Điểm báo hoạt động ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 31/3/2020
31/03/2020 | 11:55Công bố 14 tranh cổ động xuất sắc phòng chống dịch, dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại di tích lịch sử Đền Hùng, các cầu thủ TP.HCM đồng ý giảm lương giúp CLB vượt qua khó khăn là thông tin đáng chú ý trên báo ngày hôm nay.
1.Lĩnh vực Văn hóa
- Báo An ninh Thủ đô ngày 31/3 đưa tin: Rực rỡ những sắc màu tại phiên đấu giá số 2 "Vượt qua dịch Covid-19" cho biết: Phiên đấu giá số 2 của chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19" do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Công ty Indochineart, sẽ bắt đầu từ 9h sáng nay (31-3) và kéo dài đến 9h ngày 2-4-2020. Tại đây, 12 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc với những tên tuổi nổi bật như Phan Cẩm Thượng, Nguyễn Thế Hùng, Lâm Đức Mạnh… sẽ chính thức lên sàn.
- Báo An ninh Thủ đô ngày 31/3 đưa tin: "Tác giả cuốn tự truyện rơi nước mắt ủng hộ cuộc chiến chống dịch Covid-19" cho biết: Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 căng thẳng đang diễn ra, Bạch Thái Hà, cổ đông sáng lập Công ty TNHH MeWe Việt Nam, đồng thời là tác giả cuốn tự truyện "Megan muốn về nhà và mẹ cũng thế" đã cùng các đồng sự thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ủng hộ 34.000 phần sữa hạt Dr Oatcare trị giá 850 triệu đồng cho các khu cách ly tập trung. Thêm vào đó, MeWe Việt Nam cũng đã huy động nhân lực đính hạt thủ công lên 34.000 phần sữa thông điệp để động viên những người đang bị cách ly tập trung: "Tự nguyện cách ly là thể hiện ý thức với bản thân và cộng đồng. Cảm ơn bạn đã góp phần giúp Việt Nam kiểm soát dịch Covid-19".
- Báo Vietnamplus ngày 31/3 đưa tin: "Sức mạnh của âm nhạc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19" cho biết: Hàng loạt nghệ sỹ đã cống hiến những tác phẩm âm nhạc mang sứ mệnh kết nối, truyền tải nguồn năng lượng tích cực tới cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Những ca khúc đã tiếp thêm cho mọi người niềm tin về sự đồng lòng, yêu thương, nhân ái; truyền "ngọn lửa" lạc quan, lan tỏa tinh thần đoàn kết của người Việt Nam trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
- Báo Giáo dục và Thời đại ngày 31/3 đưa tin: "Bảo tàng văn minh lúa nước: Lưu giữ hồn quê" cho biết: Ấp ủ dự định hơn 20 năm, TS Nguyễn Quang Cương – nguyên giảng viên Trường ĐHSP Quy Nhơn cùng gia đình mới có cơ hội giới thiệu với bạn bè công trình bảo tàng văn minh lúa nước tại quê nhà Hà Tĩnh. Có thể chia các hiện vật ra làm nhiều loại nhưng nhiều nhất vẫn là nông cụ. Điều đáng quý là các dụng cụ làm nông đều được đan lát từ tre nứa, bện bằng giang mây mang đậm hồn cốt cây tre Việt Nam như đơm đó, giần sàng, nong nia... Dụng cụ bằng gỗ chủ yếu là đồ dùng trong nhà như cối giã gạo, cối xay thóc, trục lúa bông... Có hiện vật chỉ vài chục năm nhưng có hiện vật có tuổi đời vài trăm năm mà cả gia đình ông đi sưu tầm được.
