Điện Biên: Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch
21/03/2018 | 14:46Là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở cực Tây của Tổ quốc, Điện Biên được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến là mảnh đất ghi dấu chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" - Chiến thắng Điện Biên Phủ; cùng với đó là sự đa dạng về văn hóa truyền thống của cộng đồng 19 dân tộc anh em và nhiều địa danh có thể đưa vào khai thác du lịch. Tận dụng những tiềm năng, lợi thế này, du lịch Điện Biên đã, đang có những chiến lược dài hạn để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói phát triển.
Năm 2017 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Điện Biên nói riêng, hoạt động du lịch năm 2017 đã có bước chuyển biến từ nhận thức đến hành động và phát triển theo chiều hướng tích cực, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động du lịch từng bước được các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch. Các sản phẩm du lịch đa dạng hơn, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái khám phá và tâm linh, tạo ra sự khác biệt và mang tính cạnh tranh với các địa phương trong khu vực.
Lượng khách đến đạt 600 ngàn lượt, trong đó khách quốc tế đạt 120 ngàn lượt. Tổng thu đạt trên 950 tỷ đồng. Số ngày lưu trú bình quân khách nội địa và quốc tế tăng hơn năm trước, đạt 2,4 ngày/người. Giải quyết nhu cầu việc làm cho trên 12 ngàn lao động, trong đó có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 7.000 lao động gián tiếp. Tính đến tháng 12/2017 số lượng cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch là 142 cơ sở với 2.163 buồng/3.823 giường, trong đó có 01 khách sạn 4 sao, 02 khách sạn 3 sao, 16 khách sạn từ 1 đến 2 sao, 86 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Hiện có 04 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 02 doanh nghiệp được Tổng cục Du lịch cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 02 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa.
Những kết quả đánh giá thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế. Ngành du lịch đã có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng, an ninh.
Phát huy những kết quả đã đạt được đồng thời đưa hình ảnh Điện Biên đến gần hơn với đông đảo du khách trong nước và quốc tế, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên Phạm Việt Dũng cho biết, thời gian tới ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên sẽ tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau đây:
Đồng chí Phạm Việt Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên. (Ảnh: NVCC)
Một là: Hoạt động xúc tiến, quảng bá phải có trọng tâm, trọng điểm. Áp dụng linh hoạt phương pháp truyền thống và phi truyền thống; coi trọng liên kết với các tỉnh, các ngành, các sự kiện văn hóa, thể thao, ngoại giao… để xúc tiến quảng bá rộng rãi, tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là: Ưu tiên xúc tiến quảng bá tập trung các tour, tuyến, điểm đến, sản phẩm và thương hiệu du lịch trọng điểm; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài ngành du lịch; huy động mọi nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả trong và ngoài tỉnh cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; có những hỗ trợ phù hợp nhằm giúp các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đạt hiệu quả thiết thực. Đồng thời, khai thác hiệu quả các kênh thông tin thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí, mạng xã hội, hãng hàng không Việt Nam.
Ba là: Gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại - đầu tư, các hoạt động đối ngoại, giao lưu văn hóa - thể thao; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường du lịch.
Bốn là: Đầu tư đổi mới thiết kế, maket các ấn phẩm du lịch như: Bản đồ du lịch, cẩm nang du lịch, đĩa DVD, VCD, bản tin du lịch, nội dung hình ảnh trên trang thông tin điện tử... phải được nghiên cứu, bổ sung nội dung, thay đổi hình thức để tạo sự hấp dẫn và phong phú, dễ tra cứu tìm hiểu. Cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của hoạt động du lịch tới cộng đồng dân cư địa phương để có được nguồn lực làm du lịch cộng đồng hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt chú trọng Xây dựng và phát triển hình thức marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch. Sản xuất các ấn phẩm, vật phẩm phục vụ xúc tiến du lịch cùng với việc tổ chức sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch. Đối với Điện Biên trong khi đầu tư cho tuyền truyền còn hạn chế trước mắt cần tận dụng tối đá sức lan tỏa của các mạng xã hội, các trang chia sẻ, các trang tìm kiếm như: facebook, vimeo, youtube, google, Zingme, tripadvisor….
Năm là: Tích cực tham gia, Tổ chức đưa, đón các đoàn Famtrip để nghiên cứu sản phẩm, kết nối tour, tuyến du lịch với các hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Tổ chức hội nghị liên kết doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Tham gia các hội chợ, các cuộc triển lãm về du lịch, hưởng ứng các sự kiện du lịch có uy tín...
Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Triển khai hợp tác với các trung tâm phát triển du lịch: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang để tăng cường nguồn khách và tư vấn hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Triển khai có hiệu quả các biên bản, ghi nhớ hợp tác giữa Điện Biên với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan, tỉnh Vân Nam Trung Quốc để lồng ghép các chương trình hợp tác và đề xuất nội dung hợp tác cụ thể hàng năm, khai thác thị trường truyền thống, phát triển mở rộng thị trường mới, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có tính đặc trưng, đa dạng.
Hy vọng, với những giải pháp tích cực trên đây, thời gian tới, du lịch Điện Biên sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ mang tính đột phá để trở thành một điểm du lịch lịch sử - văn hóa - sinh thái đặc sắc và hấp dẫn ở khu vực Tây Bắc.
Anh Vũ