Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/4/2020

03/04/2020 | 12:18

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý 2020 bảo đảm sự trang trọng, thành kính, hạn chế số lượng đại biểu tham dự; Việt Nam đoạt giải Vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế; các cầu thủ đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm với cộng đồng là thông tin đáng chú ý trên các báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

-Trên báo Nhân Dân ngày 3/4 có những tin tức đáng chú ý sau:

Đồng hành chống dịch

Những ngày qua, đồng hành với các lực lượng xã hội trong việc đẩy lùi dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ rất nhiệt huyết bằng các công việc thiện nguyện. Trong đó, có sự góp sức từ giới họa sĩ nước nhà qua việc đấu giá các bức tranh hiến tặng quỹ ủng hộ các bác sĩ, các lực lượng y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Trong mùa dịch, giới nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn không kém các ngành nghề khác, nhưng trước khó khăn chung, nhiều nghệ sĩ luôn tích cực làm từ thiện. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu, như: Hà Anh Tuấn, Tùng Dương, Chi Pu, Phạm Thùy Dung, Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên... Giá trị họ mang lại không chỉ ở vật chất mà còn truyền đi thông điệp nhân văn, lan tỏa mạnh mẽ.

Phim tài liệu cần sự đổi mới

Giai đoạn 1998-2005, phim tài liệu Việt Nam liên tiếp giành nhiều giải thưởng quốc tế và trở thành đại diện tiêu biểu cho mảng phim tài liệu khu vực. Tuy nhiên, những năm gần đây, phim tài liệu đã dần vắng bóng ở các liên hoan phim (LHP) và giải thưởng quốc tế, làm dấy lên lo ngại về sự thờ ơ của giới làm phim đối với thể loại này.

Biểu tượng của lòng tự hào và đoàn kết dân tộc

Thời Hùng Vương vẫn lung linh trong huyền sử. "Vua Hùng" là một biểu tượng vừa hư vừa thực của cội nguồn dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn là biểu hiện của tinh thần đoàn kết, yêu nước, của lòng tự hào dân tộc sâu xa. Năm nay, chúng ta "Giổ tổ" trong điều kiện đặc biệt. Cả nước đang gồng mình quyết tâm đoàn kết dập dịch Covid-19. Ngày "Giỗ tổ mùng 10 tháng ba" không còn phần Hội náo nhiệt rộn rã như hằng năm mà chỉ còn phần Lễ thiêng liêng, nghiêm cẩn. Chúng ta vẫn hướng về một ngày lễ chung của cả nước với niềm tự hào và ý chí quyết tâm gắn kết cộng đồng để chiến thắng dịch bệnh như đã nhiều lần đoàn kết để chiến thắng ngoại xâm và thiên tai trong lịch sử.

Tín ngưỡng thờ vua Hùng: Sợi dây gắn kết đồng bào

Cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới, truyền thống hướng về cội nguồn luôn được người Việt lưu truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ, cùng nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, nhớ về các vị tiền tổ đã gây dựng đất nước. Theo số liệu thống kê tính đến năm 2012, thời điểm Phú Thọ đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO tôn vinh ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đã được thực hiện ở 1.417 điểm thờ cúng vua Hùng trong cả nước. Chỉ riêng ở Phú Thọ (tại thời điểm năm 2012) đã có tới 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật liên quan thời đại Hùng Vương trải rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh.

- Báo Đại Đoàn Kết ngày 3/4 đưa tin: "Về Đất Tổ nghe hát Xoan" cho biết: Năm 2011, UNESCO đưa hát Xoan Phú Thọ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Chỉ 6 năm sau, năm 2017, UNESCO đã công nhận hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Như vậy, từ các cấp quản lý đến người dân Phú Thọ đã và đang nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản. Theo PGS Đặng Hoành Loan, sau khi hát Xoan được vinh danh và chuyển đổi danh sách, trong quá trình đó Phú Thọ đã làm được rất nhiều việc. Những công việc mà Phú Thọ làm có giá trị bảo tồn, lưu truyền hát Xoan về cả mặt nghệ thuật và văn hóa trong đời sống của con người đương đại.