- Báo Văn hóa ngày 30/3 có những tin sau:
Hải Phòng: Dừng phục vụ thăm viếng mộ dịp tiết Thanh minh năm 2020
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố vừa có chỉ đạo: Dừng ngay công tác phục vụ nhân dân thăm viếng mộ dịp tiết Thanh minh năm 2020 tại tất cả các nghĩa trang, đài tưởng niệm trên địa bàn thành phố đến hết ngày 15.4.2020. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị mình quản lý thực hiện nghiêm việc không đến thăm viếng mộ tại các nghĩa trang, đài tưởng niệm trên địa bàn thành phố trong thời gian nêu trên.
Bộ VHTTDL phát hành 14 mẫu tranh cổ động phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc
Cuộc vận động sáng tác Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức trong thời gian ngắn, từ ngày 10-15.3.2020. Tuy eo hẹp thời gian nhưng chỉ sau 5 ngày, Ban Tổ chức đã nhận được 103 tranh tham gia của 23 họa sĩ trên toàn quốc tham dự. Những sản phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác lần này thể hiện tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết và trách nhiệm của các nghệ sĩ sáng tác tranh cổ động với mong muốn chung tay vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 mà Chính phủ và toàn dân đang đồng lòng thực hiện. Có những họa sĩ gửi nhiều tranh tham dự, như họa sĩ Đỗ Trung Kiên có tới 10 tranh đa dạng phong cách.
Lá chắn trắng cảm ơn những người ở tuyến đầu
Một trong những bức tranh tham gia chương trình đấu giá 60 tác phẩm nghệ thuật, tiếp sức cho những "chiến binh áo trắng" vượt qua đại dịch Covid-19, Lá chắn trắng của họa sĩ Nguyễn Lộc ngay khi ra đời đã lập tức gây sốt cộng đồng mạng. Tác phẩm được họa sĩ gửi tặng và Ban tổ chức chương trình đấu giá các tác phẩm nghệ thuật "Vượt qua đại dịch Covid-19" chọn làm hình ảnh đại diện cho toàn bộ sự kiện. Ấn tượng về bức tranh là hình ảnh về đội ngũ y bác sĩ trong công tác phòng chống dịch. Sắc trắng và những đôi mắt dưới ngôn từ hội họa được họa sĩ khắc họa như một biểu tượng đẹp về người thầy thuốc, đem lại niềm tin cho mọi người trước dịch bệnh. Họ đang là lá chắn rắn chắc để bảo vệ nhân dân.
- Báo Quân đội Nhân dân ngày 30/3 có những tin sau:
Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ III-năm 2020.Đây là giải thưởng trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc viết về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được đăng trên các loại hình báo chí đã được cấp phép. Giải cũng trao cho các cơ quan báo chí tiêu biểu của Thủ đô và cả nước có nhiều đóng góp trong hoạt động tuyên truyền về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo thể lệ, mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được chọn tối đa 3 tác phẩm phù hợp với quy định của giải để tham dự.
Tổng kết 10 năm về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa có văn bản hướng dẫn Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về "Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội".Các hoạt động tổng kết cần phân tích, kiểm điểm, chỉ rõ những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chỉ thị; bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong những năm tiếp theo...
Phú Yên không tổ chức Lễ Vía Bà tại Tháp Nhạn
Ngày 30-3 Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên có công văn thông báo: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để chủ động, kịp thời kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho khách du lịch và nhân dân, năm nay, Lễ Vía Bà không được tổ chức tại tháp Nhạn, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên như định kỳ. Theo truyền thống, lễ Vía Bà diễn ra tại Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn từ 18 đến 23-3 (âm lịch) hằng năm, với nhiều nghi thức như dâng hương, múa bóng, hầu đồng, phát lộc…
"Thanh xuân hóa" di tích - bài học từ việc tu bổ tam quan chùa Đậu
Trong thực tế hiện nay, phần lớn di tích vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bảo tồn không nguyên gốc mà tam quan chùa Đậu chỉ là một ví dụ. Còn có thể kể thêm những vụ tu bổ sai trầm trọng hơn, như: Đình Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), chùa Thiên Phúc (Cửa Nam, Hà Nội), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội)… gần đây là cầu Ngói chợ Thượng (Nam Trực, Nam Định), đình Trùng Hạ (Gia Viễn, Ninh Bình), chùa Bổ Đà (Bắc Giang)… Nhiều di tích bị làm mới sau quá trình tu bổ đặt ra vấn đề phải nâng cao nhận thức và chấn chỉnh cách làm của các bên liên quan. Tam quan chùa Đậu trở nên lạ lẫm sau khi được tu bổ. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp di tích bị "thanh xuân hóa" sau khi tu bổ. Điều này đặt ra vấn đề trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý di tích cũng như những cán bộ quản lý văn hóa tại các địa phương.
