Điểm báo

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 26/3/2020

26/03/2020 | 11:57

Kết quả bầu chọn Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 năm 2020, Hà Nội yêu cầu không tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, V-League 2020 sẽ thi đấu tập trung tại miền Bắc là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.

1.Lĩnh vực Văn hóa

- Báo Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 26/3 đưa tin: "Lùi thời gian khai mạc triển lãm tác phẩm của các họa sỹ đương đại hàng đầu" cho biết: Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) vừa có văn bản gửi các họa sĩ được mời tham dự triển lãm tác phẩm của các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật, cùng các cơ quan, đơn vị thông báo về việc lùi thời gian khai mạc triển lãm (dự kiến tổ chức vào tháng 4-2020) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thời gian khai mạc triển lãm sau khi được ấn định lại sẽ được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm sẽ thông báo đến các họa sĩ và các cơ quan, đơn vị.

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 26/3 đưa tin: "Tìm kiếm tài năng nghệ thuật Múa" cho biết: Cuộc thi Tài năng diễn viên múa toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, đối tượng tham gia cuộc thi có độ tuổi từ 16 tuổi trở lên, là diễn viên múa đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập, học sinh, sinh viên theo học chuyên ngành múa tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong toàn quốc, thí sinh tự do có thể đầu tư sáng tạo tác phẩm biểu diễn tham dự.

- Báo Quân đội Nhân Dân ngày 26/3 đưa tin: "Lan tỏa giá trị lịch sử và truyền thống" cho biết: Lịch sử phát triển của mỗi quốc gia, bảo tàng là một thiết chế văn hóa, là nơi lưu giữ các giá trị mang tính chất lịch sử tiêu biểu thuộc về quá khứ. Trong hệ thống các bảo tàng quân đội, Bảo tàng Hậu cần không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu lịch sử, văn hóa của quân đội Việt Nam nói chung và ngành hậu cần quân đội nói riêng trong thời chiến và cả thời bình mà còn là địa điểm giáo dục lịch sử truyền thống hữu hiệu với người xem.

- Báo An ninh Thủ đô ngày 26/3 đưa tin: Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Indochineart tổ chức "Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19 cho biết: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-COV-2 gây ra (Covid-19) diễn biến phức tạp và khó khăn vất vả nhất lúc này đang đổ lên vai đội ngũ y, bác sĩ. Họ đã và đang là lá chắn nơi tuyến đầu chống dịch. Có nhiều bác sĩ đã "3 cùng" ở bệnh viện - cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu với virus Corona, vài tháng nay họ chưa được và chưa dám về nhà (vì trực tiếp chăm sóc người bệnh nên họ cũng phải tự cách ly với gia đình và xã hội), khuôn mặt hằn những vết khẩu trang và bó mình trong những bộ đồ bảo hộ kín mít.

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 26/3 đưa tin: Truyện Kiều, bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường, vừa 'chào đời' cho biết: Đó là công trình tâm huyết cuối đời của dịch giả, nhà thơ Dương Tường. Gần 90 tuổi, mắt gần như không nhìn thấy, Dương Tường vẫn miệt mài dịch truyện Kiều ra tiếng Anh. Sách đã "ra lò" ngày 25/3 vừa qua. Truyện Kiều bản chuyển ngữ tiếng Anh của Dương Tường được in đẹp. Đặc biệt có kèm minh họa của rất nhiều họa sỹ tên tuổi vốn thân thiết với ông. Người trong giới văn nghệ chúc mừng ông, đồng thời bày tỏ sự kính nể tình yêu chữ nghĩa, tinh thần lao động của nhà thơ, dịch giả.

- Báo Pháp luật Việt Nam ngày 26/3 đưa tin: "Bài học bảo tồn văn hóa làng biển từ thế giới" cho biết: Nhiều làng chài ven biển ở các nước như Ý, Tây Ban Nha, Qatar, Indonesia,… không chỉ đơn thuần sở hữu bãi biển đẹp hấp dẫn du khách mà còn có thể được coi là "thiên đường di sản", được chính phủ các nước này định hướng bảo tồn lâu dài. Làng Tunuo (huyện Bắc Kao, Bắc Halmahera Regency, tỉnh Bắc Maluku, Indonesia) là một ngôi làng có nhiều tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, tín ngưỡng để phát triển du lịch.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/3 đưa tin: "Ngang nhiên đạo văn" cho biết: Mới đây, làng văn trong nước lại xôn xao khi phát hiện thêm một vụ đạo văn mà người đạo không phải ai xa lạ, là một người đã có chục đầu sách được xuất bản, từng nhận nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Nhân vật được đề cập đến là tác giả Kai Hoàng, theo giới thiệu từ trang Văn chương phương Nam (Hội Nhà văn TPHCM) là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện đang sống và làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tác phẩm được nhắc đến là truyện ngắn Thư viện đăng trên website của Tạp chí Tiếp thị & Gia đình vào ngày 7-7-2019. Dù đã đăng từ năm ngoái, nhưng vụ việc vẫn bị độc giả phát hiện.

- Báo Hà Nội mới ngày 25/3 đưa tin: "Đưa Hà Nội trở thành trung tâm sách của cả nước vào năm 2030" cho biết: UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 24-3-2020 về triển khai phát triển văn hóa đọc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch, đến năm 2025, thành phố sẽ nâng cấp, đầu tư hệ thống thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; tăng cường các hình thức tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức, đặc biệt là nâng cao hiệu quả văn hóa đọc; phấn đấu đạt 80% học sinh, sinh viên và học viên tại các cơ sở giáo dục sử dụng hệ thống thư viện công cộng thường xuyên.

- Báo Hà Nội mới ngày 25/3 đưa tin: Chuyển thể tiểu thuyết "Số đỏ" thành phim điện ảnh hài châm biếm cho biết: Ngày 25-3, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh công bố bắt tay vào dự án điện ảnh mới – chuyển thể tiểu thuyết "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng lên màn ảnh rộng với hình thức phim điện ảnh hài châm biếm. Đây không phải lần đầu tiên "Số đỏ" bước lên màn ảnh, tuy nhiên, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh nhận định, "Số đỏ" là một trong những tác phẩm văn học Việt Nam có sức sống mãnh liệt qua mọi thời đại, không chỉ ghi dấu ấn trong nước mà còn vươn ra thế giới.

- TTXVN ngày 25/3 đưa tin: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến mùa thứ 15: Hoàng Thùy Linh và 'Để Mị nói cho mà nghe' thắng giòn giã cho biết: Bình chọn online, trao giải cũng không thể tổ chức hoành tráng như những mùa giải trước, nhưng không vì thế mà Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) giảm nhiệt. Niềm vui của những nghệ sĩ gặt hái sau một năm đầu tư công sức; hạnh phúc của người yêu nhạc khi chứng kiến sự chững chạc và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam... Tất cả đều trào dâng khi BTC công bố kết quả.

- Báo Văn hóa ngày 25/3 đưa tin: "Đề nghị không sử dụng hình ảnh tôn giáo tại cơ sở kinh doanh nhà hàng, giải trí Buddha" cho biết: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM vừa có văn bản gửi đến các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan đề nghị có biện pháp hữu hiệu hướng dẫn chủ cơ sở kinh doanh nhà hàng, giải trí Buddha tại quận 2 về việc không sử dụng hình tượng Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí tại quầy rượu bia. Theo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, để chấm dứt sự ngộ nhận của cộng đồng, không tạo thành dư luận nóng trong tôn giáo, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đề nghị các ngành chức năng có biện pháp hữu hiệu hướng dẫn chủ quán ăn Buddha (số 7 Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM) thay đổi thương hiệu kinh doanh, không sử dụng hình tượng Phật, pháp khí Phật giáo để trang trí tại quầy rượu bia, hay các poster hình Bồ Tát đính trên các vách tường, khu vực nhà vệ sinh của quán.

- Báo Văn hóa ngày 25/3 đưa tin: "Hà Nội phát công văn hỏa tốc: Không tập trung đông người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng" cho biết: Ngày 25.3, UBND TP.Hà Nội đã phát đi công văn hỏa tốc truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thành phố yêu cầu người dân tuyệt đối hạn chế tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người; khuyến khích người dân ở nhà, làm việc, học tập trực tuyến qua công nghệ thông tin, truyền hình. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.

- Báo Người Lao động ngày 25/3 đưa tin: "Dịch Covid-19: Nhà thờ ở TP HCM ngưng tổ chức thánh lễ" cho biết: Từ 16 giờ ngày 26-3, tất cả nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP HCM ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo để tránh lây lan Covid-19. Ngày 25-3, Tổng giám mục Tổng giáo phận TP HCM Giuse Nguyễn Năng đã có thông báo đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận về các sinh hoạt tôn giáo trong thời điểm dịch Covid-19 đang ngày càng nghiêm trọng. Theo đó, từ 16 giờ ngày 26-3, tất cả nhà thờ, nhà nguyện và dòng tu thuộc Tổng giáo phận TP HCM ngưng cử hành thánh lễ và sinh hoạt tôn giáo để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19.

- Báo Đại Đoàn Kết ngày 26/3 đưa tin: "Sức sống Mo Mường" cho biết: Hòa Bình là nơi tập trung sinh sống của đồng bào dân tộc Mường. Trải qua thời gian, người Mường đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, trong đó, Mo Mường là một loại hình nổi bật, độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc. Hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính đã được sưu tầm, xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo (tương đương như các chương, hồi trong tiểu thuyết) và hơn 44.000 câu thơ Mo.

- Báo Tin tức, báo Lao động , báo Tuổi trẻ và nhiều báo khác ngày 25/3 đưa tin: "Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15: Động lực tinh thần cổ vũ các nghệ sĩ" cho biết: Bình chọn online, trao giải cũng không thể tổ chức hoành tráng như những mùa giải trước, nhưng không vì thế mà Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) giảm nhiệt. Đón nhận Giải thưởng Âm nhạc Cống hiên lần thứ 15, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, các nghệ sĩ đều chung một cảm xúc là vinh dự, tự hào và cảm thấy mình có thêm động lực để phấn đấu. Ca sĩ Hoàng Thùy Linh cho biết: Tôi từng suy nghĩ rất nhiều về hai chữ "cống hiến", năm nay giải thưởng trao cho nhiều gương mặt trẻ, ghi nhận sự nỗ lực của họ chứng tỏ Ban tổ chức đã theo dõi sát sao thị trường âm nhạc. Đó là điều đáng tự hào bởi giải thưởng có thâm niên nhưng bám sát đời sống âm nhạc đương đại, tạo nên giá trị tuyệt vời của giải Âm nhạc Cống hiến".

Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 26/3/2020 - Ảnh 1.

Nguồn: Báo Thể thao và Văn hóa

2.Lĩnh vực Du lịch

- Truyền hình thông tấn ngày 26/3 đưa tin: "Lượng khách du lịch đến Bình Thuận giảm sâu" cho biết: Theo PV TTXVN tại Bình Thuận, do ảnh hưởng của dịch covid-19, tại các khu du lịch, khu vui chơi khu vực Mũi Né rất thưa thớt, ngay cả vào những ngày cuối tuần. Tính riêng từ 20/2 - 20/3/2020, toàn tỉnh đón khoảng 330.500 lượt khách, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ khách du lịch giảm 37% so với cùng kỳ. Khách du lịch đến Bình Thuận giảm mạnh, kéo theo các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh lượng khách đặt phòng nghỉ dưỡng cũng giảm so với cùng kỳ.

- Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 26/3 đưa tin: "Côn Đảo tạm dừng đón khách du lịch từ 24-3" cho biết: UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có công văn dừng tiếp nhận khách du lịch đến huyện Côn Đảo kể từ 0 giờ ngày 24-3 cho đến khi có thông báo mới. Theo đó, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Côn Đảo thông báo tới các công ty lữ hành biết việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch để sắp xếp lịch trình cho du khách đến Côn Đảo vào thời điểm thích hợp. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân, nếu không có việc cần thiết thì hạn chế tối đa việc ra vào đảo.

- Báo Nhân Dân ngày 26/3 đưa tin: "Ấn tượng về Việt Nam trong lòng du khách nước ngoài" cho biết: Du khách quốc tế từng đến Việt Nam đều có những ấn tượng đẹp về dải đất hình chữ S. Từ cảnh quan kỳ vĩ, đến ẩm thực phong phú, đa dạng. Và cụm từ "thân thiện" chắc hẳn sẽ được nhắc đến khi bạn hỏi một vị khách người nước ngoài... Và điều đó cũng hiện hữu dù Việt Nam đang "gồng mình" để chống lại đại dịch Covid-19. Sau thời gian cách ly, được chăm sóc tận tình, nhiều du khách nước ngoài đã có những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Tuy họ tiếc vì không hoàn thành chuyến du lịch như mong muốn, song họ lại bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua được đại dịch Covid-19.

- Báo Nhân Dân ngày 26/3 đưa tin: "Bánh mì Việt Nam và những khúc biến tấu" cho biết: Ăn sáng, ăn trưa, thậm chí ăn tối, bánh mì kẹp là món ăn phổ biến tại Việt Nam đến mức gần như không ai để ý đến sự tồn tại của nó, chỉ đơn giản như lựa chọn một bộ quần áo để ra đường mỗi ngày. Ít ai để ý, bánh mì với những khúc biến tấu của nó đang ngày càng mê hoặc thế giới ẩm thực khắp nơi. Được coi là món ăn sinh ra từ sự giao thoa giữa các nền văn hóa và ẩm thực khác nhau, bánh mì Việt Nam mang một tính chất khác biệt hoàn toàn so với bánh mì ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

- Báo Văn hóa ngày 25/3 có những tin sau:

Hải Phòng: Dừng hoạt động các cơ sở dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ trên 30 người

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố chỉ đạo: Dừng hoạt động các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các điểm kinh doanh giải khát có công suất phục vụ trên 30 người từ ngày 25.3 đến hết ngày 31.3. Tại Công văn hỏa tốc số 2124/UBND-VX của UBND thành phố ngày 25.5 về việc tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chỉ đạo nêu trên.

An Giang: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam tạm dừng đón khách

Trao đổi với Báo Văn Hóa ngày 25.3, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc (An Giang) cho biết, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, có nguy cơ cao lây lan ra cộng đồng, UBND TP. Châu Đốc đã có thông báo tạm dừng đón khách và thu phí tham quan Khu Du lịch quốc gia Núi Sam kể từ hôm nay 25.3, đồng thời tạm ngưng các hoạt động tổ chức trong khu du lịch cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, chuyển biến tích cực.

Quảng Ninh tiếp tục tạm dừng hoạt động vui chơi giải trí, du lịch

Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện tạm dừng dịch vụ nghỉ đêm trên Vịnh, dừng đón khách tham quan Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, trên các đảo thuộc vùng biển đảo Cô Tô, Vân Đồn; dừng hoạt động của các khu di tích lịch sử danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh đến ngày 15.4; tạm thời đóng cửa các cơ sở dịch vụ giải trí, như: karaoke, massage, quán bar, vũ trường trên địa bàn toàn tỉnh. Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 do Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức ngày 23.3, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã quyết định nội dung trên.

- Trên báo điện tử Tổ Quốc ngày 25/3 có những tin sau:

156 cơ sở lưu trú, khách sạn được chọn làm nơi cách ly phòng chống dịch bệnh

Ngày 24/3, Bộ VHTTDL đã có công văn số 1231/BVHTTDL-TCDL gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 báo cáo danh sách cơ sở lưu trú du lịch được chọn vào việc cách ly phòng chống dịch . Tổng cộng có 156 cơ sở lưu trú với 14.723 buồng phòng, 18.305 giường của 24 tỉnh thành được chọn cho việc cách ly phòng chống dịch bệnh

Trong "cái khó ló cái khôn", đây là cách các doanh nghiệp du lịch ứng phó với dịch Covid-19

Theo ông Ngô Tiến Đức, Giám đốc Điều hành Lux Group, toàn bộ nhân viên công ty chỉ nhận 50% đến 70% lương trong tháng 3 và sẽ tiếp tục nhận thấp hơn thậm chí không lương trong những tháng tới nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Tỷ lệ nhân viên nghỉ làm hoặc nghỉ không lương khoảng 30%. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của ngành du lịch do dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam đã tạm miễn thị thực với tất cả du khách châu Âu. Hãy xem các doanh nghiệp trong ngành du lịch tìm cách biến "cái khó" thành "cái khôn" như thế nào.

Ưu tiên hàng đầu của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu là sự an toàn của du khách và cộng đồng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của du lịch BR-VT là sự an toàn của du khách và cộng đồng. Do vậy, tiếp tục công tác phòng dịch chặt chẽ nhưng vẫn không quên chuẩn bị cơ sở, nhân lực, dịch vụ sẵn sàng đón khách trở lại khi khống chế được dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm được ngành du lịch BR-VT thực hiện trong thời điểm này.

Tạm ngừng các hoạt động tổ chức trong Khu du lịch Quốc gia Núi Sam

Lãnh đạo UBND thành phố Châu Đốc (An Giang) cho biết, do tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, kể từ 0 giờ ngày 25/3/2020, thành phố Châu Đốc sẽ tạm ngưng các hoạt động tổ chức trong Khu du lịch Quốc gia Núi Sam để phòng chống dịch COVID-19; tạm dừng việc đón khách và thu phí tham quan vào Khu du lịch Quốc gia Núi Sam cho đến khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát và khống chế.

- Báo Hà Nội mới ngày 25/3 đưa tin: "Du khách vui vẻ đeo khẩu trang dạo phố vắng Hà Nội" cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã nâng mức cảnh báo phòng, chống dịch. Tất cả người dân và du khách phải thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng từ ngày 16-3. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường. Chính vì thế, những ngày này, đường phố Hà Nội trở nên vắng vẻ, thanh bình. Du khách đã vui vẻ, tự nguyện đeo khẩu trang khi tham quan, dạo phố.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 25/3 đưa tin: "Nhiều khách sạn, resort tự nguyện đăng ký tham gia phòng, chống dịch" cho biết: Đã có ít nhất 5 khách sạn, resort hạng sang từ 4-5 sao tự nguyện đăng ký tham gia phòng chống dịch Covid-19 ở thành phố Hội An. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Nam quyết định chọn Hội An Beach resort làm khu lưu trú an toàn cho những khách du lịch nằm trong diện cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đã có nhiều khách sạn, resort tự nguyện đăng ký tham gia làm cơ sở lưu trú an toàn phục vụ du khách cách ly.

- Báo điện tử Dân Trí ngày 25/3 đưa tin: "Đường sách, nơi thu hút hàng triệu lượt khách ở TPHCM ngưng hoạt động" cho biết: Nhận thông tin từ Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM, đường sách Nguyễn Văn Bình có thông báo chính thức đóng cửa từ tối 24/3. Đường sách thực hiện chắn hai đầu lối vào từ hướng nhà thờ Đức Bà và đường Hai Bà Trưng. Tất cả các gian hàng sách, các quán cà phê, và các chương trình giới thiệu tại đây đều tạm ngưng hoạt động. Đường sách Nguyễn Văn Bình được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016 ở vị trí trung tâm giữ TPHCM gần nhà thờ Đức Bà, bưu điện Thành phố, Dinh Độc Lập. Chỉ với 4 năm tuổi đời, đoạn đường dài khoảng 100m, đây không chỉ là nơi tôn vinh văn hóa đọc mà còn được biết đến như là điểm giao thoa văn hóa thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nói không quá, giờ đây chưa đến đường sách Nguyễn Văn Bình thì xem như chưa đến TP.HCM.

3.Lĩnh vực Thể thao

- Báo điện tử Tiền Phong ngày 26/3 đưa tin: "AFF Cup 2020 không thay đổi lịch thi đấu" cho biết: Trước diễn biến của đại dịch Covid-19, Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã họp bàn kế hoạch tổ chức một số giải đấu trong vòng 4 tháng tới. Theo đó, giải vô địch Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup) được giữ nguyên thời gian tổ chức như kế hoạch từ ngày 23/11 đến ngày 31/12. Bốn giải đấu khác của AFF cũng không thay đổi thời gian thi đấu, bao gồm Giải vô địch U15 nữ Đông Nam Á tại Indonesia vào tháng 9 cùng 3 giải đấu được tổ chức vào cuối năm tại Thái Lan gồm Giải vô địch futsal Đông Nam Á, Giải futsal CLB Đông Nam Á và Giải vô địch bóng đá bãi biển Đông Nam Á.

- Báo điện tử VOV ngày 26/3 đưa tin: "VPF chuẩn bị họp khẩn để cứu V-League 2020 trước đại dịch Covid-19" cho biết: VPF chuẩn bị họp để lấy ý kiến của các câu lạc bộ nhằm cứu V-League 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngày 25/3, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông báo, V-League 2020 sẽ tiếp tục hoãn tới ngày 15/4 do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trước đó, ngày 15/3, VPF cũng thông báo tạm dừng V-League 2020 đến hết tháng 3/2020 khi giải đấu mới chỉ diễn ra được 2 vòng.

- Báo điện tử VOV ngày 26/3 đưa tin: "LĐBĐ Đông Nam Á quyết định số phận của AFF Cup 2020" cho biết: Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á đã điều chỉnh kế hoạch tổ chức các giải đấu 2020, AFF Cup 2020 vẫn diễn ra đúng kế hoạch. Theo đó, AFF lùi lịch tổ chức Giải vô địch các CLB Đông Nam Á 2020 sang năm 2021. Lý do là không thể tổ chức như dự kiến vào tháng 5 tới và đòi hỏi thời gian tổ chức tối thiểu 10 ngày kéo dài trong vài tháng. Ngoài ra, AFF cũng hoãn một số giải đấu tới cuối năm để giảm thiểu việc hủy giải.

-Báo điện tử Tổ Quốc ngày 26/3 đưa tin: "7 SVĐ phía Bắc nằm trong phương án thi đấu tập trung giai đoạn lượt đi V-League 2020" cho biết: VPF đã lên phương án thi đấu tập trung với 7 SVĐ phía bắc giai đoạn lượt đi V-League 2020. Giai đoạn lượt đi V.League 2020 dự kiến sẽ được tổ chức tập trung ở khu vực phía Bắc trên 7 SVĐ được lựa chọn, bao gồm: SVĐ Mỹ Đình (TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn); SVĐ Hàng Đẫy (Hà Nội, Viettel); SVĐ Thiên Trường (DNH Nam Định, Hoàng Anh Gia Lai); SVĐ Cẩm Phả (Than Quảng Ninh, SHB Đà Nẵng); SVĐ Thanh Hóa (Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An); SVĐ Lạch Tray (Hải Phòng, Quảng Nam); SVĐ PVF (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, B.Bình Dương).

- Báo Vietnamplus ngày 26/3 đưa tin: Bóng đá Việt Nam tiếp tục ''đóng băng'' bởi đại dịch COVID-19 cho biết: Tất cả các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục được tạm ngừng tổ chức cho tới giữa tháng Tư tới vì lo ngại dịch bệnh COVID-19 đang ngày một diễn biến phức tạp. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chính thức xác nhận tiếp tục hoãn các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia năm 2020 cho tới ngày 15/4/2020 vì lo ngại dịch COVID-19. Quyết định này được đưa ra sau khi VPF báo cáo và được sự đồng ý của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).

- Báo điện tử Giao Thông ngày 26/3 đưa tin: "Vòng loại World Cup lùi tới cuối năm, HLV Park Hang-seo vẫn lo sốt vó" cho biết: Dù vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đã hoãn tới cuối năm nhưng HLV Park Hang-seo không vì thế mà có thể an tâm. Lý do là vào tháng 10, khi vòng loại World Cup trở lại, trung vệ Duy Mạnh cũng chưa thể tái xuất do chấn thương dây chằng. Ngoài ra, Trọng Hoàng và Đình Trọng cũng vắng mặt ở trận gặp Malaysia do bị treo giò.

