Điện Biên: Du lịch vượt khó
09/01/2023 | 09:202022 là một năm khó khăn với ngành du lịch tỉnh khi liên tiếp chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Thế nhưng với nỗ lực của những người làm du lịch, ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh đã vượt qua khó khăn và đạt những kết quả tích cực.
Không khó để nhận ra, du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Nhìn lại đầu năm 2022, tác động của đại dịch tới ngành du lịch tỉnh nhà được thể hiện rõ qua các con số thống kê. Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch chỉ đạt 277.585 lượt, giảm 14,1%, khách quốc tế 320 lượt, giảm 2,4%; doanh thu từ hoạt động du lịch 478,7 tỷ đồng, giảm 9,85% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp du lịch phải thu hẹp hoạt động, doanh thu giảm mạnh, tạm thời bố trí cho nhiều nhân viên nghỉ việc, dẫn đến số lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch giảm rất mạnh...
Đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, tỉnh đã triển khai các giải pháp để nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đồng hành, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Cụ thể, ngành văn hóa nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngành văn hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời hướng dẫn các cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp du lịch thực hiện các thủ tục để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Công tác xúc tiến, quảng bá thu hút các doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch tổ chức các chương trình du lịch, tăng cường tuyên truyền du lịch Điện Biên là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện và mến khách cũng được đẩy mạnh. Đã tổ chức và đón 3 đoàn famtrip, bao gồm các doanh nghiệp lữ hành, phóng viên các cơ quan truyền thông ba miền Bắc - Trung - Nam thực hiện khảo sát, tìm hiểu, nghiên cứu các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Cùng với các giải pháp trên, ngành đẩy mạnh liên kết, kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến. Thực hiện chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, đặc biệt là sự hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng trong việc xây dựng cơ chế chính sách, phát triển sản phẩm du lịch, tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch và đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Để sẵn sàng đón du khách tốt nhất khi dịch bệnh lắng xuống, ngành cũng đã tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện...
Điều đáng mừng là dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống vào giữa và cuối năm 2022, tạo thời cơ cho du lịch tỉnh nhà từng bước hồi phục và có bước tăng trưởng bứt phá ở giai đoạn bình thường mới. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xây dựng phương án linh hoạt trong tổ chức các hoạt động và thu hút khách du lịch. Có thể kể tới việc tỉnh nhà vượt qua khó khăn, tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban năm 2022; duy trì khai thác có hiệu quả đường bay Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh để thu hút khách du lịch... Đặc biệt, trong năm vừa qua, Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ được khánh thành; bức tranh Panorama về chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được đưa vào phục vụ khách tham quan là những điểm nhấn lớn của du lịch tỉnh nhà. Hai điểm đến mới này như “thỏi nam châm” thu hút du khách và được xem là những nơi “không thể không đến” khi đã đặt chân tới Điện Biên. Đầu tháng 10, Điện Biên đăng cai tổ chức thành công Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022 với 20 địa phương của 2 nước Việt - Lào tham gia, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, góp phần quảng bá vẻ đẹp của mảnh đất, con người Điện Biên.
Hòa chung không khí đó, nhiều địa phương trong toàn tỉnh cũng dồn sức cho du lịch phục hồi bằng việc duy trì, phục dựng tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Như Tủa Chùa tổ chức Tuần văn hóa, du lịch năm 2022 với các hoạt động hấp dẫn, trong đó có việc khai trương chợ đêm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Huyện Nậm Pồ cũng tận dụng lợi thế sẵn có, đưa bản Nà Sự, xã Chà Nưa trở thành bản du lịch cộng đồng, bước đầu cho những kết quả hết sức khả quan... Các huyện Điện Biên, Mường Ảng, TX. Mường Lay... duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các lễ hội thường niên, tạo sức hút với du khách...
Nỗ lực của những người làm du lịch đã mang lại kết quả khá thành công, vượt qua được thời điểm đầy khó khăn, thử thách như năm vừa qua. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt 810.000 lượt, tăng 3,85% so với kế hoạch năm (kế hoạch 780.000 lượt), tăng 2,35 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 345.000 lượt); trong đó khách quốc tế ước đạt 3.500 lượt, đạt 35% so với kế hoạch năm (kế hoạch 10.000 lượt); tăng 9,21 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 380 lượt). Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 1.384 tỷ đồng, tăng 2,52% so với kế hoạch năm (kế hoạch 1.350 tỷ đồng), tăng 2,46 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 562,1 tỷ đồng). Công suất sử dụng buồng, phòng bình quân trong năm đạt khoảng 70%. Số ngày lưu trú bình quân của khách (nội địa và quốc tế) đạt 2,5 ngày. Số lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch dần phục hồi với khoảng 8.000 lao động; trong đó, khoảng 3.500 lao động trực tiếp...
Có thể thấy rằng, đầu năm xuất phát gặp nhiều trở ngại nhưng ngành “công nghiệp không khói” tỉnh đã nỗ lực bứt phá để về đích với những con số đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Những kết quả đó tiếp tục đặt nền móng để sang năm 2023, du lịch tỉnh nhà có những bước tiến mới, dài và vững chãi hơn trên con đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.