- Báo An ninh Thủ đô ngày 3/4 đưa tin: "Phiên đấu giá số 3 "Vượt qua đại dịch Covid-19": Gợi nhớ nhiều kỷ niệm đã qua" cho biết: Nhiều tác phẩm tham gia phiên đấu số 3 "Vượt qua đại dịch Covid-19", sẽ gợi nhắc ký ức về một thời đã qua trong nhiều người. Do Báo An ninh Thủ đô và công ty Indochineart tổ chức, phiên đấu giá sẽ bắt đầu từ nay đến hết ngày 4-4.

- TTXVN ngày 2/4 có những tin sau:

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020: Thành kính hướng về cội nguồn tiên tổ

Thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội, nhưng vẫn bảo đảm trang nghiêm, thành kính. Ngoài nghi lễ truyền thống được tỉnh Phú Thọ tổ chức trang trọng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh vào sáng mùng 10 tháng Ba âm lịch, việc sửa soạn bàn thờ, mâm cơm tri ân các Vua Hùng cũng được các gia đình thực hiện trang nghiêm, bày tỏ lòng thành kính với các Vua Hùng.

'Những ngày không quên' - phim truyền hình mới phản ánh xã hội thời dịch COVID-19

Thông tin từ Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) ngày 2/4 cho biết: Bộ phim truyền hình mang tên "Những ngày không quên" sẽ lên sóng từ ngày 6/4 trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam, độ dài dự kiến là 40 tập (thời lượng 25 phút/tập). Phim do Nghệ sỹ Ưu tú Danh Dũng – Trịnh Lê Phong làm đạo diễn."Những ngày không quên" là bộ truyền hình được thực hiện ở một thời điểm đặc biệt khi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới các mặt của đời sống xã hội, trẻ em không thể đến lớp, người dân hạn chế tối đa gặp gỡ, giao tiếp…

Thời gian tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2020 phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh COVID-19

Theo Ban tổ chức (BTC) cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên thời gian tổ chức cuộc thi sẽ có thay đổi. Theo kế hoạch ban đầu, sẽ có một buổi họp báo công bố về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2020 diễn ra vào cuối tháng 3 và dự kiến cuộc thi sẽ được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 8/2020 với các vòng sơ khảo, chung khảo và chung kết toàn quốc. Nhưng với diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, Ban tổ chức (BTC) đã phải quyết định tạm hoãn việc tổ chức các sự kiện trên. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải tạm hoãn do yếu tố khách quan.

Giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Khánh Hòa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả. Một số di tích đã được gắn bia, nhằm giữ gìn di tích, tôn tạo cảnh quan; giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa, lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, gắn với quảng bá, phát triển du lịch...

Biểu dương tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động thư viện cộng đồng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 2462/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tác động tích cực tới phát triển sự nghiệp thư viện, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc trong nhân dân.

- Báo Hà Nội mới ngày 2/4 đưa tin: "Thêm nhiều cuốn sách thú vị, bổ ích" cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong thời gian được khuyến cáo ở nhà để phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh, nhiều người đã lựa chọn đọc sách để thư giãn, giải trí và tăng cường kiến thức. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều đơn vị xuất bản đã lựa chọn và ra mắt những cuốn sách thú vị và bổ ích dành cho độc giả. Đáng chú ý, thời điểm này, hầu hết các đơn vị xuất bản, phát hành đều triển khai hệ thống đặt sách trên mạng internet và vận chuyển đến tận nhà để đáp ứng nhu cầu độc giả.

- Báo Văn hóa ngày 1/4 đưa tin: "Sáp nhập Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc vào Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát" cho biết: Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương sáp nhập Khu rừng Văn hóa - Lịch sử Chàng Riệc vào Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; đồng thời giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan theo dõi và hướng dẫn thực hiện việc sát nhập theo đúng quy định. Sau khi được sáp nhập, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát có tổng diện tích 30.022 ha; trong đó, vùng đệm của vườn 23.500 ha, bao gồm các xã Tân Bình, Tân Lập, Hòa Hiệp, Thạnh Tây, Thạnh Bình và Thạnh Bắc thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Hai khu rừng sau khi được sáp nhập sẽ là khu bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng dày bán ẩm, đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

