiếm phần lớn chi phí cho chuyến đi, vì vậy các hãng hàng không nên có chính sách giảm giá mạnh và có chính sách linh hoạt trong thời gian này", ông Tài nói.
Chú trọng quảng bá điểm đến an toàn
Trong lúc đó, bà Trần Mỹ Quyên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Hành Hương Việt nhìn nhận, công tác quảng bá điểm đến cần phải chú trọng. Dù trong điều kiện bình thường hay trong giai đoạn có dịch bệnh, điều đầu tiên du khách muốn biết là Việt Nam nói chung, các địa phương phát triển du lịch Đà Nẵng có đạt được, có luôn là điểm đến đặc biệt, xinh đẹp, thân thiện và an toàn hay không? Vì vậy, cần tăng cường cao nhất quảng bá các hình ảnh, video trực quan sinh động, khẳng định Việt Nam luôn là điểm đến đáng tin cậy và thu hút như vậy.
"Phải chia sẻ thường xuyên hình ảnh con người Việt Nam gần gũi với du khách, chung tay giúp du khách giữ gìn sức khỏe tốt khi du lịch tại quên hương mình", bà Quyên nói.
Bà Quyên cho hay, bên cạnh đó phải củng cố và phát huy các nguồn lực du lịch: Trong mỗi thách thức sẽ tìm thấy cơ hội; đây cũng là thời gian củng cố, chấn chỉnh lại công tác quản lý ngành du lịch; quản lý của mỗi địa phương đối với hoạt động du lịch, đối với các công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn, phương tiện di chuyển, các điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, các điểm mua sắm, đội ngũ hướng dẫn viên… Từ đó yêu cầu mỗi đơn vị tự thân nỗ lực, hoạt động kinh doanh đúng luật pháp quy định, đảm bảo các điều kiện hoạt động trong tình trạng có dịch bệnh hiện nay và sau này.
Tăng cường tổ chức khảo sát thị trường mới, đầu tư khai thác có hiệu quả các điểm tham quan có tiềm năng nhưng chưa được nhiều người biết đến, theo đó quảng bá rộng rãi, thu hút du khách đến; đặc biệt lưu ý các điểm du lịch phát triển gắn liền với làng nghề, vừa bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, vừa thể hiện rõ bản sắc văn hóa của địa phương đó, vừa mang lại nguồn lực kinh tế cho các thành phần xã hội có liên quan hoạt động du lịch…
Tìm kiếm thị trường mới, thúc đẩy sự liên kết giữa các địa phương
Theo bà Quyên, ngành du lịch cần tiếp tục mở rộng thị trường inbound và outbound, tìm thêm các đối tác mới bên cạnh nguồn khách lâu đời như Trung Quốc, Hàn Quốc; tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành kết nối với các đối tác khác như Thái, Lào, Malaysia, Philipin, Ấn Độ, Nhật Bản…Thông qua việc tổ chức nhiều Hội chợ chuyên đề du lịch, các chuyến fam trip, các cuộc gặp gỡ cấp lãnh đạo nhà nước, các Hiệp hội du lịch của các địa phương…
Bên cạnh đó, thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch, cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các địa phương trong từng cụm du lịch, ví dụ như Huế - Đà Nẵng - Hội An - Mỹ Sơn; Hà Nội - Hạ Long – Sapa - Tràng An; Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên; Cao Bằng - Bắc Kạn - Hạ Giang; Sài Gòn - Nha Trang - Đà Lạt; các tỉnh miền Tây sông nước và Mũi Cà Mau…Để làm sao cho mỗi tỉnh, thành phát huy hết tiềm năng, đóng góp vai trò quan trọng trong chuỗi hành trình di sản hoặc hành trình văn hóa hoặc theo các cung đường du lịch được thông thoáng, thuận lợi, chặt chẽ và đặc sắc hơn.
"Riêng công ty chúng tôi thì tiếp tục tìm hiểu, khảo sát thực tế, tăng cường liên kết, kết nối với các đối tác tại các thị trường tiềm năng khác bên cạnh thị trường chính như Malaysia, Philippin, Myanma…; kích cầu hơn nữa du lịch tại thị trường nội địa; chuẩn bị các điều kiện để mở rộng thị trường inbound và outbound, giữ chặt mối quan hệ với các đối tác thường xuyên bằng việc trao đổi khách tại các địa phương… Trong quý I và quý II năm nay, chúng tôi sẽ đầu tư, tiến hành các đợt khảo sát thêm các dịch vụ cần thiết (nhà hàng, khách sạn, nhà xe); tham gia các hội chợ và diễn đàn về du lịch; tránh thiệt hại khi có rủi ro thiên tai dịch bệnh bằng cách tạo sự cân bằng hơn nữa giữa các dòng khách Thái Lan (hiện nay chiếm khoảng 60%) so với các nguồn khách khác như Lào, Malaysia, Philippin, Nội địa…", bà Quyên chia sẻ.
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng vẫn đang là điểm đến an toàn cho du khách. Ghi nhận đến sáng 19/2, trên địa bàn Đà Nẵng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Covid-19. Nhiều đoàn du khách Tây vẫn đang tham quan du lịch, nghỉ dưỡng ở phố biển Đà Nẵng và họ cảm thấy thoải mái.