- Báo điện tử Chính phủ ngày 30/3 đưa tin: "Treo tranh cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở xã, phường, thị trấn toàn quốc" cho biết: 14 mẫu tranh cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 sẽ được treo tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch bệnh COVID-19 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức cấp tốc từ ngày 10-15/3. Tuy eo hẹp thời gian nhưng sau 5 ngày, Ban Tổ chức đã nhận được 103 tranh tham gia của 23 họa sĩ trên toàn quốc.
- Báo điện tử Chính phủ ngày 30/3 đưa tin: Phát hành bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch COVID-19" cho biết: Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sẽ phát hành bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch COVID-19", bộ tem được phát hành ngày 31/3. COVID-19 là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, đã và đang có diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Ngày 11/2, Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) đã đặt tên chính thức cho chủng virus corona mới này là SARS-CoV-2. Vào đêm 11/3 theo giờ Việt Nam, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
- Báo Hà Nội mới ngày 30/3 đưa tin: "Không tổ chức lễ hội chùa Thầy để phòng, chống dịch Covid-19" cho biết: Sáng 30-3 (tức ngày 7 tháng Ba năm Canh Tý), diễn ra chính hội chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố và UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Sài Sơn đã đóng cửa, không tổ chức phần hội tại lễ hội năm nay. Phần lễ được tổ chức theo phong tục của địa phương với hình thức gọn nhẹ, không tổ chức rước lễ để phòng, chống dịch Covid-19.
- Báo Hà Nội mới ngày 30/3 đưa tin: "Mảng màu mới của phim truyền hình" cho biết: Sau những bộ phim về đề tài gia đình gây chú ý, nhưng khá quen thuộc trên truyền hình, gần đây Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) chuyển hướng khai thác những đề tài mới về thương trường hay thanh niên lập nghiệp, tạo nên những mảng màu đa sắc cho khán giả truyền hình thưởng thức thời điểm này.
- Báo Doanh nghiệp Việt Nam ngày 31/3 đưa tin: "Nghệ nhân ưu tú Lê Thanh Tùng: Một đời dành cho Đờn ca tài tử" cho biết: Đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy, song ngọn lửa đam mê Đờn ca tài tử trong Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng dường như chưa bao giờ giảm. Hơn mấy chục năm qua, ông luôn miệt mài rèn luyện và truyền tình yêu đối với bộ môn Đờn ca tài tử đến biết bao thế hệ trẻ trong hành trình gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.
- Báo Nhân Dân, báo điện tử Chính Phủ và nhiều báo khác ngày 31/3 đưa tin: "Công bố 14 tranh cổ động xuất sắc phòng chống dịch Covid-19" cho biết: Chỉ trong vòng năm ngày, đã có hơn 100 tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ban tổ chức đã lựa chọn được 14 tác phẩm xuất sắc nhất. Trong số các tác phẩm tham dự, Hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 14 tác phẩm xuất sắc nhất. Đây là những bức tranh được thể hiện rất ấn tượng, mang những thông điệp ý nghĩa về phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19 qua ngôn ngữ tranh cổ động. Những mẫu tranh cổ động này sẽ được in và phát hành đến Trung tâm Văn hóa, Thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch Covid-19.
2.Lĩnh vực Du lịch
- TTXVN ngày 30/3 có một số tin tức đáng chú ý sau:
Tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng
Ngày 30/3, ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết vừa ra thông báo tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu di tích lịch sử Đền Hùng từ ngày 29/3-15/4, để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ như: Dịch vụ chụp ảnh; dịch vụ vận chuyển khách thăm quan bằng xe điện; dịch vụ bán hàng (ăn uống, nước giải khát, đồ lưu niệm, vui chơi, giải trí). Các tổ chức, cá nhân kinh doanh còn phải có trách nhiệm tự trông coi, bảo vệ hàng hóa tại quầy; bố trí sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp; thường xuyên kiểm tra hệ thống mạng lưới điện để đề phòng cháy nổ; giữ gìn, bảo vệ môi trường trong khu vực kinh doanh và khu di tích.
Ngành du lịch Thủ đô tăng cường đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, Sở Du lịch Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố tăng cường đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch; kiểm soát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh gây ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch. Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh. Dự kiến quý I năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội đạt 3,85 triệu lượt, giảm 47,2% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm du lịch Phan Thiết thích nghi với việc 'đóng cửa' chống dịch COVID-19
Tính đến thời điểm ngày 30/3, các cơ sở kinh doanh các dịch vụ, nhà hàng, quán bia trên địa bàn thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã thực hiện tạm thời đóng cửa. Nhiều quán cà phê, quán ăn chuyển sang hình thức mua bán trực tuyến (online), giao tận nhà hoặc chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ. Ngoài việc phát khẩu trang miễn phí, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố Phan Thiết còn lập biên bản xử lý các trường hợp không chấp hành quy định đeo khẩu trang dù đã nhắc nhở nhiều lần.
-Trên báo Văn hóa ngày 30/3 có những tin sau:
Đà Nẵng: Du khách nước ngoài trốn làm thủ tục cách ly âm tính với SARS-nCoV-2
Chiều 30.3, UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) xác nhận, lực lượng chức năng đã tìm thấy nữ du khách Mỹ bỏ trốn khi đang làm thủ tục nhập viện để cách ly, đồng thời sau khi làm các thủ tục xét nghiệm cần thiết cho thấy nữ du khách này có kết quả âm tính với SARS-nCoV-2. Nữ du khách D.S (29 tuổi, quốc tịch Mỹ) nhập cảnh vào Việt Nam ngày 13.2. Người này từng đi Trung Quốc và Đài Loan (TQ) trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Sáng 30.3, nữ du khách đến khám tại Trung tâm Y tế quận và có biểu hiện ho, sốt nghi nhiễm Covid-19 nên được đưa đến Bệnh viện 199. Tuy nhiên, khi đến nơi cách ly và lấy lời khai dịch tễ thì người này bỏ trốn.
Nữ du khách viết thư cảm ơn nhân viên khu cách ly ở Hội An
"Tôi có thể cảm thấy nụ cười, ngay cả sau tấm khẩu trang", nữ du khách người Rumani đã viết như thế trong email cảm ơn nhân viên khu cách ly ở Hội An khi đang trên hành trình bay về nước. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, Tổ công tác làm nhiệm vụ ở Khu lưu trú an toàn dành cho người nước ngoài tại Hội An Beach Resort (số 1, Cửa Đại, Hội An) khi mở email công vụ đã nhận được bức thư bằng tiếng Anh của nữ du khách người Rumani vừa rời khu lưu trú an toàn quay về nước. Chủ nhân của lá thư là bà Cristina Daus – nữ Trưởng đoàn du lịch của nhóm 15 du khách đến từ từ Rumani, gửi lời cảm ơn đến Tổ công tác đang làm nhiệm vụ ở đây.