- Báo Văn hóa ngày 1/4 đưa tin: "Kiên Giang dừng tổ chức lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương" cho biết: Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Đỗ Thanh Bình đã chỉ đạo dừng tổ chức lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020. Trước đó, theo kế hoạch chỉ tổ chức lễ dâng hương, không tổ chức phần hội. Nhưng trước tình hình cách ly toàn xã hội UBND tỉnh đã chỉ đạo dừng tổ chức lễ dâng hương. Theo công văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thanh Bình có ý kiến chỉ đạo: Dừng tổ chức lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020. Giao UBND huyện Tân Hiệp chỉ đạo Ban Bảo vệ di tích Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương không tổ chức lễ dâng hương nêu trên, nhằm góp phần phục vụ cho công tác cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay; đồng thời, tạm dừng đóng cửa di tích không phục vụ nhân dân đến tham quan, chiêm bái, dâng hương cho đến khi có thông báo mới.

- Báo điện tử Công Lý ngày 2/4 đưa tin: "Bạc Liêu: Mở lớp dạy 20 bản tổ Đờn ca tài tử Nam Bộ" cho biết: Ban Chỉ đạo Đề án bảo tồn di sản văn hóa nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bạc Liêu đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2020. Theo kế hoạch, tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức mở lớp dạy 20 bản tổ đờn ca tài tử cho diễn viên Nhà hát Cao Văn Lầu, hội viên câu lạc bộ Đờn ca tài tử Nam Bộ thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.Tổ chức Cuộc thi sáng tác lời mới 20 bản tổ đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu; Cung cấp tài liệu về Đờn ca tài tử cho các câu lạc bộ và ban chủ nhiệm ấp, khóm văn hóa, hỗ trợ thiết bị cho 02 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử xã Phong Thạnh, TX. Giá Rai nhằm hưởng ứng "Năm Dân vận khéo".

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 2/4 đưa tin: Phát động cuộc thi ảnh báo chí "Thái Nguyên trên đường phát triển" cho biết: Báo Thái Nguyên vừa phát động cuộc thi ảnh báo chí với chủ đề "Thái Nguyên trên đường phát triển".Cuộc thi nhằm quảng bá những hình ảnh đẹp của Thái Nguyên; phản ánh trung thực, sinh động các hoạt động diễn ra trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy hoạt động nghiệp vụ, chuyển tải những góc nhìn ấn tượng, sâu sắc… Đối tượng dự thi là người Việt Nam trong và ngoài nước, mỗi tác giả được gửi nhiều tác phẩm.

- Báo điện tử Cần Thơ ngày 2/4 đưa tin: "Đề nghị công nhận "Nghề làm muối Bạc Liêu" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" cho biết: UBND tỉnh Bạc Liêu vừa trình hồ sơ di sản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa "Nghề làm muối Bạc Liêu" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghề làm muối ở Bạc Liêu tập trung nhiều ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải… Với lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển, diêm dân ở Bạc Liêu đã tích lũy những kỹ năng thực hành và truyền nghề làm muối độc đáo, riêng có. Muối Bạc Liêu không chỉ là đặc sản ẩm thực mà còn chứa đựng nhiều nét văn hóa của người dân miền biển ở Bạc Liêu.

- Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và nhiều báo khác ngày 2/4 đưa tin: "Việt Nam đoạt giải Vàng tại cuộc thi ảnh quốc tế" cho biết: Ngày 2/4/2020, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tham dự cuộc thi ảnh quốc tế Contrast 2020 đã giành nhiều giải thưởng với 02 Huy chương Vàng, 01 Huy chương Bạc và nhiều Bằng danh dự. Tại cuộc thi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có 17 tác phẩm đoạt giải ở 10/12 đề tài.

- Báo Nhân Dân, TTXVN, báo Hà Nội mới và nhiều báo khác ngày 2/4 đưa tin: "Hôm nay, mùng 10-3 âm lịch, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra tại Đền Hùng" cho biết: Sáng nay 2-4 (mùng 10-3 âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh về việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý 2020 với các nghi lễ truyền thống của dân tộc; bảo đảm sự trang trọng, thành kính nhưng hạn chế đến mức thấp nhất số lượng đại biểu tham dự, đúng chỉ đạo và quy định của các cấp trung ương.

