Điện Biên: Yêu lịch sử, hiểu quê hương qua trải nghiệm thực tế
30/06/2022 | 11:32Dạy và học lịch sử sao cho hấp dẫn, lý thú, không nhàm chán; từng di tích, sự kiện lịch sử đến gần hơn với học sinh, để các em tiếp thu một cách tự nhiên mà nhớ lâu, nhớ sâu... Đó là trăn trở chung của xã hội, của những người làm giáo dục, cũng như người làm công tác di sản. Bởi vậy từ năm 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp về “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với các hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” giai đoạn 2020 - 2025.
Thực hiện chương trình đó, các đơn vị chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bao gồm: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ban Quản lý di tích, Bảo tàng tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực với nhiều tương tác, trải nghiệm cho đối tượng học sinh các trường trên địa bàn. Nội dung gồm các chương trình giáo dục, học tập lịch sử địa phương và các hoạt động trải nghiệm.
Được quan tâm và yêu thích nhất là chương trình trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” do Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Ban Quản lý di tích tổ chức. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mỗi năm tổ chức được 3 - 5 chương trình cho các trường THCS, THPT thuộc địa bàn thành phố và huyện Điện Biên. Khoác lên mình bộ quân phục, các em được hóa thân thành những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, trải nghiệm một phần vất vả, khó khăn của người Lính cụ Hồ thông qua các hoạt động: Nhập ngũ, hành quân thần tốc, nắm cơm chiến sĩ, đẩy xe đạp thồ vận chuyển lương thực, xếp nội vụ, đi tìm ẩn số... Qua đây cũng giúp các em dễ ghi nhớ những nhân vật, sự kiện lịch sử gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 5/2022, Trường THCS Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) có 2 khối học sinh (lớp 6 và lớp 9) được tham gia trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” tại 2 địa điểm khác nhau do 2 đơn vị trên tổ chức. Với từng độ tuổi, chương trình trải nghiệm sẽ có những nội dung khác nhau, phù hợp với sức khỏe và kiến thức của các em, nhưng đều mở đầu bằng hoạt động thiêng liêng nhập ngũ, tuyên thệ với 10 lời hứa danh dự của học sinh, dâng hương tri ân các liệt sĩ. Học sinh khối lớp 6 tham gia thi đẩy xe đạp thồ; xếp nội vụ; trải nghiệm làm và thưởng thức cơm nắm chiến sĩ... Học sinh lớp 9 đẩy xe đạp thổ, tham quan Bảo tàng để ghi nhớ dữ liệu, thông tin phục vụ cho “truyền tin đồng đội”, “em tập làm hướng dẫn viên”...
Em Sùng Thị Yến Nhi (lớp 9D1) chia sẻ: “Các hoạt động trong chương trình đã giúp em hiểu hơn phần nào sự vất vả, gian khó mà những người lính, người dân công hỏa tuyến để góp phần làm nên chiến thắng. Buổi trải nghiệm không chỉ cho em thêm nhiều kiến thức về Chiến dịch Điện Biên Phủ, quê hương Điện Biên mà còn nhiều cảm xúc trong vai trò 1 chiến sĩ nhí, người con cháu thế hệ sau”.
Tham gia trải nghiệm “Chúng em làm chiến sĩ Điện Biên” vào cuối tháng 5, 45 học sinh Trường THPT huyện Điện Biên đã trải qua hành trình với 3 hoạt động gồm: Theo dòng lịch sử; kể chuyện lịch sử và hoạt động hoạt náo (Vận chuyển bóng vượt chướng ngại vật; đánh nhanh thắng nhanh; bánh xe đồng đội). Thầy Giáo Hoàng Hữu Văn - Phó Bí thư Đoàn trường, đưa học sinh đi trải nghiệm chia sẻ: “Hoạt động này được cả học sinh và phụ huynh, nhà trường ủng hộ. Sau chương trình đầu tiên này, đoàn trường có thể sẽ xây dựng mục tiêu mới cho giai đoạn tới để hàng năm đưa các em về những địa chỉ đỏ, địa danh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh”.
Ngoài trải nghiệm trên, các đơn vị còn nhiều hoạt động nhận được sự quan tâm, ủng hộ tại các cơ sở giáo dục, như: Trưng bày lưu động về Chiến dịch Điện Biên Phủ, “Em tập làm thuyết minh viên”, tuyên truyền trưng bày về Chiến dịch kết hợp thực hành các trò chơi vận động liên quan tại trường học; thuyết minh, tuyên truyền, giáo dục lịch sử tại trường học... Cùng với đó, hàng năm đón hàng nghìn lượt học sinh các cấp, các địa bàn tới tham quan tại các bảo tàng, di tích lịch sử.
Riêng tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ đầu năm đến nay đón tiếp, phục vụ hơn 15.000 lượt học sinh các trường tới tham quan, gấp nhiều lần so với các năm trước do dịch Covid-19 đã được kiểm soát và khánh thành mới bức panorama tái hiện Chiến dịch. Bà Hoàng Thị Thoa, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chia sẻ: “Công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho các em học sinh luôn được Bảo tàng quan tâm, chú trọng. Vừa đảm bảo phục vụ tốt học sinh tới tham quan và các hoạt động tuyên truyền tại trường học, Bảo tàng còn luôn đổi mới chương trình trải nghiệm, từ những hoạt động cơ bản lên đa dạng, tương tác nhiều hơn, phù hợp với độ tuổi các em và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đơn vị. Nhờ đó các chương trình trải nghiệm nhận được sự quan tâm, đăng ký tham gia của nhiều trường học nhưng do một số khó khăn về kinh phí và nhân lực (đặc biệt năm nay lượng khách du lịch tăng kỷ lục) nên đơn vị không thể tổ chức hết cho tất cả các trường có nguyện vọng. Trong năm, chúng tôi vẫn tiếp tục cân đối, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tuyên truyền giáo dục lịch sử tại các trường học, thực hiện kế hoạch đề ra từ đầu năm về trưng bày tư liệu lịch sử và tổ chức trò chơi liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ tại một số trường học huyện Mường Nhé và Tuần Giáo...
Với các hoạt động trên, các học sinh trong tỉnh ta, kể cả những huyện vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận gần hơn với các di tích trên địa bàn; có cơ hội tham quan, trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm các em trong gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử; cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng.