Điện Biên: Giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
30/11/2020 | 14:15Ðể các di sản văn hóa phi vật thể vừa được bảo tồn vừa đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng luôn là vấn đề được các cấp, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trong thời gian qua được tỉnh ta quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Cuối tháng 9 vừa qua, lễ Pang Phoóng (lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng, xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðiều này khiến người dân nơi đây vô cùng phấn khởi bởi đó là sự ghi nhận nỗ lực giữ gìn, bảo tồn lễ hội văn hóa bao đời của họ. Lễ hội vốn được tổ chức từ xa xưa, thường diễn ra 3 ngày (tổ chức vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch); chứa đựng nhiều nghi thức dân gian sinh động; có ý nghĩa gần giống lễ tạ ơn của một số dân tộc thiểu số khác. Hàng năm, trước khi thu hoạch vụ mùa, người Kháng nơi đây tổ chức lễ hội để tạ ơn tổ tiên, trời đất phù hộ một năm mưa thuận gió hòa, dồi dào sức khỏe và cầu xin những điều may mắn, tốt đẹp. Ðây được xem là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Kháng nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc; gửi gắm niềm tin, cầu mong một cuộc sống bình an, sung túc và củng cố sức mạnh đoàn kết cộng đồng.
Ðể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, huyện Tuần Giáo thường xuyên tuyên truyền về công tác bảo tồn các nét văn hóa truyền thống đặc sắc tới cán bộ và nhân dân các dân tộc. Tập trung giữ gìn, khôi phục và duy trì các nét văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành điền dã, ghi hình thu thập thông tin, phục dựng, bảo tồn Lễ hội Cầu mùa dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt (xã Mường Mùn) và ghi hình điệu múa dân tộc Khơ Mú sinh sống ở bản Hua Ca (xã Quài Tở); Lễ hội Pang Phoóng của dân tộc Kháng tại xã Rạng Ðông; duy trì lễ hội dòng họ, tết Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Lễ hội Xên bản của dân tộc Thái... Phối hợp khảo sát, đưa vào kế hoạch phát triển du lịch của huyện những điểm có tiềm năng kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc để gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên điều trăn trở là đa số các lễ hội truyền thống dân tộc đã bị mai một. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí dành cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm tới công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể của các dân tộc địa phương...
Hiện nay ngoài 10 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh ta còn có 37 lễ hội truyền thống (trong đó có Lễ hội Hoa Ban là lễ hội cấp tỉnh); 28 nghệ nhân ưu tú là những người am hiểu về các giá trị văn hóa truyền thống và trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số tỉnh triển khai xây dựng hồ sơ di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam”, di sản “Nghệ thuật xòe Thái” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tổ chức hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Xòe Thái”. Trong đó, di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được quan tâm triển khai. Ðến nay ngành đã tiến hành kiểm kê chi tiết về văn hóa dân tộc Dao, dân tộc Mông (gồm ngành Mông xanh và Mông đen). Tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hỗ trợ chế độ cho những nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc được quan tâm, triển khai thực hiện, nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật xòe truyền thống của dân tộc Thái cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, các đội văn nghệ thôn, bản, tổ dân phố; giáo viên, học sinh một số trường học; lực lượng vũ trang... được tổ chức thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trong tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; quá trình bảo tồn di sản văn hóa mới chỉ tập trung ở một số dân tộc, triển khai chưa đồng đều, chưa toàn diện. Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới chỉ được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã bị mai một, không được cộng đồng thường xuyên thực hành... Ðiều đó cho thấy ngành Văn hóa khó có thể “với” hết được đến tất cả các di sản mà muốn bảo tồn bền vững, phải bắt đầu từ cộng đồng. Song không thể thiếu được sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương. Nhất là các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ về vị trí, vai trò và giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ðồng thời cần đưa di sản văn hóa phi vật thể vào bảo quản trong các kho tư liệu, vào giảng dạy trong nhà trường, tổ chức sinh hoạt trong cộng đồng hay tại các bảo tàng và có chính sách, chế độ thỏa đáng cho các nghệ nhân, những cá nhân có công sức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.