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 3/4/2020 - Ảnh 1.

Các đại biểu dâng lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

2.Lĩnh vực Du lịch

- Báo điện tử VOV ngày 3/4 đưa tin: "Những khách nước ngoài ở lại với Hội An" cho biết: Trong những ngày này vẫn còn hàng trăm du khách nước ngoài ở lại với phố cổ. Dù vậy, các chủ khách sạn vẫn phục vụ dù chỉ vài ba người khách. Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam những ngày này vắng vẻ tưởng chừng không còn người khách nào. Vậy mà, trong những ngày này vẫn còn hàng trăm du khách nước ngoài ở lại với phố cổ. Họ là những người khách đi theo tour du lịch dài ngày, cũng có những người bị "kẹt" do đường bay bị gián đoạn hoặc dừng, không ít người nghe thông tin quê nhà dịch bùng phát mong muốn ở lại với Hội An.

- Báo điện tử VOV ngày 3/4 đưa tin: "Tìm lối thoát cho du lịch Khánh Hòa mùa dịch Covid-19" cho biết: Ngay từ bây giờ, ngành du lịch cần có những giải pháp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng khắc phục ngay sau khi hết dịch. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm cho ngành du lịch Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nề. Những tuyến phố bao năm nhộn nhịp du khách nay trở nên vắng vẻ. Các khách sạn đã tạm dừng hoạt động, hơn 17 ngàn lao động bị mất việc, trong đó, hơn 1 nửa số lao động lĩnh vực lữ hành.

- TTXVN ngày 2/4 có những tin sau:

Cơ sở lưu trú được nhận khách mới, nhưng phải đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19

Các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch vẫn tiếp tục phục vụ khách đang lưu trú và được tiếp nhận khách mới đến lưu trú, nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở lưu trú thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, đối với các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch sẽ tiếp tục phục vụ khách đang lưu trú và được tiếp nhận khách mới đến lưu trú nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ngành Du lịch Đông Nam Bộ vượt qua khó khăn - Bài 1: Đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 đã gây tác động nặng nề đến các hoạt động du lịch tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, ngành Du lịch các tỉnh Đông Nam Bộ đã triển khai các phương án để thích ứng, phục hồi và tăng trưởng trong và sau mùa dịch. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Trước tình hình đó, ngành Du lịch nhiều địa phương đang nỗ lực chung sức cùng các cấp chính quyền, người dân áp dụng các biện pháp chống dịch COVID-19; đồng thời triển khai các phương án sẵn sàng kích cầu du lịch khi có tình hình mới.

Ngành Du lịch Đông Nam Bộ vượt qua khó khăn - Bài cuối: Tìm hướng đi mới

Cùng với việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách theo khuyến cáo của ngành Y tế, ngành Du lịch các địa phương trọng điểm du lịch ở Đông Nam Bộ như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh đã chủ động thực hiện các biện pháp vượt khó. Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, công tác phòng dịch tại các doanh nghiệp du lịch được thực hiện nghiêm ngặt. Thông tin cảnh báo phòng bệnh được niêm yết khắp khách sạn; khẩu trang được trang bị sẵn sàng phát cho du khách; việc tẩy rửa, sát khuẩn phòng được làm liên tục và thường xuyên.

Các cơ sở lưu trú ngắn hạn tại TP Hồ Chí Minh tạm dừng nhận khách mới

UBND TP Hồ Chí Minh vừa chỉ đạo tạm dừng việc tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay, Airbnb và loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn theo giờ trên địa bàn thành phố kể từ ngày 1 đến ngày 15/4. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 1.800 cơ sở lưu trú với 42.000 phòng nghỉ được xếp hạng, cùng với 29.000 doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngành du lịch. Trong những năm gần đây, du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đóng góp 11% - 15% GDP của thành phố và 6% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.