Thuyền nhỏ gặp sóng lớn
Giảm 80-90% lượng khách, đóng tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm tham quan, thậm chí nhiều tỉnh thành đã thông báo không nhận khách lưu trú du lịch để phòng chống dịch Covid-19. Dự báo ngành Du lịch trong những tháng tới sẽ tiếp tục chịu nhiều thiệt hại do dịch bệnh nên rất cần những giải pháp cấp bách để cứu doanh nghiệp du lịch không bị phá sản. Có tới trên 80% doanh nghiệp du lịch Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực yếu nên những lúc "sóng to gió lớn" như thế này rất khó để có thể vượt qua. Dù Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký tờ trình Chính phủ số 3540/TTr-BTC về Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Nghị định này quy định về việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
- Báo Nhân Dân ngày 31/3 đưa tin: "Ngành du lịch Trung Quốc nỗ lực khôi phục hoạt động" cho biết: Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch Covid-19, ngành công nghiệp du lịch Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục hoạt động. Nhiều khu danh lam thắng cảnh ít chịu tác động của dịch bệnh đang mở cửa lại đón khách du lịch. Một số tín hiệu về tăng trưởng du lịch đang làm dấy lên hy vọng phục hồi ngành "công nghiệp không khói" trong thời điểm khó khăn này. Mặc dù ngành du lịch đang tích cực chuẩn bị hướng tới các cơ hội phục hồi sau dịch bệnh, nhưng giới chức Trung Quốc không lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Các biện pháp phòng, chống dịch như khai báo thông tin cá nhân, khử trùng thường xuyên, theo dõi thân nhiệt và quy định giờ giới nghiêm hằng ngày cho du khách được thực hiện nghiêm ngặt tại các điểm du lịch, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Báo Tổ Quốc ngày 31/3 đưa tin: "Bố trí cơ sở lưu trú làm nơi cách ly cho cán bộ phòng, chống dịch Covid-19" cho biết: Ngày 30-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1292/BVHTTDL-TCDL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc cách ly phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, Bộ chỉ đạo Sở quản lý du lịch làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú trên địa bàn để bố trí khách sạn và các loại cơ sở lưu trú khác làm nơi cách ly cho các cán bộ y tế và cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 khác của địa phương.Chỉ đạo các cơ quan chức năng và cơ sở lưu trú được lựa chọn phục vụ, cách ly thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Công văn số 1687/BC-BCĐ ngày 27-3-2020.
- Báo điện tử Dân Trí ngày 30/3 đưa tin: "Hội An vắng lặng giữa mùa dịch Covid-19" cho biết: Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã biến phố cổ Hội An sầm uất trở nên trầm lắng. Đường phố vắng tanh, hàng quán đóng cửa… Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên khách du lịch thưa vắng, nhiều điểm tham quan và cửa hàng buôn bán đóng cửa, các hoạt động du lịch tại Hội An bị đình trệ. Đặc biệt, sau lệnh "giới nghiêm" của thành phố tạm dừng hoạt động kinh doanh nhà hàng, ăn uống, quán bia, cà phê… trên toàn địa bàn thành phố kể từ ngày 28/3 đến hết ngày 15/4. Sau thời hạn trên, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh, UBND TP Hội An sẽ xem xét, quyết định việc cho phép hoạt động trở lại hoặc kéo dài thời gian để phòng chống dịch bệnh.
- Báo điện tử Dân Trí ngày 30/3 đưa tin: "Vì sao chỉ có 156 khách sạn trở thành điểm cách ly có tính phí?" cho biết: Một số khách sạn cao cấp cho biết, sở dĩ họ không đăng ký làm điểm cách ly có tính phí là do không đáp ứng được lực lượng y - bác sĩ, nhân viên hậu cần, an ninh. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất nhiều khách sạn, resort cao cấp trên cả nước rơi vào tình cảnh "ế ẩm". Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm 2020, nhiều khách sạn tại Hội An và Đà Nẵng, công suất đặt phòng chỉ dưới 10%, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM nhỉnh hơn 1 chút, lần lượt là 60% và 48%.
- Báo điện tử Zing.vn ngày 30/3 đưa tin: "5 resort hạng sang ở Việt Nam xuất hiện trên tạp chí nước ngoài" cho biết: Luxury Travel Diary, tạp chí du lịch Anh, đã chỉ ra những resort đẳng cấp bậc nhất ở Việt Nam, hứa hẹn thỏa mãn mọi nhu cầu của các vị khách khó tính. Fusion Maia Resort (Đà Nẵng) là một lựa chọn tuyệt vời cho du khách khi đặt chân đến Đà Nẵng. Resort này chỉ cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 10 phút lái xe và có tầm nhìn thẳng ra bãi biển Mỹ Khê đẹp bậc nhất Việt Nam. Với 87 villa sở hữu bể bơi và sân vườn riêng, Fusion Maia Resort phù hợp cho những gia đình, cặp đôi muốn tận hưởng kỳ nghỉ riêng tư, ấm cúng. Để đảm bảo sự hài lòng từ khách hàng, resort luôn hướng tới việc đem đến 3 trải nghiệm trong suốt kỳ nghỉ, gồm lành mạnh, tinh tế và độc đáo.
3.Lĩnh vực Thể thao
- Báo điện tử VOV ngày 31/3 đưa tin: VPF họp bàn "giải cứu" V-League 2020: Sẽ có phương án ổn thỏa? Cho biết: Hôm nay (31/3), VPF sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến để bàn về phương án tiếp tục V-League 2020. Liệu sẽ có những phương án ổn thỏa được đưa ra? Ở thời điểm này, V-League bị hoãn vì dịch Covid-19 là điều bất khả kháng. Không một ai mong muốn giải đấu hàng đầu quốc gia phải tạm dừng liên tục vì những yếu tố ngoài chuyên môn. Tuy nhiên, khi sức khỏe cộng đồng là yếu tố đặt lên hàng đầu thì việc giải đấu tạm dừng là điều tất yếu.
- Báo điện tử VTC News đưa tin: "HLV tuyển Thái Lan đồng ý giảm lương" cho biết: Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) tuyên bố họ sẽ cắt giảm lương các nhân viên của mình để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Quyết định này bao gồm cả lương của huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Thái Lan Akira Nishino. FAT đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính. Họ cho biết, ngoài HLV Nishino, nhân viên, huấn luyện của tất cả các các đội tuyển quốc gia và nhân viên văn phòng của Liên đoàn cũng bị cắt giảm. Tuy nhiên, FAT không tiết lộ mức độ cắt giảm.
- Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/3 đưa tin: "Bầu Đức đưa ra phương án giảm lương cầu thủ" cho biết: Ông chủ của HA Gia Lai đặt ra phép tính để thương thảo với cầu thủ về việc giảm lương 50% khi dịch COVID-19 kéo dài. FIFA vừa có cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội CLB bóng đá châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ thế giới (FIFPro) đưa ra những giải pháp ứng phó với tình hình ngưng trệ của làng bóng vì dịch COVID-19. Một trong những biện pháp đối phó để phòng ngừa nguy cơ phá sản của các CLB khi bóng không lăn là giảm lương các thành viên của đội bóng.
- TTXVN ngày 30/3 có một số tin tức đáng chú ý sau:
Bóng đá Việt Nam mùa dịch COVID-19: Đặt an toàn, sức khỏe lên trên hết
Phương án tổ chức V-League 2020 khi giải trở lại sau dịch COVID-19 theo hình thức tập trung ở khu vực phía Bắc được Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đưa ra đang gây ra những ý kiến trái chiều. Theo đề xuất của VPF, V-League 2020 sẽ thi đấu trở lại trên 7 sân cỏ (không khán giả) ở phía Bắc là Thanh Hóa, Thiên Trường, Lạch Tray, Cẩm Phả, Hàng Đẫy, PVF (Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam), Mỹ Đình. Thời gian thi đấu từ ngày 15/4 - 29/5 hoặc từ 1/5 - 28/6. Tuy nhiên, thời gian này cũng sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch COVID-19.
