Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Định hướng bảo tồn, xây dựng hồ sơ Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn thành Di tích Quốc gia đặc biệt

07/04/2019 | 16:17

Ngày 10/4 tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ VHTTDL) phối hợp với UBND huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn sẽ tổ chức hội thảo Khu di tích lịch sử Chi Lăng, giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ trong nước nhằm đóng góp các tư liệu nghiên cứu để làm rõ giá trị lịch sử, vai trò của vùng đất Chi Lăng nói chung và Khu di tích lịch sử Chi Lăng nói riêng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các tham luận cũng nêu vấn đề xây dựng hồ sơ khoa học để trình Bộ VHTTDL xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu di tích lịch sử Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Từ đó, các tham luận cũng sẽ chỉ ra hướng bảo tồn, phát huy giá trị để Khu di tích lịch sử Chi Lăng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá lịch sử, văn hóa của mảnh đất nơi biên cương Lạng Sơn.

Định hướng bảo tồn, xây dựng hồ sơ Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn thành Di tích Quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Ải Chi Lăng nổi tiếng gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta

Chi Lăng, mảnh đất của những trang sử hào hùng

Theo ông Hoàng Minh Trường, Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy Chi Lăng, Chi Lăng vùng đất giàu truyền thống lịch sử anh hùng cách mạng, luôn gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Chi Lăng nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng sơn, cách trung tâm thành phố gần 40km, tổng diện tích tự nhiên trên 700km2, trong đó 83% diện tích là núi đá vôi và rừng, gồm 21 xã, thị trấn. Mật độ dân số gần 80.000 người, là nơi quần cư sinh sống của các dân tộc Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa…, trong đó chiếm phần đa dân số trong toàn huyện là dân tộc Nùng và Tày. Với vị trí đặc biệt quan trọng, là con đường huyết mạch ngoại giao duy nhất giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc, lịch sử và vốn sống lâu đời của người dân nơi đây đã để lại cho Chi Lăng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự, tốt đẹp được lưu truyền từ bao đời nay.

TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia cho biết, quá trình xây dựng và phát triển trải qua mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mảnh đất Chi Lăng luôn là biểu tượng của những chiến công hào hùng, làm rạng danh non sông đất nước. Với địa thế hiểm trở, núi rừng trùng điệp, đèo cao suối sâu nằm giữa vòng cung Đông Triều và Bắc Sơn, trên Thượng nguồn sông Thương, một bên là dãy núi Thái Họa Bảo Đài, một bên là dãy Cai Kinh sừng sững. Chính địa hình như vậy đã tạo cho Chi Lăng có một vị trí trọng yếu, là cửa ngõ chính ở phía Bắc tổ quốc, được ví như bức tường thành vững chắc của Kinh thành Thăng Long, là yết hầu của đất nước trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh xâm lược phương Bắc tràn sang. Chi Lăng chính là con đường độc đạo duy nhất khi phương Bắc muốn tiến sâu vào xâm lược nước ta.

Do vậy, các triều đại phong kiến đều chọn Chi Lăng là nơi quyết chiến với kẻ thù xâm lược phương Bắc.

Định hướng bảo tồn, xây dựng hồ sơ Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn thành Di tích Quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Những ngọn núi nơi đây gắn với những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt qua nhiều thế kỷ

Năm 981 Chi Lăng trong cuộc kháng chiến chống Tống lần 1. Năm 1077, thời nhà Lý, Phò mã Thân Cảnh Phúc, người thủ lĩnh dân binh cùng nhân dân địa phương vùng Chi Lăng đã góp sức đánh tan quân Tống xâm lược lần 2.

Thế kỉ thứ XIII, thế giới kinh hoàng trước vó ngựa đế quốc Nguyên – Mông, nhưng cả 3 lần xâm lược Việt Nam chúng đều bị đánh bại. Chi Lăng góp phần quan trọng vào những chiến thắng đó....

Đặc biệt, đến thế kỉ XV, ngày 10/10/1427, trên mảnh đất Chi Lăng, quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội, tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, chống quân xâm lược Nhà Minh, giành lại trọn vẹn non sông, đất nước.

Với ý nghĩa, giá trị lịch sử quan trọng như trên, ngày 26/4/1962, Khu di tích chiến thắng Chi Lăng được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu - khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Xây dựng hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt

Hiện nay, Khu di tích Chi Lăng trải dài gần 20km dọc theo thung lũng sông Thương, bắt đầu từ địa phận Sông Hóa đến giáp xã Mai Sao (km 100 - km 115 quốc lộ 1A Hà Nội - Lạng Sơn), trải dài địa phận 05 xã, thị trấn nhưng các điểm di tích tập trung chủ yếu thuộc hai xã Chi Lăng và Quang Lang của huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Khu di tích lịch sử Chi Lăng có giá trị vô cùng quan trọng trên mọi lĩnh vực: Quân sự, chính trị, văn hóa, lịch sử, đời sống và khoa học… chính vì vậy tỉnh Lạng Sơn luôn xác định công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và liên tục.

Từ năm 1982 tại chính khu vực thung lũng Ải, nơi chứng kiến các trận thắng của cha ông ta chống quân xâm lược phương Bắc đã được xây dựng 01 nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng với diện tích 25.000m2 tại Khu vực Thành Kho. Tuy tài liệu hiện vật còn khiêm tốn nhưng tại thời điểm đó không gian trưng bày cơ bản đáp ứng được nhu cầu học hỏi, nghiên cứu lịch sử tại khu di tích.

Định hướng bảo tồn, xây dựng hồ sơ Khu di tích lịch sử Chi Lăng, Lạng Sơn thành Di tích Quốc gia đặc biệt - Ảnh 3.

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Chi Lăng

Ông Hoàng Minh Trường cho biết: "Tỉnh Lạng Sơn cũng đã quan tâm đầu tư thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát huy giá trị của di tích trong phát triển du lịch. Ngày 15/11/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1697/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Chi Lăng tỷ lệ 1/2000, huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, ngày 11/4/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Đề án "Xây dựng và phát triển khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035" tại quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 11/4/2018. Đề án đã xác định nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo đồng thời phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với phát triển du lịch phải thực hiện đồng bộ".

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, để thu hút khách du lịch đến với Khu di tích Chi Lăng, cần những giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngoài chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, quảng bá, điều quan trọng là tập hợp các tư liệu lịch sử, văn hóa của vùng đất Chi Lăng, gắn lịch sử với các sản phẩm văn hóa của địa phương.

TS Nguyễn Văn Cường cho rằng, cần tiến hành xây dựng Hồ sơ khoa học và pháp lý để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Thủ tướng Chính phủ xem xét xếp hạng quần thể di tích Ải Chi Lăng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Vị thế, vai trò và ý nghĩa lịch sử, Khu di tích lịch sử Chi Lăng hứa hẹn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục lớp trẻ về truyền thống yêu nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm, về sự dũng cảm, mưu trí của các thế hệ cha ông đồng thời hội đủ các điều kiện cần thiết để trở thành điểm tham quan, học tập hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước./.

Hồng Hà

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×