- Báo Hà Nội mới ngày 2/4 đưa tin: "Các cơ sở lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh được phép tiếp tục nhận khách" cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở lưu trú bảo đảm thực hiện đầy đủ các yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, được tiếp tục nhận khách từ ngày 2-4, trừ các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình Homestay/Airbnb; cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo giờ. Chủ một khách sạn trên đường Trần Xuân Hòa (quận 5) nhận xét: "Quy định mới này sẽ phần nào giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tiếp tục được nhận khách, tạo nguồn thu dù ít ỏi, để duy trì hoạt động trong thời buổi khó khăn vì dịch Covid-19".

- Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 2/4 đưa tin: "Khu du lịch Sông Trẹm - điểm đến khám phá thiên nhiên tuyệt vời ở Cà Mau" cho biết: Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm (thuộc Ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cách trung tâm huyện U Minh gần 20km về hướng đông bắc; cách TP. Cà Mau khoảng 50km (đi theo hướng đường Xuyên Á). Đến xã Biển Bạch (huyện Thới Bình), rẽ trái qua cầu Sông Trẹm và từ đây, du khách đi thêm khoảng 5km nữa là đến nơi hoang dã rừng Sông Trẹm - U Minh.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 2/4 đưa tin:

Phú Yên siết chặt quản lý nơi công cộng, bãi biển không một bóng người

Trước việc người dân vẫn tập trung nhiều người ở nơi công cộng, bãi biển…tỉnh Phú Yên đã ra quân đồng loạt tiến hành rào chắn nơi công cộng, ngăn người xuống tắm biển. Liên tiếp những ngày qua, tỉnh Phú Yên đã lập các tổ công tác đóng chốt tại bãi biển để vận động người dân không tụ tập, xuống biển để tắm…đồng thời nhắc nhở xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang.

Dừng tổ chức tuần Văn hóa - Du lịch Đồng Hới năm 2020

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cũng như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, TP Đồng Hới đã quyết định dừng tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch 2020. Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) mới đây đã có thông báo về việc dừng tổ chức tuần Văn hóa - Du lịch năm 2020. Việc dừng tổ chức các hoạt động là do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng như thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Nha Trang "lập chốt", yêu cầu người dân không tụ tập trên bãi biển

Chiều 31/3, lực lượng chức năng TP Nha Trang đã "lập chốt", đặt biển báo yêu cầu người dân không tụ tập đông người trên bãi biển Trần Phú - Phạm Văn Đồng để phòng, chống dịch Covid-19. Theo ghi nhận, vào khoảng 16h30 cùng ngày, lực lượng chức năng TP Nha Trang đã đặt các biển tuyên truyền về việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các lối xuống bãi biển, đồng thời UBND phường ven biển cũng cử lực lượng chốt trực tại các điểm đi bộ xuống bãi biển và điểm giữ xe. Theo ghi nhận, vào khoảng 16h30 cùng ngày, lực lượng chức năng TP Nha Trang đã đặt các biển tuyên truyền về việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các lối xuống bãi biển, đồng thời UBND phường ven biển cũng cử lực lượng chốt trực tại các điểm đi bộ xuống bãi biển và điểm giữ xe.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo Vietnamnet ngày 3/4 đưa tin: "V-League 2020 bế tắc, giải cứu bằng cách nào?" cho biết: Đại dịch Covid-19 làm LS V-League 2020 liên tục gián đoạn, nhưng vấn đề lớn hơn lúc này là giải đấu chưa tìm được tiếng nói chung trong các phương án tổ chức mới. V-League 2020 khi nào tổ chức trở lại là câu hỏi khó vào lúc này, nói rõ hơn giải đấu cao nhất Việt Nam chỉ có thể thi đấu khi dịch cúm Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, phương án để tổ chức thì lúc này VPF nên có vài tình huống giả định nhằm chủ động khi đại dịch đi qua. Nhưng, chắc chắn khó có thể đi theo giải pháp không có đội xuống hạng như các đại diện CLB Nam Định, Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay SLNA đề xuất.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 03/4 đưa tin: "Sau Thái Lan, thêm một quốc gia Đông Nam Á nữa tính chuyện giảm lương HLV ĐTQG vì Covid-19" cho biết: Việc các hoạt động bóng đá "đóng băng" trong thời gian dịch Covid-19 khiến các liên đoàn phải tính đến việc cắt giảm lương HLV, nhân viên để cân đối chi phí. Thông tin từ tờ Bola cho biết tình hình tài chính của Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và Chủ tịch Mochamad Iriawan đang cho nghiên cứu việc điều chỉnh giảm lương tất cả các thành viên ban huấn luyện của các cấp ĐTQG. HLV Shin Tae-yong, người được giao nhiệm vụ dẫn dắt đội U19, U23 và ĐTQG Indonesia cũng nằm trong số này.

