Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Đình Vạn Phước (tỉnh Long An) đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh

15/03/2021 | 18:14

Ngày 14/3, tại xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước Long An) đã diễn ra lễ khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp cho Đình Vạn Phước.

Đình Vạn Phước (tỉnh Long An) đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh - Ảnh 1.

Lễ cắt băng khánh thành di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Vạn Phước mới được trùng tu, sửa chữa.

Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Đình Vạn Phước là một thiết chế làng xã truyền thống ở Nam Bộ, là cơ sở tín ngưỡng dân gian để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tinh thần của người dân. Đây còn là nơi lưu niệm 2 nhân vật lịch sử là Đốc binh Bùi Quang Diệu và Nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Đốc binh Bùi Quang Diệu (tức Quản Là) đã chỉ huy nghĩa quân đánh đồn Tây Dương của Pháp (ở huyện Cần Giuộc) vào đêm Rằm tháng Chạp năm 1861, từ đó nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết nên áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Cuối thế kỷ XIX, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tức thầy Ba Đợi) từ miền Trung mang tấm lòng yêu nước vào Nam truyền dạy nhạc tài tử, nhạc lễ. Trên nền tảng nghệ thuật truyền thống dân tộc và âm nhạc ngũ cung, âm nhạc cung đình, ông đã bổ sung, chấn chỉnh bộ môn nhạc Lễ, hệ thống lại một cách bài bản làm thành 20 bài bản tổ của âm nhạc tài tử Nam Bộ. Đồng thời, ông sáng tác bài bản mới, truyền dạy và đào tạo nên nhiều thế hệ tài năng, góp phần làm cho Đờn ca tài tử Nam Bộ đơm hoa, kết trái, ngày càng lan tỏa và có một sức sống kỳ diệu, trở thành di sản văn hóa của dân tộc. Dấu ấn và di sản của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại in đậm trên vùng đất Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.

Từ năm 1996, linh vị Nghệ nhân - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại được rước về Đình Vạn Phước để thờ phụng, tôn vinh. Từ đó đến nay, Đình Vạn Phước là nơi diễn ra hoạt động sinh hoạt, giao lưu đờn ca tài tử của tỉnh Long An và các tỉnh khu vực phía Nam vào dịp lễ húy kỵ Nghệ nhân - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (ngày 19 tháng Giêng). Hoạt động này đã trở thành truyền thống, là điểm sáng văn hóa của tỉnh và khu vực, góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể nhân loại Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đình Vạn Phước (tỉnh Long An) đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út trao bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Vạn Phước cho UBND xã Mỹ Lệ.

Với ý nghĩa và giá trị đó, Đình Vạn Phước đã được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo Trung ương đối với việc trùng tu, tôn tạo, nhằm bảo tồn và lưu giữ các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông để lại cho các thế hệ hôm nay tiếp nối và phát huy.

Năm 2020, sau khi vở cải lương “Thầy Ba Đợi” (tức Nghệ nhân - Nhạc sư Nguyễn Quang Đại) ra đời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ 2,8 tỷ đồng. Còn UBND huyện Cần Đước, UBND xã Mỹ Lệ vận động doanh nghiệp trong và ngoài huyện cùng nhân dân xã Mỹ Lệ ủng hộ hơn 2,3 tỷ đồng. Tổng số tiền hơn 5,1 tỷ đồng đã được sử dụng trùng tu, tôn tạo Đình Vạn Phước.

Đình Vạn Phước (tỉnh Long An) đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh - Ảnh 3.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao quà cho Quỹ khuyến học huyện Cần Đước.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành và đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh dành cho Đình Vạn Phước, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là phải làm cho di tích Đình Vạn Phước ngày một khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và những giá trị bền vững của văn hóa Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa của cha ông, cùng tạo nên nền tảng tinh thần và là động lực cho toàn dân tộc, đặc biệt là để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Theo TTXVN

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×