Nhiều tuyển thủ quốc gia kêu gọi chung tay đẩy lùi dịch COVID-19
Đồng hành cùng chiến dịch chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-9, thông qua tài khoản cá nhân và hoạt động bán đấu giá áo thi đấu, tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Quyết đã kêu gọi được sự ủng hộ, quyên góp của người hâm mộ bóng đá số tiền hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân Văn Quyết cũng ủng hộ 100 chiếc khẩu trang N95 và 100 bộ đồ bảo hộ cho các y, bác sĩ đang chống dịch nơi tuyến đầu.
VFF và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19
Thông tin từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ngày 30/3 cho biết: Thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc gồm Tạp chí Bóng đá và Trung tâm đào tạo Bóng đá trẻ Việt Nam về việc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.
Vận động viên đã giành vé dự Olympic 2020 được 'bảo lưu' tới năm 2021
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã thống nhất với các thành viên về việc các vận động viên (VĐV) đã giành vé dự Olympic 2020 vẫn được giữ nguyên suất của mình. Nước chủ nhà Nhật Bản cùng IOC đã thống nhất sẽ hoãn Olympic 2020 do lo ngại dịch COVID-19. Thời điểm tổ chức lại kỳ thế vận hội vẫn chưa được quyết định, nhưng sớm nhất cũng phải đến hè 2021. Hai bên cũng đồng ý Olympic vẫn sẽ được tổ chức ở Nhật Bản và giữ nguyên tên Olympic và Paralympic Tokyo 2020. Trong thông báo mới đây, IOC cho biết, những VĐV đó vẫn sẽ được dự thế vận hội.
Đại hội Thể thao Olympic Tokyo 2020 bắt đầu khởi tranh từ ngày 23/7/2021
Truyền hình TBS đưa tin Đại hội Thể thao Olympic Tokyo 2020 sẽ bắt đầu khởi tranh từ ngày 23/7/2021. Thông tin trên được hé lộ gần 1 tuần sau khi Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Nhật Bản quyết định hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020 sang năm 2021 do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là lần đầu tiên một kỳ Olympic bị hoãn trong thời bình.
- Báo Văn hóa ngày 30/3 có những tin sau:
Các cầu thủ TP.HCM chịu giảm lương giữa mùa dịch Covid-19
Ban lãnh đạo đội đương kim á quân V.League - CLB TP.HCM vừa thông báo tất cả các thành viên trong đội đã đồng ý chịu giảm lương để giúp CLB vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bóng đá Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid -19. Việc các giải bị tạm hoãn khiến các đội bóng chịu tổn thất lớn về doanh thu tiền bán vé, hình ảnh, hợp đồng quảng cáo… trong khi phải trả lương đầy đủ cho các thành viên trong đội, đặc biệt là lương cầu thủ.
VFF chưa đề cập tới chuyện giảm lương của HLV Park Hang-seo
Xung quanh thông tin về việc liệu HLV Park Hang-seo có nên giảm lương để giảm gánh nặng cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 hay không, thông tin từ VFF cho biết, hiện tại VFF và nhà cầm quân người Hàn Quốc chưa đề cập đến vấn đề này. Thông tin trên xuất phát từ việc cách đây ít ngày, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã thảo luận với Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA) và Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Thế giới (FIFAPRO) về nhiều giải pháp mới chống lại ảnh hưởng của dịch. Trong đó chi tiết đáng chú ý nhất là kêu gọi cầu thủ cắt giảm 50% lương để hỗ trợ đội bóng chủ quản. FIFA hy vọng giải pháp này sẽ giúp các CLB giải quyết được bài toán khó khi phải duy trì trả lương cho các cầu thủ trong bối cảnh hầu hết các giải đấu đã bị hoãn tổ chức về dịch bệnh.