-Báo điện tử Giao Thông ngày 03/4 đưa tin: "Báo châu Á hé lộ top 5 cầu thủ là tương lai của bóng đá Việt Nam" cho biết: Tờ Sports442 mới đây đã đưa ra 5 cái tên nắm vận mệnh của tuyển Việt Nam trong tương lai gần. Ở bài viết giới thiệu về 5 tài năng nắm vận mệnh của bóng đá Việt Nam trong tương lai, tờ Sports442 phiên bản tiếng Anh đưa ra các cái tên gồm Nguyễn Thanh Khôi (HAGL), Trần Mạnh Quỳnh, Võ Nguyên Hoàng, Huỳnh Công Đến (PVF) và Bùi Tiến Sinh (Viettel). Đây là những tài năng thuộc các lò đào tạo bóng đá hàng đầu trên cả nước và đặc biệt tác giả nhận định họ thuộc lứa cầu thủ nòng cốt có thể đưa tuyển Việt Nam tham dự World Cup 2026.

- Báo điện tử tiền Phong ngày 03/4 đưa tin: "Bóng đá Việt cần gì ở bầu Đức?" cho biết: Bóng đá Việt Nam cần hơn ở bầu Đức những đóng góp mang tính xây dựng, thay vì phản ứng tiêu cực, chỉ trích cá nhân. Trong bối cảnh đang chịu tác động nặng nề vì COVID-19, bóng đá Việt Nam cần sự đoàn kết chứ không phải chia rẽ. Một đội bóng hay cá nhân được ghi nhận khi có những đóng góp thực sự: phản biện mang tính xây dựng, đưa ra giải pháp và tạo sự đồng thuận để cùng phát triển. Không ai phủ nhận những đóng góp trước đây của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam, nhưng điều này càng ít đi gần đây. Giới bóng đá có lý do để cho rằng, vì mối quan hệ không tốt đẹp với người đứng đầu VPF, bầu Tú, nên ông thường có những phản ứng tiêu cực.

- TTXVN ngày 2/4 có những tin sau:

Hoãn vô thời hạn mọi hoạt động bóng đá châu Âu

Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã quyết định hoãn vô thời hạn các trận đấu tại Champions League, Europa League và play-off vòng loại EURO 2020 do dịch COVID-19 đang bùng phát ở châu Âu. Như vậy, viễn cảnh các giải đấu sẽ trở lại vào tháng 6 đã bị UEFA chính thức bác bỏ. Theo kế hoạch, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được chọn là nơi tổ chức trận chung kết Champions League nam vào ngày 30/5, trong khi trận chung kết Europa League sẽ diễn ra vào ngày 27/5 tại Gdansk (Ba Lan).

Wimbledon 2020 bị hủy, mùa giải trên mặt sân cỏ 'biến mất'

Wimbledon 2020 - giải Grand Slam quần vợt trên mặt sân cỏ danh tiếng nhất và cũng là giải quần vợt lâu đời nhất thế giới đã bị hủy vì COVID-19. Theo ban tổ chức giải, hủy bỏ giải đấu được coi là lựa chọn tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là hành động thể hiện trách nhiệm đối với các nỗ lực của xã hội chống lại đại dịch thế kỷ. Như vậy, Wimbledon đã trở thành Grand Slam đầu tiên bị hủy kể từ năm 1945 đến nay. Giải từng bị hủy 10 lần, đều do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới.

