Điện Biên: Chung tay xây dựng phát triển phong trào văn hóa đọc ở khu vực biên giới
22/03/2022 | 11:00Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc, giữ vị trí trọng yếu nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc, trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn rộng với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần còn gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển văn hóa đọc của tỉnh nhà. Nhiều năm qua, việc xây dựng đời sống văn hoá, đưa văn hoá - thông tin, tri thức về cơ sở, trong đó có phong trào đưa sách báo đến với đồng bào, chiến sĩ vùng cao biên giới luôn là một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Thư viện tỉnh Điện Biên đã không ngừng nỗ lực thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở VH,TT&DL và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2020 - 2022 và đã thu được một số kết quả nhất định.
Với nhận thức xây dựng tủ sách các đồn Biên phòng trở thành điểm sáng văn hóa nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ vừa xây dựng môi trường văn hóa với các mục tiêu lý tưởng của bộ đội Cụ Hồ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ; từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, tạo nên thói quen đọc sách báo cho đồng bào các dân tộc, xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh. Việc luân chuyển sách báo đến các Đồn Biên phòng được Ban Giám đốc Thư viện tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng.
Năm 2022, để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương tình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên các tuyến biên giới tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2020-2022”. Vào dịp cuối tháng 2 đầu tháng 3/2022, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại tỉnh, nhưng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Phát huy tinh thần Người chiến sĩ văn hóa, đoàn công tác Thư viện tỉnh không quản ngại đường xá xa xôi, đi lại khó khăn, leo đèo, lội suối mang sách, báo đến các chốt tiền tiêu của Tổ quốc, tạo ra ấn tượng tốt đẹp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc nơi biên cương. Đây là món quà tinh thần mà Thư viện tỉnh Điện Biên gửi tặng cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng nhân dịp kỷ niệm 63 năm Ngày Truyền thống Biên Phòng (3/3/1959 - 3/3/2022) và 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2022).
Đợt tặng sách lần này, Thư viện tỉnh Điện Biên đã tổ chức trao tặng nguồn sách hạt nhân và luân chuyển sách tới tủ sách 17 Đồn Biên phòng và 1 Tiểu đoàn huấn luyện cơ động thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh gồm: Nậm Kè, Mường Nhé, A Pa Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn, Na Cô Sa, Nà Hỳ, Nậm Nhừ, Nà Bủng, Si Pa Phìn, Huổi Puốc, Mường Nhà, Tây Trang, Pa Thơm, Mường Pồn, Thanh Luông, Mường Mươn và Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động.
Theo Chương trình công tác, buổi chiều 27/02/2022 khi đến thăm và tặng sách tại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, đoàn công tác Thư viện tỉnh đã dành thời gian đến dâng hương tại tượng đài Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ - Người anh hùng gắn liền với lịch sử Đồn Biên phòng Leng Su Sìn. Anh là một người lính nhưng đã hóa thân thành người thầy, người cha, người anh, người bạn của đồng bào các dân tộc nơi biên cương. Khi sự sống đang sinh sôi nơi tận cùng ngã ba biên giới Tây Bắc thì anh Trần Văn Thọ vĩnh viễn ra đi vào một ngày mùa thu tháng 8. Thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, tấm gương lớn về nhân cách, công lao của Anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Thọ vẫn luôn được đồng bào dân tộc Hà Nhì và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn luôn ghi nhớ, truyền dạy cho các thế hệ con cháu, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng Bộ đội Biên phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên đối với những người làm công tác Thư viện. Bởi địa chỉ xe thư viện lưu động hướng đến đều là những nơi vùng sâu, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, nơi người dân ít có cơ hội được tiếp cận với sách và internet. Tại mỗi điểm đến phục vụ, ngoài việc giao lưu, tặng sách phục vụ cơ sở, đoàn công tác Thư viện tỉnh còn hướng dẫn các chiến sĩ quản lý tủ sách các Đồn Biên phòng xây dựng, sắp xếp tủ sách khoa học, hợp lý; đồng thời tranh thủ khảo sát thực trạng nhu cầu bạn đọc sách, báo ở các Đồn Biên phòng và nhân dân sinh sống trên địa bàn các Đồn để có kế hoạch phối hợp đầu tư xây dựng tủ sách cho các Đồn Biên phòng cho phù hợp.
Có thể thấy việc luân chuyển sách, báo đến tủ sách các Đồn Biên phòng của Thư viện tỉnh đã góp một phần không nhỏ vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng cao biên giới; nâng cao hiệu quả sử dụng sách, báo đáp ứng tốt nhất nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, học tập và thông tin giải trí cho cán bộ chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, chung tay xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở khu vực biên giới, làm cho dải biên cương trở thành tuyến văn hóa thực sự lành mạnh, phong phú. Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Điện Biên đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 10/12/2014 của Tỉnh ủy.
Những kết quả đạt được nêu trên cho thấy, việc xây dựng và nâng cao chất lượng phong trào đọc sách và làm theo sách báo của cán bộ, chiến sĩ các Đồn Biên phòng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới là một nhu cầu cần thiết trong tình hình hiện nay. Sách báo thực sự là người bạn, là công cụ đắc lực giúp phục vụ nhiệm vụ công tác tuyên truyền và phát triển văn hóa đọc trên địa bàn.
Với những kết quả đó, trong những năm tới, để phát triển Văn hóa đọc được được lan tỏa rộng khắp, Thư viện tỉnh Điện Biên xác định cần tập trung cho việc củng cố, duy trì và phát huy tác dụng của tủ sách các Đồn Biên phòng. Ngoài việc tổ chức luân chuyển thường xuyên sách báo cho tủ sách các Đồn Biên phòng, Thư viện tỉnh sẽ phối hợp tổ chức phục vụ thư viện lưu động nhằm thu hút bạn đọc sử dụng sách báo ngày càng đông, đảm bảo duy trì tủ sách hoạt động thường xuyên, luôn bổ sung được những sách báo mới, cần thiết, phát huy tác dụng của tủ sách đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở vùng cao biên giới.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vẫn còn một số khó khăn nhất định. Điển hình như trình độ dân trí của người dân khu vực biên giới còn thấp, nhu cầu văn hóa đọc của người dân chưa cao, do đó hoạt động của các tủ sách vẫn chưa phát huy hết tác dụng. Mặt khác, vốn sách, báo của các tủ sách còn hạn chế, nội dung chưa phong phú... cán bộ phụ trách các tủ sách Đồn Biên phòng là người kiêm nhiệm, lại thường xuyên thay đổi (do yêu cầu và nhiệm vụ), nên chưa thực sự phát huy được hết hiệu quả và tác dụng của sách báo.
Hy vọng rằng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp từ Trung ương đến địa phương về mọi mặt để thực hiện có hiệu quả về chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, phát triển văn hóa đọc và nhu cầu học tập suốt đời của các tầng lớp Nhân dân; từng bước củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của tủ sách các Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh với mục tiêu trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa, giải trí, chính trị - pháp luật, khoa học - kỹ thuật, vừa kết hợp hài hòa giữa thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phát triển văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên địa bàn, góp phần chung tay xây dựng phát triển văn hóa đọc ở khu vực biên giới và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Quốc gia./.