Bóng đá và trách nhiệm với cộng đồng
Dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt". Bóng đá Việt Nam và rất nhiều nước khác đang bị "tê liệt" bởi dịch bệnh. Các đội bóng, các cầu thủ đang chịu những tổn thất không nhỏ về tài chính nhưng trong hoàn cảnh đó, họ vẫn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Đó là những thông điệp ý nghĩa được truyền tải, ủng hộ vật chất, tiền bạc để chung tay cùng thế giới đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tại Việt Nam, bóng đá từ xưa đến nay vẫn luôn được xem là "môn thể thao vua", nhiều người vẫn hay nói rằng "bóng đá và phần còn lại" để chỉ mức độ quan tâm của người hâm mộ dành cho bóng đá so với các môn thể thao khác. Và khi HLV Park Hang-seo xuất hiện cùng ĐTQG và U23 giành nhiều chiến tích vẻ vang thì bóng đá càng lấy được nhiều tình cảm hơn từ người hâm mộ.
- Báo điện tử Đồng Nai ngày 30/3 đưa tin: "Tốp 5 cầu thủ nội đắt giá nhất V.League 2020" cho biết: Mới đây, trang chuyển nhượng uy tín transfermarkt đã định giá tốp 5 cầu thủ nội đắt giá nhất V.League 2020. Theo đó, cầu thủ Việt Nam có giá trị chuyển nhượng cao nhất V.League 2020 là tiền đạo Nguyễn Công Phượng (CLB TP.HCM). Cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB HAGL được transfermarkt định giá 200 ngàn euro. Cũng được định giá 200 ngàn euro như Công Phượng trong tốp cầu thủ nội đắt giá nhất V.League là Lương Xuân Trường (HAGL). Chơi trong màu áo tuyển quốc gia và liên tục xuất ngoại chính là lý do giúp Xuân Trường được định giá cao.
- Báo điện tử Đồng Nai ngày 30/3 đưa tin: "Xếp hạng FIFA nữ tháng 3: Tuyển nữ Việt Nam vẫn số 1 Đông Nam Á" cho biết: Theo bảng xếp hạng tháng 3 bóng đã nữ mới được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) công bố chiều 27-3, đội tuyển nữ Việt Nam bị rớt 3 bậc trên bảng xếp hạng do thất bại ở vòng loại Olympic Tokyo nhưng vẫn bỏ xa Thái Lan. Trong bảng xếp hạng FIFA mới nhất, tuyển nữ Việt Nam đứng ở vị trí 35 với 1.657 điểm (bị trừ 3 điểm do để thua cả hai trận lượt đi và về trước tuyển Australia ở vòng play-off vòng loại Olympic 2020 hồi đầu tháng 3), rớt 3 hạng (trước đó xếp hạng 32) so với bảng xếp hạng gần nhất vào tháng 12-2019.
- Báo An ninh Thủ đô ngày 30/3 đưa tin: SLNA tính mượn sân Thanh Hóa đá V-League trong lúc sân Vinh "thay áo" cho biết: Việc cải tạo mặt cỏ sân Vinh nhanh nhất phải tháng 5 mới hoàn thành, vì vậy SLNA sẽ mượn sân Thanh Hóa đá V-League 2020 lăn bóng trở lại thời gian tới. Sân Vinh - sân nhà của CLB SLNA những năm gần đây đã xuống cấp trầm trọng, từ khán đài, phòng chức năng tới mặt cỏ. Rất nhiều đội bóng chia sẻ rằng mỗi khi đến làm khách trên sân Vinh, điều ám ảnh họ không phải các cầu thủ chủ nhà mà là mặt sân lồi lõm, cỏ cháy khét và dàn đèn thiếu sáng.
4.Lĩnh vực Gia đình
- Báo điện tử Tổ Quốc ngày 30/3 đưa tin: "Bắc Giang: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình" cho biết: Thực hiện các hoạt động năm 2020 thuộc "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020". Sở VHTTDL Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch Thực hiện các hoạt động năm 2020 thuộc "Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020". Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện từ tỉnh đến cơ sở trong năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu của Đề án "Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020".