Văn Hậu lỡ cơ hội giành danh hiệu đầu tiên ở châu Âu

Liên đoàn bóng đá Hà Lan đã quyết định hủy bỏ toàn bộ các giải trẻ vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, các giải đấu trẻ sẽ không chọn ra đội vô địch hay xuống hạng, trong đó có giải U21 mà Văn Hậu đang thi đấu. Văn Hậu đã có những màn trình diễn ấn tượng tại đội trẻ SC Heerenveen. Đây là một tin rất buồn với Văn Hậu cũng như đội trẻ SC Heerenveen khi họ đang dẫn đầu bảng xếp hạng ở giải đấu giành cho các đội U21 tại Hà Lan.

Bóng đá Thái Lan tính giảm lương cầu thủ 3 tháng nhưng sợ bị kiện

Các CLB Thai-League đang đối diện cơn khủng hoảng cực lớn vì COVID-19. Truyền thông xứ Chùa Vàng cho biết bệnh dịch này đã làm sụp đổ nền kinh tế bóng đá Thái Lan. Nhiều CLB đang tính giảm lương cầu thủ nhưng lo ngại bị kiện. CLB lớn của Thái Lan là Chonburi mới đây đã thông báo có thể giảm lương của các cầu thủ trong mùa bóng năm nay.Lãnh đạo CLB tiết lộ ngân sách đang rất thiếu kinh phí và khó duy trì trong thời gian dài. CLB không ngại nói điều này với các cầu thủ Thái Lan và dễ dàng được thông cảm nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở các cầu thủ ngoại.

Công Phượng và các đồng nghiệp chơi đẹp

Sau Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh của Công Phượng, HLV Văn Sỹ và các học trò ở DNH Nam Định đã chính thức cắt giảm tiền lương để hỗ trợ CLB do ảnh hưởng của COVID-19. HLV Nguyễn Văn Sỹ sau cuộc họp chiều 31/3 mới đây vừa thông báo toàn CLB DNH Nam Định đã chấp nhận giảm 25% lương và chỉ nhận 75% thu nhập trong tháng 4/2020 để chia sẻ khó khăn với đội bóng. Bên cạnh đó, những cầu thủ có nhà riêng ở Nam Định cũng được trở về với gia đình để giảm bớt chi phí sinh hoạt cho CLB. Những cầu thủ trẻ và ngoại binh sẽ ở lại đại bản doanh của đội, không được đi ra ngoài và tập thể lực cùng chuyên gia thể lực bắt đầu từ đầu tháng 4.

Sốc làng bơi lội: 9 VĐV tuyển bơi lội Hungary nhiễm COVID-19

Nhà vô địch thế giới bơi bướm Boglarka Kapas, cùng 8 vận động viên bơi lội trong đội tuyển Hungary, đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Liên đoàn Bơi lội Hungary thông báo, đã có 9 mẫu dương tính trong danh sách đội tuyển bơi quốc gia, cũng như các nhân viên làm việc với đội, huấn luyện viên. Đáng chú ý, những VĐV nhiễm COVID-19 này vừa tham gia các đợt tập luyện vào tháng trước và về nước từ ngày 13/3. Đây đều được đánh giá là những niềm hy vọng huy chương của đội tuyển bơi lội Hungary ở Olympic Tokyo tới đây.

-Trên báo Văn hóa ngày 2/4 có những tin sau:

"Các cầu thủ đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm với cộng đồng"

Theo Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn, trong thời gian cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19, các cầu thủ, huấn luyện viên đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm với cộng đồng bằng một loạt hành động thiết thực. "Trong thời gian các giải đấu đang phải tạm dừng vì dịch bệnh, chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt động của các cầu thủ, huấn luyện viên và những người công tác trong lĩnh vực bóng đá, cùng chung tay với cộng đồng nhằm đẩy lui dịch bệnh Covid-19. Điều này đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của những người làm bóng đá đối với cộng đồng và xã hội", Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn nói.