- TTXVN ngày 25/3 có một số tin tức đáng chú ý sau:

Hoãn Olympic Tokyo - Lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết

Tối 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo ông đã nhất trí với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach về việc lùi thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Đây là quyết định đầy khó khăn nhưng cần thiết trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới.

Những thách thức với Nhật Bản khi hoãn Olympic 2020

Theo Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach, ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không bàn về chi phí hoãn Olympic 2020 mà tập trung vào việc bảo vệ sức khỏe các đội tuyển tham dự trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Trước khi đưa ra quyết định quan trọng này, IOC nhiều lần khẳng định Olympic 2020 sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Nhưng sự phản đối của các VĐV và các đội tham gia tại Tokyo năm nay đã ngày càng gây áp lực lên IOC.

Dư luận quốc tế hoan nghênh quyết định hoãn Olympic Tokyo

Dư luận đã đưa ra nhiều phản ứng trước việc Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Nhật Bản đã quyết định hoãn tổ chức Đại hội Thể thao Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sang năm 2021 trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng trên toàn cầu.

Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 40 phút với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối, coi đây là quyết định "sáng suốt".

- Báo Hà Nội mới ngày 25/3 đưa tin: "Hà Nội khuyến khích người dân tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe tại nhà" cho biết: Ngày 25-3, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội đã ban hành Văn bản số 758/SVHTT-QLTDTT về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) gửi UBND các quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, Sở VH-TT cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các vi phạm về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực lễ hội, văn hóa, thể thao.

- Báo Nhân Dân ngày 25/3 đưa tin: "Bóng đá Việt Nam chủ động ứng phó trong mùa dịch" cho biết: Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nhiều mặt của đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu trong hơn hai tháng qua và bóng đá không nằm ngoại lệ. Trước thực trạng đó, lãnh đạo VFF cho biết, liên đoàn đã và đang xây dựng kế hoạch cụ thể cho bóng đá Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ trong khoảng nửa cuối tháng 3 này, gần như toàn bộ các giải đấu châu lục hay vô địch quốc gia trên toàn thế giới đều đã bị tạm hoãn mà chưa hẹn ngày trở lại. FIFA cũng như AFC tỏ ra vô cùng quyết liệt và nhanh chóng đưa ra quyết định lùi các trận đấu nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 ở những nơi tập trung đông người như sân vận động.

4.Lĩnh vực Gia đình

- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 25/3 đưa tin: "Cách ly xã hội (social distancing) mùa dịch: Cơ hội sống chậm lại, gắn kết với gia đình hơn, nấu ăn nhiều hơn và giao tiếp xã hội nhiều hơn" cho biết: Trong cuộc chiến chống lại Covid-19, các chuyên gia cho biết cách tốt nhất để đạt được kết quả mong muốn là thông qua cách ly xã hội. Đây là một trải nghiệm thay đổi hành vi xã hội chưa từng có trước đây, và người ta sẽ sống chậm lại, sẽ phải suy nghĩ lại những gì mà mình cho là hiển nhiên. Ví dụ, một cuộc gọi video với đồng nghiệp gần đây có một vị khách không mời mà đến - đứa con trai 2 tuổi của đồng nghiệp đòi ngồi trên chân của cô ấy. Người mẹ 37 tuổi nói, đứa con của cô không quen với việc xuất hiện của mẹ ở nhà cả ngày. Đứa con trai lớn nhà tôi đặt ra cả triệu câu hỏi và muốn ngồi chung với tôi. Còn đứa nhỏ thì "muốn đảm bảo rằng tôi vẫn có mặt ở nhà, thế nên lúc nào nó cũng lẽo đẽo theo tôi để nhìn mặt của tôi." Cô ấy cười lớn. Nhưng cô hy vọng đây sẽ là một thay đổi trong thời gian dài, như vậy sẽ tốt hơn. Ngoài việc giảm thời gian đi lại, làm việc tại nhà cũng đem đến cho người ta cơ hội tập trung sâu hơn vào công việc và có những bữa ăn tự nấu xa xỉ, quây quần bên gia đình cùng ăn bữa trưa vào những ngày trong tuần.

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×