Đình Trọng, Thành Chung, Đức Huy khởi động chương trình "15 ngày lành mạnh"

Hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cách ly toàn xã hội trong 15 ngày để tiếp tục chủ động ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, "dàn sao" CLB Hà Nội đã khởi động chương trình trực tuyến trên mạng xã hội với chủ đề "15 ngày lành mạnh" để khuyến khích các bạn trẻ rèn luyện sức khỏe trong khoảng thời gian này. Đây là chương trình tiếp nối của chuỗi hành trình Strong Vietnam (Việt Nam vững mạnh) được Tập đoàn T&T Group khởi động từ năm ngoái, nhằm khơi dậy tình yêu bóng đá, khuyến khích giới trẻ tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe vì một Việt Nam vững mạnh. Do diễn biến của dịch Covid, năm nay Strong Vietnam chưa thể tiếp tục đưa các "ngôi sao" của CLB Hà Nội đến các trường học để giao lưu, định hướng cho giới trẻ rèn luyện lối sống lành mạnh.

Lý Hoàng Nam quyên góp tiền ủng hộ chống dịch Covid-19

Tay vợt số 1 Việt Nam - Lý Hoàng Nam vừa có hành đồng ý nghĩa khi quyên góp tiền để gửi đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chiến dịch chống dịch Covid-19. Sau các đội bóng, cầu thủ, HLV ở môn "thể thao vua", Lý Hoàng Nam là VĐV tiên phong ở môn quần vợt trong việc quyên góp, ủng hộ tiền chống dịch Covid-19. Hoàng Nam vừa trở thành tay vợt nam đầu tiên của Việt Nam vô địch SEA Games sau khi giành tấm HCV tại kỳ đại hội trên đất Philippines hồi cuối năm 2019. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các giải quần vợt trong nước và quốc tế không diễn ra nên Hoàng Nam đang ở quê nhà Tây Ninh tập luyện và duy trì thể lực.

Giảm lương để chia sẻ khó khăn giữa đại dịch

Dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và bóng đá không là ngoại lệ. Hầu hết các giải đấu hấp dẫn nhất trên thế giới đã phải tạm dừng và chưa biết khi nào mới quay trở lại. Đó cũng sẽ là bài toán khó với các câu lạc bộ (CLB) khi phải duy trì đội bóng trong lúc mất đi nguồn thu, các nhà tài trợ lại gặp khó khăn do việc kinh doanh bị đình trệ. Vì thế việc cần kíp bây giờ là bàn cách để "giải cứu" các CLB, trong đó có việc cắt giảm lương của cầu thủ.

- Báo Nhân Dân ngày 2/4 đưa tin: "Strong Việt Nam 2020, CLB Hà Nội FC quyết chống Covid-19" cho biết: Từ ngày 1 đến 15-4, CLB Hà Nội FC tổ chức chương trình Strong Việt Nam Online. Bên cạnh việc được giao lưu với các cầu thủ, đông đảo các em học sinh, người hâm mộ Hà Nội FC sẽ trực tiếp tương tác với đội bóng bằng việc tham gia các thử thách, đăng tải trên trang cá nhân nền tảng Facebook để nhận được nhiều áo thi đấu chính hãng của Hà Nội FC, trái bóng có chữ ký của các tuyển thủ, tiền mặt…

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử VTV ngày 2/4 đưa tin: "Hạnh phúc gia đình mùa dịch COVID-19" cho biết: Trong những ngày mà cả xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, nhiều người nhận ra những giá trị khác trong cuộc sống. Gia đình bỗng nhiên đông đủ các thành viên, người ta quý trọng hơn những bữa cơm nhà. Đặc biệt, mọi người cũng tìm ra những lời giải thích mới hơn cho từ "hạnh phúc".

Câu chuyện của gia đình sau đây sẽ giải thích thêm về định nghĩa "hạnh phúc" trong mùa dịch COVID-19. Là đại diện của Tổng Công ty hàng không quốc gia Việt Nam tại Nhật, trước tình hình dịch bệnh, anh Vũ Trần Bách và gia đình được cơ quan điều động về nước ngày 23/1. Hiện cả gia đình anh đã được cách ly tại Pháp Vân, Hà Nội. Trong khuôn viên căn phòng tại khu cách ly, cả gia đình đã có những khoảnh khắc đặc biệt cùng với nhau, những hoạt động mà có lẽ khi bận rộn anh chị không thể cùng nhau thực hiện

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×